Khi nghe tin thầy L. được đề bạt làm hiệu phó, rồi hiệu trưởng một trường tiểu học chỉ trong vài năm, những thầy cô giáo tại địa phương đã đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Tiếp khách, lo lấy lòng cấp trên hiệu trưởng nợ như "chúa chổm" (Ảnh minh họa: vietgiaitri.com) |
Bất ngờ vì ngay khi còn là giáo viên, thầy L. chẳng có gì là nổi bật trừ những điều không được hay ho gì lắm như việc mê ăn nhậu và gái gú trăng hoa dù đã có gia đình.
Thế nhưng bỏ ra chút công nghe những lời bàn tán quanh mình thì thấy đạt được thành quả này đó là một sự đầu tư dài hơi có tầm nhìn xa, trông rộng của thầy L.
Trước đó, khi còn là giáo viên đã thấy thầy kết thân với thầy H. là phó trưởng phòng giáo dục. Đi ăn, đi chơi nơi nào người ta cũng thấy hai thầy như hình với bóng.
Khá nhiều giáo viên thắc mắc: “Lương giáo viên ba cọc ba đồng thì lấy gì để bao sếp đi ăn chơi?” Không ít người đoán già đoán non: “Chắc gia đình có của chìm của nổi hoặc trúng đất, trúng số gì đó không ai biết”.
Phó phòng thăng chức, sự nghiệp thầy L. nở hoa
Ngay thời điểm vị phó phòng (mà thầy L. kết thân) lên chức trưởng phòng giáo dục thì xem như sự nghiệp của thầy L. cũng hanh thông rộng mở.
Chỉ vài tháng sau đó, thầy L. được đề bạt làm hiệu phó và một năm sau lên chức hiệu trưởng mặc cho bao lời bàn tán to nhỏ xung quanh.
Vài năm sau nữa, thầy L. đã được đưa về làm hiệu trưởng một trường tiểu học có quy mô lớn hơn trước. Và cũng từ đấy, người ta vẫn thấy thầy L. như cái “đuôi” của vị trưởng phòng giáo dục kia.
Dù năng lực chuyên môn, quản lý có hạn nhưng bất kể cuộc hội thảo nào trong tỉnh hay ngoài tỉnh thì thầy L. cũng được ưu ái có mặt.
Hoặc trong những cuộc vui đôi khi sắp tàn, thầy L. cũng thường được sếp gọi đến.
Nợ như “chúa chổm”
Một số giáo viên tiết lộ, kể từ ngày thầy L. làm hiệu trưởng, giáo viên trong trường xem như mất đi một phần tết. Trước đó, dù ít, dù nhiều nhà trường vẫn có được ít tiền xoay sở khi xuân về.
Thế nhưng kể từ ngày ấy, thầy cô luôn nghe điệp khúc hết tiền, âm tiền, mượn tiền năm tới trang trải năm nay và nợ thì cứ lũy thừa tiếp mãi.
Khi ngân sách không đủ gồng mình chi những khoản ầu ơ, thầy L. bắt đầu vay mượn giáo viên trong trường.
Người thì thầy mượn đứng tên ngân hàng để thầy vay, người thì cho mượn tiền mặt, mượn vàng…
Khi cả trường gần như ai cũng là “chủ nợ” của thầy và khôn khéo không đưa thêm tiền thì thầy bắt đầu vay lãi nóng bên ngoài.
Vậy mà người ta vẫn thấy thầy có mặt ở những buổi tiếp khách còn tỏ ra hỉ hả đứng lên trả tiền.
Vỡ nợ khi giáo viên chuyển trường
Nếu cứ bình yên như thế, nghĩa là ai dạy trường nào cứ yên vị trường ấy sẽ không có gì xảy ra.
Cách đây 3 năm, huyện tôi có một chuyển đổi lớn xáo trộn giáo viên giữa các địa bàn.
Việc này, không do phòng giáo dục mà do bên phòng nội vụ trực tiếp triển khai.
Đi ra khỏi trường, không còn chịu sự chỉ đạo của hiệu trưởng, những giáo viên này đồng loạt đòi lại tiền đã cho thầy mượn bao năm.
Có thầy cô tỏ ra gay gắt khi không được trả đủ.
Thế là, để giữ uy tín (để trấn an thì đúng hơn vì có người gay gắt nói rằng còn uy tín đâu mà giữ), thầy L. buộc phải vay tiếp lãi ngoài để dàn xếp.
Mất tài sản, mất gia đình
Lãi ngoài nóng rát mặt, lãi mẹ đẻ lãi con, người ta thu từng tháng có như mượn giáo viên mà cù nhầy sao cũng được. Thế là, người ta cứ thấy thầy từ xe SH xuống xe hon đa thường. Rồi từ xe hon đa nhìn cũng được đến chiếc xe chạy bành bạch tiếng nổ vang trời.
Nhiều lần giáo viên trường ấy nói rằng, thấy cả mấy người chằm trổ đến trường trong sắc khí đằng đằng. Nhiều thầy cô giáo ngại tiếp xúc với sếp mình vì sợ nể quá không thể từ chối khi thầy hỏi mượn tiền.
Sự cầm cự trong bão nợ nần đã lên đỉnh điểm nên căn nhà cả gia đình thầy ở bấy nay đã kịp sang tên đổi chủ cho đám chủ nợ ăn chực nằm chờ trước cổng bao ngày.
Tài sản mất, hạnh phúc gia đình thầy cũng chẳng giữ được. Thầy và vợ ra tòa chia tay.
Nghe nói cũng do cô ấy đã từ lâu không chịu nổi cái tính xun xoe, bợ đỡ của chồng mình. Cũng do sự thỏa hiệp không cương quyết ngay từ đầu nên mới dẫn đến hậu quả buồn đến như vậy.