Thời báo Kinh tế Ấn Độ ngày 4/1 cho hay, một trạm giám sát vệ tinh do Ấn Độ xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam trị giá 23 triệu USD sắp đi vào hoạt động, trở thành “tài sản chiến lược quan trọng” của Ấn Độ ở khu vực Biển Đông.
Vệ tinh quan trắc trái đất (ảnh minh họa) |
Trạm giám sát này sẽ có lợi cho Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ theo dõi và thu thập các số liệu phản hồi từ vệ tinh. Hiện nay, Ấn Độ đã thiết lập trạm theo dõi, giám sát vệ tinh ở Indonesia và Brunei. Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ sẽ kết nối trạm giám sát ở Việt Nam với trạm giám sát ở Indonesia.
Trạm giám sát này được coi như “điểm tựa chiến lược” của Ấn Độ ở khu vực Biển Đông, tăng cường vai trò của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, có lợi cho cả Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Tờ Deccan Herald bình luận, Ấn Độ rất muốn hợp tác với ASEAN, xây dựng trạm giám sát vệ tinh ở Việt Nam là dự án lớn đầu tiên trong hợp tác công nghệ không gian giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, Ấn Độ bắt đầu đánh con bài ngoại giao không gian với Trung Quốc.
Phó tổng biên tập Tạp chí Tri thức hàng không Trung Quốc Vương Á Nam cho rằng, cho dù không xây dựng ở Việt Nam, từ lãnh thổ của mình, Ấn Độ vẫn có thể giám sát Biển Đông. Trong khi đó, vai trò thực chất của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á là có hạn.
Vì vậy ông Nam tin rằng xây dựng trạm giám sát vệ tinh ở Việt Nam có ý nghĩa tượng trưng, thể hiện mối quan tâm của Ấn Độ đối với vùng biển phía đông Ấn Độ Dương đang tăng lên.
Trạm giám sát vệ tinh |
Đối với Việt Nam, Ấn Độ là nước lớn quân sự của khu vực Nam Á, Việt Nam hy vọng tăng cường quan hệ với Ấn Độ để nâng cao tiếng nói của mình trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Trong tương lai, Ấn Độ và Việt Nam có thể sẽ có nhiều hợp tác hơn.
Hai năm gần đây, Ấn Độ có xu thế tích cực can thiệp vấn đề Biển Đông, nhiều lần đề cập đến vấn đề Biển Đông trong các hoạt động ngoại giao cấp cao với Nhật Bản, Philippines…
Với tầm quan trọng chiến lược và địa vị quốc tế ngày càng tăng, Ấn Độ sẽ không chỉ muốn làm nước lớn ở Ấn Độ Dương, mà còn muốn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề Thái Bình Dương.
Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 26/1 dẫn hãng tin Reuters Anh ngày 25/1 cho rằng, Ấn Độ sẽ xây dựng một trung tâm theo dõi hình ảnh vệ tinh ở miền nam Việt Nam, do đó, Việt Nam sẽ có thể trực tiếp tiếp nhận các hình ảnh viễn thám, các căn cứ hải quân ở ven bờ của Trung Quốc, các động thái hải quân của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) đều sẽ trở thành mục tiêu quan tâm của Việt Nam.
Hình ảnh vệ tinh |
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác nhận sự tồn tại của dự án này, nhưng không cung cấp thêm chi tiết khác.
Một quan chức Ấn Độ giấu tên nói với Reuters, Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ là bên bỏ vốn của trạm giám sát vệ tinh này. Người phát ngôn tổ chức này cho biết, dự án vẫn đang ở giai đoạn đầu, vẫn đang liên hệ với nhà chức trách Việt Nam.
Hindustan Times Ấn Độ ngày 25/1 cho rằng, đây là một trung tâm giám sát hình ảnh vệ tinh, vừa có thể giám sát quá trình phóng vệ tinh nhân tạo của Ấn Độ, vừa có thể sử dụng vệ tinh quan trắc địa cầu của Ấn Độ quay chụp hình ảnh đối với khu vực này, chẳng hạn Trung Quốc và Biển Đông.
Một quan chức chính phủ phụ trách công nghệ không gian Ấn Độ nói với tờ báo này, để trao đổi, Việt Nam có thể trực tiếp tiếp nhận hình ảnh viễn thám, bao gồm các dữ liệu vệ tinh liên quan đến Trung Quốc mà Việt Nam quan tâm.
Reuters bình luận, sau khi quan hệ Việt-Trung bị ảnh hưởng bởi vấn đề Biển Đông, Hà Nội luôn tìm kiếm công nghệ tình báo, giám sát và trinh sát tiên tiến. Năm 2013, Việt Nam đã phóng vệ tinh quan trắc trái đất đầu tiên, nhưng dư luận cho rằng, tỷ lệ phân giải hình ảnh của vệ tinh Việt Nam không cao lắm.
Vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 của Việt Nam |
Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore dẫn lời chuyên gia an ninh cho rằng, mặc dù trạm giám sát vệ tinh của Ấn Độ ở Việt Nam thuộc công trình dân dụng, nhưng công nghệ hình ảnh tiên tiến hiện nay cho phép sử dụng cho mục đích quân sự.
Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Trường Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore phân tích, vệ tinh trinh sát quân sự có độ chính xác cao có thể dùng để thu lấy thông tin và tín hiệu quân sự, quay chụp các hình ảnh đất liền rõ ràng, độ phân giải trong vòng 1 m.
“Về quân sự, việc làm này có ý nghĩa đáng kể. Việt Nam có thể bổ sung những hạn chế của mình, Ấn Độ có thể mở rộng phạm vi quan trắc” – Collin Koh nói.
Theo hãng tin Reuters, hợp tác này của Ấn Độ và Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ hai nước, nhưng có thể sẽ khiến cho Trung Quốc tức giận. Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có ý nguyện mạnh mẽ trong việc gia tăng hợp tác an ninh với các nước như Việt Nam, hầu như không để ý đến thái độ của Trung Quốc.
Việt Nam tăng cường quan hệ với Ấn Độ |
Theo chuyên gia Ajey Lele thuộc Viện nghiên cứu phân tích quốc phòng Ấn Độ: “Ấn Độ và Việt Nam hầu như đều tiến hành hợp tác ở mỗi cấp độ, nguyên nhân rất rõ ràng, chính là Trung Quốc”.
Nhà nghiên cứu Carl Thayer của Australia cho rằng, lợi ích của hai nước này trong vấn đề Biển Đông và Trung Quốc “đang trùng nhau”.
Đài truyền hình “Nước Nga ngày nay” ngày 25/1 bình luận, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cung cấp 100 triệu USD cho Việt Nam dùng để tăng cường sức mạnh quân sự. Đáp lại, Việt Nam dành cho Ấn Độ quyền khai thác dầu mỏ ở vùng đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông.