Việt Nam không có đại học nào được xếp hạng bởi ARWU trong năm 2023

18/08/2023 06:34
Tiến sĩ Lê Văn Út (Trường Đại học Văn Lang)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 15/8, Tổ chức xếp hạng đại học thế giới Academic Ranking of World Universities (ARWU) đã công bố bảng xếp hạng cho 1.000 đại học hàng đầu thế giới.

ARWU có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc, được xem là một bảng xếp hạng đại học khó nhất, khách quan nhất thế giới. ARWU không phụ thuộc vào dữ liệu do các đại học cung cấp, mà ARWU tự xây dựng dữ liệu xếp hạng, cho các đại học bằng việc sử dụng cơ sở dữ liệu học thuật khách quan trên thế giới.

Tiêu chí xếp hạng của ARWU

ARWU dùng 4 tiêu chí để đánh giá, xếp hạng một đại học gồm (1) Chất lượng giáo dục (10%) được đo bằng số lượng cựu sinh viên đạt giải Nobel/Fields, (2) Chất lượng đội ngũ giảng viên (40%) được đo bằng số lượng giảng viên đạt giải Nobel/Fields và số lượng giảng viên được vinh danh là người làm nghiên cứu có trích dẫn cao theo Web of Science (WoS, Mỹ), (3) Đẳng cấp sản phẩm nghiên cứu (40%) thông qua số lượng bài báo trên hai tạp chí khoa học lừng danh Nature/Science và số bài báo trên các tạp chí WoS chuẩn (SCIE, SSCI), (4) Tỷ trọng chuẩn hóa dữ liệu trên số giảng viên cơ hữu (10%).

Tình hình các đại học trên thế giới

Năm 2023, đứng đầu thế giới theo ARWU vẫn là Đại học Havard. Và đại học này đã dẫn đầu thế giới trong suốt 21 năm xếp hạng của ARWU. Xếp thứ hai là Đại học Standford và tương ứng thứ 3 là Học viện Công nghệ Massachusetts.

Top các trường đại học trên thế giới năm 2023 theo ARWU (ảnh chụp màn hình)

Top các trường đại học trên thế giới năm 2023 theo ARWU (ảnh chụp màn hình)

Điều rất đáng quan tâm là Top 10 chỉ là gồm các đại học của Mỹ và Vương quốc Anh và cũng là những đại học lừng danh trên thế giới, trong đó Mỹ có 8 đại học và Anh quốc có 2 đại học.

Về số các đại học được xếp hạng trong năm nay, Trung Quốc dẫn đầu thế giới với 214 đại học, Mỹ đứng thứ hai với 187 đại học, Vương quốc Anh đứng thứ 3 với 64 đại học.

Một điểm rất thú vị là Đức và các trường đại học của Đức được biết là đã từng không mặn mà với xếp hạng đại học, nhưng lần này đứng thứ 4 thế giới với 45 đại học được xếp hạng. Điều này có thể là tín hiệu cho thấy các nước đang chạy đua rất quyết liệt cho xếp hạng đại học.

Tuy nhiên, nếu xét trong Top 100 của ARWU, thì bản đồ đại học thế giới có sự phân hóa khá rõ nét theo hướng đẳng cấp bền vững hơn.

Cụ thể, hệ thống đại học tại Mỹ vẫn có thể xem là “thống trị” thế giới với 38 đại học thuộc Top 100, trong khi đó thì Trung Quốc chỉ có 11 đại học và Vương quốc Anh có 8 đại học. Trong khi, Ý hay Hàn Quốc thì lại không có đại học nào nằm trong Top 100.

Nhưng đất nước nhỏ bé và xa xôi ở Bắc Âu như Phần Lan và Na Uy thì mỗi nước cũng có một đại học nằm trong Top 100. Điều này một lần nữa việc được xếp hạng, hoặc có thứ hạng cao, hoặc có thể bền vững ARWU thì một đại học phải có đẳng cấp thật sự.

Tình hình các đại học tại Việt Nam

Vào năm 2019, Việt Nam đã có đại học đầu tiên lọt vào Top 901-1000 của ARWU, thì đến năm 2020 cũng chính trường này đã lọt vào Top 700-800 của ARWU.

Đến năm 2021 có thêm một đại học khác của Việt Nam cũng được ARWU xếp hạng. Tuy nhiên, cho đến năm 2023 thì Việt Nam không có đại học nào được vào ARWU, và đây có thể nói là việc hết sức bình thường trong “chiến trường” xếp hạng đại học trên toàn thế giới.

Do đó, Việt Nam không có đại học nào được xếp hạng bởi bởi ARWU trong năm 2023. Hy vọng trong những năm tới sẽ có các đại học Việt Nam lại được ARWU xếp hạng.

Như đã nói ở trên, ARWU là một bảng xếp hạng đại học lâu đời, rất khó trên toàn thế giới, và cũng có thể nói là khó nhất, nên việc được vào bảng xếp hạng này là một vinh dự rất lớn cho các đại học.

Nếu nghiên cứu các tiêu chí đánh giá của ARWU một cách cẩn thận, thì có thể thấy một đại học muốn được vào bảng xếp hạng này thì cần có những đột phá rất cụ thể về học thuật theo chuẩn mực cao của thế giới.

Nhưng để có thể trụ bền vững, hoặc tăng hạng trong AWRU, các đại học cần có sự phát triển ổn định, bền vững trên nền tảng chất lượng cao của đội ngũ giảng viên cơ hữu và của sinh viên tốt nghiệp.

Một khi có đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm các nhà khoa học có đẳng cấp cao theo các chuẩn mực hàng đầu thế giới, và cùng với cơ sở vật chất học thuật hiện đại, thì chắc chắn đại học sẽ tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có đẳng cấp cao.

Việc chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu này vào hoạt động đào tạo, để có thể tạo ra những sản phẩm người học có đẳng cấp cao, và đồng thời vào doanh nghiệp để mang lại nguồn thu lớn cho đại học, là con đường mà các đại học lớn trên thế giới đã và đang đi.

Và cũng chính những đại học như thế đã và đang được ARWU xếp hạng một cách bền vững.

Tiến sĩ Lê Văn Út (Trường Đại học Văn Lang)