Tiêu chí bảng xếp hạng VNUR dùng chưa đại diện cho chất lượng dạy học ở đại học

25/02/2023 06:48
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Phó giáo sư Lê Văn Hảo, đối với người học và phụ huynh, thông tin đơn thuần về kết quả xếp hạng trường đại học hiện chưa phải là một nhu cầu lớn.

Mới đây, một bảng xếp hạng các trường đại học trong nước “made in Vietnam” - VNUR (Vietnam’s University Rankings) chính thức được công bố. Các tiêu chí, tiêu chuẩn nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trong giới học thuật.

Chia sẻ góc nhìn cá nhân về bảng xếp hạng này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo, một chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá cao tinh thần làm việc và sản phẩm đầu tay của nhóm nghiên cứu.

Phó giáo sư Lê Văn Hảo đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, tuy nhiên, theo ông bảng xếp hạng này vẫn còn một số điểm hạn chế cần xem xét và điều chỉnh lại. Ảnh: NVCC

Phó giáo sư Lê Văn Hảo đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, tuy nhiên, theo ông bảng xếp hạng này vẫn còn một số điểm hạn chế cần xem xét và điều chỉnh lại. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Lê Văn Hảo cho biết:

“Công trình này là sản phẩm của nhóm nghiên cứu gồm những nhà giáo tâm huyết, có chuyên môn sâu thực hiện với mục đích phi lợi nhuận, do vậy đây là một sản phẩm rất đáng được ghi nhận và trân trọng”.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chia sẻ, góp ý với nhóm nghiên cứu về một số điểm còn chưa phù hợp đối với bảng xếp hạng mới này.

Theo mô tả của nhóm nghiên cứu, bảng xếp hạng hướng tới phục vụ nhóm đối tượng chính yếu là các em học sinh phổ thông và phụ huynh nhằm cung cấp những thông tin đáng tin cậy để lựa chọn trường đại học thích hợp. Phó giáo sư Hảo cho rằng, việc xây dựng một bảng xếp hạng đại học nhằm mục đích như trên là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn các bảng xếp hạng trường đại học không có đóng góp lớn đến quyết định chọn trường của nhóm đối tượng này nếu chưa cung cấp đủ các thông tin cần thiết.

“Nhiều kết quả khảo sát trên thế giới cho thấy, khi lựa chọn một trường đại học để theo học, nếu so với các bảng xếp hạng trường, người học quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố khác như: sự có mặt của ngành học yêu thích, vị trí địa lý của trường, yêu cầu về đầu vào, học phí, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, ... Do vậy, đối với người học và phụ huynh, thông tin đơn thuần về kết quả xếp hạng trường đại học hiện chưa phải là một nhu cầu lớn”, ông Hảo nói.

Để thực hiện bảng xếp hạng này, nhóm nghiên cứu đã độc lập thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin đang được công khai như đề án tuyển sinh, báo cáo ba công khai của các trường, dữ liệu quản lý của các Bộ chủ quản và cơ sở dữ liệu khoa học WoS (Web of Science).

Các thông tin mà nhóm nghiên cứu sử dụng về lý thuyết đảm bảo được tính khách quan và độc lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các thông tin này vẫn còn có sự hạn chế nhất định về tính tin cậy, đặc biệt là báo cáo ba công khai của các cơ sở giáo dục.

Theo đó, từ kinh nghiệm thực tế đi kiểm định chất lượng tại các trường đại học, Phó giáo sư Hảo cho biết tính tin cậy của các báo cáo này cũng có chừng mực. Có trường khai thông tin trung thực, tuy nhiên cũng có nhiều nơi cung cấp thông tin tại báo cáo chưa hoàn toàn chính xác với thực tiễn. Như vậy, khi dựa vào một số nguồn thông tin chưa được kiểm chứng để chấm điểm và xếp hạng thì rõ ràng kết quả sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Điều này cũng đã được một số chuyên gia chỉ ra sau khi bảng xếp hạng VNUR được công bố.

Bàn về các tiêu chuẩn, tiêu chí của bảng xếp hạng VNUR, Phó giáo sư Hảo đã chỉ ra một số điểm theo ông là cần được xem xét và điều chỉnh.

Bảng tóm tắt 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí của VNUR

Bảng tóm tắt 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí của VNUR

Cụ thể, thứ nhất, về tiêu chuẩn đầu tiên được nhóm nghiên cứu xem xét đánh giá là “Chất lượng được công nhận” - chiếm trọng số 30% trên tổng các tiêu chí, trong đó có 4/6 tiêu chí liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng. Nhóm nghiên cứu xếp kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế với tổng trọng số là 12%, trong khi kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước có tổng trọng số là 8%;

Theo Phó giáo sư Hảo, nhóm nghiên cứu đang đề cao kiểm định nước ngoài so với kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay chưa có nghiên cứu chính thức nào làm cơ sở để khẳng định rằng một trường hay chương trình được kiểm định theo nước ngoài có hiệu quả, chất lượng hơn so với kiểm định trong nước. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay nên lấy trọng số như nhau đối với hai dạng kiểm định chất lượng này.

Thứ hai, về tiêu chuẩn “Dạy học” (có trọng số 25%), nhóm nghiên cứu sử dụng hai tiêu chí: Tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên (13%) và tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (12%).

Chuyên gia kiểm định Lê Văn Hảo cho rằng, hai tiêu chí này chưa phải là những yếu tố có thể đại diện cho chất lượng dạy học ở đại học. Theo đó, không hẳn trường nào đáp ứng được hai tiêu chí này là đã dạy học tốt vì chất lượng dạy học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác như cách thức tổ chức và các phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, môi trường sư phạm, phương tiện dạy học, cơ sở vật chất thực hành – thực tập, hoạt động hỗ trợ người học, ...

Cuối cùng, theo Phó giáo sư Hảo, cách làm “xếp hạng” các cơ sở giáo dục đại học dễ gây ra vấn đề. Theo đó, việc xếp thứ hạng cao - thấp sẽ nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều bởi thứ hạng chưa phản ánh đúng chất lượng được đối sánh theo một bộ tiêu chuẩn đánh giá được lựa chọn.

Theo đó, Phó giáo sư Hảo đề xuất, thay vì xếp hạng, hoặc song song với xếp hạng thì nhóm nghiên cứu nên làm thêm định hạng (rating), chẳng hạn xếp theo số sao (star) như nhiều tổ chức xếp hạng đang làm. Điều này cũng tựa như khi một khách du lịch muốn chọn khách sạn để lưu trú, họ không quan tâm đến thứ hạng cao – thấp mà chỉ là cấp sao của khách sạn đó. Cách làm này cũng góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học để cùng nâng cao chất lượng thay vì cạnh tranh thứ hạng.

Chia sẻ thêm, Phó giáo sư Hảo cho rằng, một tổ chức xếp hạng muốn tồn tại lâu dài cần tới cả nguồn lực về tài chính lẫn con người. Theo đó, việc công khai nguồn lực hỗ trợ tài chính cho nhóm nghiên cứu (hay tổ chức xếp hạng) cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp xây dựng lòng tin từ xã hội. Bên cạnh đó, để tăng sức thuyết phục đối với xã hội, bộ tiêu chuẩn dùng để xếp hạng và cách thức thu thập thông tin cần được đánh giá bởi một hội đồng khoa học mở rộng và có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này.

Bảng xếp hạng VNUR mới công bố chỉ là sản phẩm đầu tiên của nhóm nghiên cứu, tuy nhiên, ông Hảo cũng nhấn mạnh, bản thân nhóm nghiên cứu cần sớm nhận diện các điểm hạn chế của bảng xếp hạng hiện tại để có những điều chỉnh về tiêu chí, tiêu chuẩn và cách thu thập thông tin cho phù hợp hơn. Đồng thời, có thêm những lưu ý, khuyến nghị thích hợp đối với các đối tượng quan tâm về những giá trị thông tin mà bảng xếp hạng cung cấp.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hảo lấy bằng Master về giáo dục học tại Trường Đại học Simon Fraser, Canada vào năm 1996, bằng PhD về giáo dục học tại Trường Đại học Melbourne, Úc vào năm 2001. Chuyên môn của ông bao gồm các lĩnh vực: phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đánh giá, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, và quản trị chiến lược trong giáo dục. Ông là một trong số các kiểm định viên chất lượng giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam. Hiện tại, Phó giáo sư Hảo là Trưởng Bộ phận Học thuật xuất sắc của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông.

Bắc Sơn