Việt Nam - Philippines cùng ASEAN bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông

28/09/2016 06:04
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Trong con mắt Trung Quốc và Hoa Kỳ, Philippines, thậm chí cả Việt Nam là những quân cờ mà họ rất muốn lợi dụng để chống lại đối phương.

LTS: Nhân dịp Tổng thống Cộng hòa Philippines Rodrigo Duterte thăm chính thức Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh sự kiện này, xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc.

Tổng thống Cộng hòa Philippines Rodrigo Duterte thăm chính thức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong 2 ngày 28, 29/9.

Có thể nói đây là sự kiện ngoại giao quan trọng, không chỉ góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines, mà còn có tác động tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Trong khôn khổ chuyến thăm, hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hàng hải, quốc phòng, thương mại đầu tư hai chiều, giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp, ngành nghề nông nghiệp và thủy sản...

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm nhất có lẽ là những tác động, ảnh hưởng của chuyến thăm này đến cục diện Biển Đông vốn có nhiều diễn biến phức tạp và nhận thức khác nhau sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Dư luận tò mò về "lập trường thật" của Tổng thống Duterte đối với Biển Đông, quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ

Biển Đông hậu Phán quyết Trọng tài thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế không chỉ bởi thái độ "3 không" của Trung Quốc, mà còn bởi sự xuất hiện và cách bộc lộ quan điểm của tân Tổng thống Philippines.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Philstar.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Philstar.

Công bằng mà nói, phần lớn dư luận cảm thấy bất ngờ, thậm chí có người "sốc" khi nghe những phát biểu của ông Rodrigo Duterte về quan hệ Philippines với 2 siêu cường, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Phần đông giới quan sát quốc tế, khu vực đều tỏ ra lo ngại và khó hiểu trước các đường đi nước bước của Tổng thống Philippines trong chính sách đối ngoại, nhất là vấn đề Biển Đông.

Có dư luận cho rằng thái độ của Philippin đã thay đổi từ cứng rắn chuyển sang nhẹ nhàng hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách và thái độ ứng xử của Việt Nam.

Tiến sĩ Malcolm Davis từ Viện chính sách chiến lược Australia bình luận trên báo VnExpress rằng:

Nếu ông Rodrigo Duterte muốn tăng hợp tác với Trung Quốc sau khi Phán quyết Trọng tài bác bỏ đường lưỡi bò, sẽ khiến lập trường chung của ASEAN bị suy giảm.

Ông Malcolm Davis lo ngại:

"Trung Quốc thậm chí có thể gia tăng hoạt động ở mọi nơi trên Biển Đông, đẩy lui Philippines ra xa bãi cạn Scarborough hoặc bãi Cỏ Mây hay tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)." [1]

Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Trường đại học Maine, Hoa Kỳ, nhận định: mục tiêu đầu tiên của chuyến đi Việt Nam của ông Duterte là nhằm trấn an Việt Nam. Ông nói với đài VOA tiếng Việt hôm 23/9:

"Tôi nghĩ Tổng thống Philippines đến Việt Nam là để trấn an Việt Nam và cũng để so sánh thông tin với Việt Nam.

Bởi vì gần đây, ông ấy có những tuyên bố có vẻ hơi hàm hồ rằng ông sẽ thương lượng với Trung Quốc. 

Mặc dù ông nói rõ rằng ông sẽ thương lượng với Trung Quốc về cái phán quyết của Tòa án thường trực nhưng thái độ của ông đối với Mỹ đã làm cho nhiều nước trong khu vực bất an.” [2]

Trước đó trên báo chí xuất hiện không ít những bình luận về khả năng liệu Philippines có "bỏ Mỹ theo Trung Quốc" hay không và những câu hỏi đại loại như vậy…Cá nhân tôi xin được đưa ra một vài bình luận.

Tổng thống Rodirgo Duterte đang "đi giữa hai làn đạn"? 
  
Thứ nhất, để có thể đánh giá thái độ của Philippines đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây mà dư luận cho là đang chuyển “từ cứng sang mềm”, có lẽ không nên chỉ dựa vào thái độ hay một số phát biểu của lãnh đạo Philippines.

Chúng ta cần phải nghiên cứu một cách thận trọng và toàn diện chiến lược, sách lược của họ trước những diễn biến đã và đang xẩy ra tại các khu vực nóng trên thế giới, nhất là khu cực châu Á-Thái Bình Dương.

Xuất phát từ cách nhìn nhận đó, tôi không nghĩ đã có sự thay đổi về chiến lược của Philippines đối với Trung Quốc trước những hoạt động xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong Biển Đông. 

Việt Nam - Philippines cùng ASEAN bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông ảnh 2

Trung Quốc - Philippines đàm phán song phương có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

(GDVN) - Các biện pháp "gác tranh chấp, cùng khai thác" chỉ có thể áp dụng cho "vùng chồng lấn" được tạo ra bởi các vùng biển thành lập theo UNCLOS 1982.

Hiện nay đang diễn ra những tranh chấp giữa các siêu cường tại các địa bàn chiến lược quốc tế, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông.

Trong thực tế sự cạnh tranh này đã có những tác động tiêu cực đến các quyền và lợi ích của Philippines khiến Manila có thể đã có thay đổi sách lược ứng xử với các siêu cường.

Vì vậy, có khả năng họ đang tìm cách giữ thế cân bằng trong quan hệ cả với Trung Quốc và Mỹ, với tính toán tìm cách tránh xa một cuộc đấu như dân gian Việt Nam vẫn ví von, “trâu bò đành nhau, ruồi muỗi chết”?

Nếu đúng như thế thì thực sự đó là một cách ứng xử “khôn ngoan”.

Thậm chí là một ứng xử “cứng rắn” về mặt chiến lược, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong thời buổi có sự cạnh khốc liệt giữa các “tay lái súng” quốc tế mà lợi nhuận của chúng được đánh đổi bằng máu xương của đồng loại.

Thứ 2, Cá nhân tôi có nhận định hơi khác với cách nhìn của hai học giả mà tôi vừa dẫn ở trên.

Gạt sang một bên những phát biểu đậm chất cá tính và gây tranh cãi của ông Duterte, tôi nhận thấy đây là một chính khách không phải tầm thường.

Ông là người được nhân dân Philippines tin tưởng, lựa chọn phó thác trọng trách chèo lái con thuyền quốc gia, dân tộc trong lúc Biển Đông dậy sóng.

Đối nội gặp nhiều khó khăn mà đối ngoại chẳng giúp được gì nếu tiếp tục đi giữa hai làn đạn: Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Chính phủ tiền nhiệm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong việc kiện Trung Quốc ra Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về  giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982 ở Biển Đông và đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Ông Rodrigo Duterte đã tiếp quản thành quả đó và cam kết trước sau như một sẽ bảo vệ và phát huy thành quả quan trọng này.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 27/9 được Philstar dẫn lời cho biết:

Khi sang Mỹ dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, phía Hoa Kỳ đã "chất vấn" ông rằng, liệu chính sách hiện nay của Philippines có làm xói mòn Phán quyết Trọng tài hay không?

"Và tôi đảm bảo với họ rằng, không có chuyện đó. Trên thực tế Tổng thống của chúng tôi đã nói rất rõ, nhờ Phán quyết Trọng tài, các cơ sở pháp lý cho yêu sách của chúng tôi được tăng cường hơn nữa." [3]

Hoa Kỳ lo lắng tìm cách giữ chân Philippines, Trung Quốc thì háo hức muốn tách Philippines khỏi hiệp ước đồng minh với Hoa Kỳ. Đó là một thực tế.

Đó cũng là lý do tại sao tôi cho rằng, Tổng thống Rodrigo Duterte đang phải "đi giữa hai làn đạn".

Ông không chọn theo Mỹ, ông cũng không "khuất phục, đầu hàng" Trung Quốc như nhận định của một số nhà quan sát. Ông đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc của Philippines trong vấn đề Biển Đông hậu Phán quyết Trọng tài là gì? Đó là giữ cho được hòa bình, ổn định, đừng biến mình thành con cờ của các siêu cường.

Phát biểu trong lễ nhậm chức, ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh về một chính sách đối ngoại độc lập, chứ không phải "bỏ Mỹ theo Trung Quốc" như cách suy luận của ai đó.

Cùng Việt Nam duy trì, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lựa chọn sáng suốt

Với các nước nhỏ như Philippines, Việt Nam nằm cạnh nước lớn Trung Quốc đầy tham vọng, muốn độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, chọn phe nào cũng dẫn tới kết cục bi đát.

Việt Nam - Philippines cùng ASEAN bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông ảnh 3

Lý do không ai hưởng ứng Trung Quốc "gác tranh chấp, cùng khai thác" Biển Đông

(GDVN) - Nếu các bên đồng ý dù chỉ trên nguyên tắc, là Trung Quốc đã “biến hóa” một yêu sách đơn phương vô lý, hoang tưởng, thiếu cơ sở, trở thành một yêu sách được...

Philippines là đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ, nhưng lại quá nghèo, nên thái độ và ứng xử của Mỹ cũng khác so với một đồng minh hiệp ước khác, đó là Nhật Bản.

Ông Obama cam kết rõ ràng sẽ bảo vệ Senkaku / Điếu Ngư nếu bị Trung Quốc tấn công.

Nhưng khi Trung Quốc "nẫng tay trên" bãi cạn Scarborough khỏi quyền kiểm soát của Philippines trong cuộc khủng hoảng năm 2012, Washington khoanh tay đứng nhìn.

Đã có những thông tin cho biết, Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian cho 2 bên rút tàu thuyền khỏi Scarborough để tránh mùa mưa bão.

Philippines thật thà thực hiện, còn Trung Quốc gian xảo thừa cơ chiếm luôn. Đó là một bài học cay đắng cho quan hệ đồng minh hiệp ước.

Ông Rodrigo thấm thía điều này, và ông rất có lý khi đặt câu hỏi với người Mỹ, tại sao để Trung Quốc tự tung tự tác xây dựng 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa mà Hoa Kỳ không làm gì ngăn cản.

Vì thế, việc Tổng thống Rodrigo Duterte lựa chọn đối thoại với Trung Quốc sau Phán quyết Trọng tài là một quyết định khôn khéo và có tầm.

Đàm phán gì tính sau, trước mắt hãy hạ nhiệt căng thẳng đã.

Trái với nhận định của Tiến sĩ Malcolm Davis rằng quyết định này làm "suy giảm sự thống nhất trong ASEAN" hay tăng nguy cơ Trung Quốc xây đảo ở Scarborough, cá nhân tôi cho rằng quyết định của Tổng thống Rodrigo Duteret có tác dụng kìm chân Trung Quốc.

Trong con mắt Trung Quốc và Hoa Kỳ, Philippines, thậm chí cả Việt Nam là những quân cờ mà họ rất muốn lợi dụng để chống lại đối phương.

Vì thế mọi hành vi manh động đẩy Philippines hay Việt Nam về phía đối phương đều không phải là lựa chọn của cả Washington lẫn Bắc Kinh lúc này.

Còn lập trường chung của ASEAN là bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông chứ không phải đứng về phe nào. Việc làm của Philippines lúc này đang giúp ích cho điều đó.

Đàm phán với Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc không có nghĩa là "khuất phục, đầu hàng", mà là vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trước hết phải tôn trọng nhau và ngồi xuống nói chuyện được với nhau đã.

Do đó, xung quanh chuyến thăm này cá nhân tôi có nhận định khác với Giáo sư Ngô Vĩnh Long rằng, ông Rodrigo Duterte sang thăm là để "trấn an Việt Nam". Vì chẳng có gì phải "trấn an" ở đây.

Theo tôi nghĩ người Việt Nam nên hoan nghênh cách ứng xử của Philippines, vì nó phù hợp với chủ trương đối ngoại của Việt Nam trong tình hình hiện nay:

Không liên minh quân sự, không đứng về bên này để chống lại bên kia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Lại nữa, đối thoại với Trung Quốc là lựa chọn sáng suốt thay vì đối đầu.

Bởi lẽ đối đầu với Trung Quốc sẽ đẩy cả khu vực vào một cuộc xung đột không lối thoát, không ai là kẻ thắng. Thậm chí tất cả đều thua!

Qua vụ mất quyền kiểm soát Scarborough hay làm ngơ để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa, một đồng minh của Mỹ, có thể thấy dựa vào bất kỳ nước nào đều không phải lựa chọn khôn ngoan.

Nói như vậy để thấy được tầm quan trọng của một chính sách đối ngoại độc lập mà Philippines và Việt Nam đang theo đuổi.

Cá nhân tôi không có ý phủ nhận vai trò và tác động tích cực trong sự hiện diện của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác ở Biển Đông.

Có thể thấy đây là lựa chọn chung của các nước nhỏ trong khu vực chứ không riêng Philippines hay Việt Nam.

Chính sách đối ngoại của Singapore và Lào cũng cho thấy rõ điều này, không chọn phe mà duy trì độc lập trong đối ngoại.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/tham-viet-nam-ong-duterte-muon-can-bang-quan-he-voi-trung-quoc-va-asean-3474026.html

[2]http://www.voatiengviet.com/a/thay-gi-trong-chuyen-tham-vn-sap-toi-cua-tt-duterte/3522207.html

[3]http://www.philstar.com/headlines/2016/09/27/1627929/us-concerned-over-philippines-sea-row-agenda-says-yasay

Ts Trần Công Trục