Nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá.
Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) điều hành buổi họp báo (Ảnh: Lại Cường) |
Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Hàng năm được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5.
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá.
Tại buổi họp báo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, cùng với việc tuyên truyền, Việt Nam đã ban hành khá đầy đủ hệ thống hành lang pháp lý về phòng, chống tác hại thuốc lá, trong đó có quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Bằng sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, hiện tỷ lệ nam giới hút thuốc tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45.3%.
Các tình nguyện viên tích cực tham gia hưởng ứng tuần lễ không khói thuốc (Ảnh: Lại Cường) |
Cũng tại buổi họp báo ông Kidong Park, trưởng đại diện của tổ chức WHO tại Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan ban ngành của Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống tác hại của thuốc lá.
Ông Park cho biết, với việc Việt Nam ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã giúp hoàn thiện các biện pháp pháp lý cần thiết để việc phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu quả.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng bảy triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan sử dụng thuốc lá, trong đó có khoảng 900 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Việt Nam nằm trong số 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao nhất thế giới với trung bình cứ hai nam giới trưởng thành có một người hút thuốc.
Hậu quả, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,... hiện là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã ban hành và hiệu lực từ 01/5/2013 và được sự quan tâm của quốc hội, chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá. Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá do Hội đồng quản lý liên ngành chỉ đạo thực hiện, chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế và thành viên là lãnh đạo các Bộ ngành và tổ chức chính trị xã hội.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tích cực và hiệu quả.
Ông Lương Ngọc Khuê và ông Kidong Park hưởng ứng đạp xe tuần hành tuyên truyền tuần lễ không thuốc lá. (Ảnh: LC) |
Cùng với sự nỗ lực của các Bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá nói chung và trong công tác giám sát, đánh giá hoạt động nói riêng, năm 2018, tại Hội nghị Thế giới về “Thuốc lá hay sức khoẻ” tổ chức tại Nam Phi vào tháng 3/2018, Bộ Y tế Việt Nam đã vinh dự nhận giải thưởng vì những thành tựu nổi bật trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tại Lễ trao giải, Đại sứ Toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về các bệnh không lây nhiễm, cựu Thị trưởng thành phố New York Mayor Michael R. Bloomberg đã chúc mừng Việt Nam vì những thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chính sách theo dõi, giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá.