China News ngày 22/12 đưa tin, Cơ quan tình báo quốc phòng chiến lược ở London (DSI) cho rằng, do mức độ quan ngại đối với tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông tăng lên, các nước châu Á đẩy nhanh đầu tư phát triển vũ khí trang bị, chi tiêu quốc phòng tăng trưởng đứng đầu thế giới, tập trung nhất là chi tiêu của các nước cho tàu ngầm.
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội của Hải quân Việt Nam, do Nga chế tạo |
Chuyên gia phân tích của DSI cho rằng, tổng trị giá của thị trường tàu ngầm châu Á hiện nay đã trên 7 tỷ USD, năm 2025 sẽ đạt 11 tỷ USD. Điều này có nghĩa là, châu Á sẽ vượt châu Âu trở thành thị trường tàu ngầm lớn thứ hai sau Mỹ.
Nhà phân tích Sravan Kumar Gorantala của DSI cho rằng, Australia và Hàn Quốc là các khách hàng chủ yếu của tàu ngầm, họ mua tàu ngầm chủ yếu xuất phát từ mối lo ngại đối với mối đe dọa và xung đột trên biển tiềm tàng ở Biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo Gorantala, tranh chấp Biển Đông và hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của các nước khác đã thúc đẩy nhu cầu đối với tàu ngầm của các nước và khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Việt Nam.
Trong đó, Nhật Bản đã bắt đầu bán vũ khí cho nước ngoài, bao gồm tàu ngầm AIP lớp Soryu. Thái Lan đang tìm kiếm mua 3 tàu ngầm diesel-điện. Năm 2009, Việt Nam bắt đầu mua 3 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, sau đó đã đặt mua thêm 3 chiếc nữa, tổng trị giá là 2,6 tỷ USD.
Nhưng Mỹ vẫn là thị trường tàu ngầm lớn nhất thế giới, tổng chi tiêu trong 10 năm tới của họ dự tính sẽ đạt 102 tỷ USD.
Tàu ngầm AIP Type 214 Hải quân Hàn Quốc |
Nhà phân tích quốc phòng Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales Australia cho rằng, chiến lược ứng phó với xung đột tiềm tàng của Việt Nam là “buộc kẻ thù phải thực sự rời xa bờ biển Việt Nam”, xung đột Biển Đông đã khởi động “tiến trình hiện đại hóa chưa từng có của hải, không quân Việt Nam”.
Về tàu ngầm, tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam đã trang bị tên lửa hành trình chống hạm và tấn công đối đất. Tuy nhiên giáo sư Carl Thayer cho rằng, Việt Nam sẽ không tìm đến chiến tranh thông thường hay chiến tranh cục bộ, mà là tìm kiếm xung đột ngắn có cường độ thấp hơn nhiều.
Nhưng Việt Nam cũng tìm cách có được năng lực răn đe và năng lực sát thương có hiệu quả đối với kẻ thù.
Collin Koh, đối tác nghiên cứu chung của Học viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam Singapore cho rằng, xây dựng lực lượng tàu ngầm có lợi cho “cung cấp vũ khí lấy yếu chống mạnh”, vì vậy, gần đây, các tàu ngầm đi vào hoạt động ở khu vực Đông Á có trọng tải lớn hơn trước đây, vũ khí trang bị cũng mạnh hơn.
Tàu ngầm AIP lớp Soryu của Nhật Bản |
Collin Koh còn cho rằng, trong tương lai, hải quân các nước cần khắc phục một số vấn đề nan giải, bao gồm các vấn đề tài chính, công nghệ, hậu cần và nhân lực liên quan đến tác chiến tàu ngầm. Các nước mua sắm tàu ngầm hiện nay phải nắm được kỹ thuật tác chiến dưới nước.
Sau khi khởi động mua sắm 3 tàu ngầm lớp Kilo, Việt Nam đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Ấn Độ, cung cấp huấn luyện cho 500 nhân viên tàu ngầm ở môi trường tác chiến dưới nước hiện nay.
Chuyên gia Carl Thayer cho rằng, vấn đề của Việt Nam là thiếu kinh nghiệm tác chiến và huấn luyện có hiệu quả để đối phó kẻ thù tiềm tàng hay đối tượng tác chiến.
Nhưng theo ông Thayer, Việt Nam ít nhất có thể làm được một điểm, đó là điều động tàu ngầm tiến hành diễn tập săn ngầm, từ đó học được việc tìm kiếm và định vị tàu ngầm.
Ông Carl Thayer đồng thời cho rằng, Việt Nam cần tiếp nhận các nước hữu nghị tham gia vào kế hoạch của mình, ở mức độ nào đó, đây chính là điều mà Việt Nam chưa sẵn sàng làm hiện nay.
Theo ông Thayer, chiến lược của Việt Nam là xây dựng “năng lực khiến cho nước khác phải cân nhắc kỹ càng trước khi có các hành động đe dọa”.
Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng |