Vợ nhạc sĩ Thanh Sơn: 'Trước khi mất, ông ấy kêu đau...'

05/04/2012 10:14
Lê Ngọc Dương Cầm

(GDVN) - Đêm đã khuya lắm rồi, trời Sài Gòn chớm lạnh, yên ả tiếng xe, bà vẫn ngồi đó, bên cạnh người chồng nằm bất động, tóc bạc trắng như cước….

Ánh mắt buồn rười rượi, bà Lê Thị Hương cho biết: “Tui biết ông ấy yếu, cũng suýt “đi” mấy lần rồi, nhưng không ngờ lại ra đi nhanh quá. Mới hồi trưa này, ông còn ăn một tô bún bò ngon lành, còn đòi ăn thêm mấy cái chả giò nữa nhưng tui sợ ăn dầu mỡ không tốt nên không cho. Thế mà…”.

Văng vẳng những bản nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn, xen lẫn tiếng kinh kệ siêu thoát, bà Hương nhớ lại giây phút cuối cùng được gần người chồng  đã đầu ấp tay gối với bà gần 53 năm trên cuộc đời: “Ông ấy kêu đau. Tôi và mấy đứa con gọi bác sĩ đến mà không kịp. Lúc đau quá, ông còn nói với bác sĩ: Cứu tôi bác sĩ ơi, tôi mang ơn suốt đời. Tôi đâu có ở ác mà hành hạ tôi thế này. Ông nói đến đó, rồi gồng mình mạnh lên, tay buông xuôi. Ra đi nhẹ nhàng lắm. Ông ấy sinh tuổi rồng (1940), mất cũng tuổi rồng…”.

Nhạc sĩ Thanh Sơn lúc sinh thời.
Nhạc sĩ Thanh Sơn lúc sinh thời.

Ngồi ngoài sân kể câu chuyện, thỉnh thoảng bà Hương lịch sự xin phép, bước vào trong, sửa chăn lại cho nhạc sĩ Thanh Sơn, hệt như ông đang còn sống. Trong ký ức của bà, ông là một người hiền lành, từ tốn, không rượu, thuốc lá…Ngày còn trẻ, thỉnh thoảng ông có đánh bài với bạn bè, nhưng không sa đà.

Bà quen ông từ lúc ông còn ôm mộng làm một ca sĩ nổi tiếng, vào khoảng năm 1957. Đến năm 1959 thì cưới. Ông và bà có cả thảy 7 người con, vừa trai, vừa gái, đều được nuôi lớn bằng những đồng tiền thu được từ các ca khúc của ông. Bà chỉ  biết làm công việc nội trợ, để ông ôm đàn, tìm từng ca từ, nốt nhạc, cho ra đời hàng loạt ca khúc bolero nổi tiếng: Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Ba tháng tạ từ, Nhật ký đời tôi, Thương về cố đô, Hương tóc mạ non, Hành trình trên đất phù sa…

Bà Hương nhẹ nhàng bộc bạch thêm: “Khoảng 1 năm cuối đời, ông không sáng tác nữa vì bị tai biến, liệt nửa người phải nằm một chỗ, nhưng đầu óc sáng suốt. Những ngày này, dù là một nhạc sĩ đã sáng tác ra rất nhiều bài nhạc nổi tiếng, nhưng ông lại sợ nghe nhạc, xem tivi. Mỗi lần nghe thấy tiếng nhạc là la hét, sợ hãi”.

Bà Lê Thị Hương xúc động hồi tưởng về những ngày cuối cùng của chồng, nhạc sĩ Thanh Sơn.
Bà Lê Thị Hương xúc động hồi tưởng về những ngày cuối cùng của chồng, nhạc sĩ Thanh Sơn.

Theo lời bà Hương, khi biết mình sắp mất, ông có dặn lại là không nên làm đám tang cho ông rườm rà, đừng kèn trống ồn ào làm gì, ảnh hưởng bà con lối xóm. Ý nguyện của ông là hoả táng xác, mang tro cốt đi bỏ ngoài sông lớn, nhưng bị anh Lê Duy Lâm, người con trai thứ 5 của ông phản ứng: “Ba là người của công chúng, phải xây mộ để anh em, bạn bè, người yêu nhạc của ba đến thăm viếng nữa. Chưa nói đến việc con cháu có chỗ đến ngày thanh minh, quây quần bên mộ ba, làm tăng thêm tình gia đình. Chứ  thiêu xác ba, mang tro ra sông thả, có khó gì…”. Ông ngậm ngùi làm thinh. Vùng vằng mãi, ông mới chịu cho con trai lên Bình Dương tìm mua đất, chuẩn bị phần mộ cho mình.

Bà Hương rất tự hào về tính phóng khoáng, hiền lành của chồng. Bà nói, ông dễ tính lắm! Nhạc của ông, ca sĩ nào hát, có nhớ đến thì gửi chút đỉnh tiền tác quyền, còn không nhớ, ông cũng chẳng đi đòi. Tụi ca sĩ trẻ mới vào nghề, đến xin bài, ông thấy nghèo quá, cho luôn, không lấy tiền bạc gì.

Từ trái qua: Bà Thu Ba (Em nhạc sĩ Hàn Chậu), bà Lê Thị Hương (vợ nhạc sĩ Thanh Sơn), anh Lê Duy Lâm (con trai thứ 5 nhạc sĩ Thanh Sơn) và đạo diễn Thành Công.
Từ trái qua: Bà Thu Ba (Em nhạc sĩ Hàn Chậu), bà Lê Thị Hương (vợ nhạc sĩ Thanh Sơn), anh Lê Duy Lâm (con trai thứ 5 nhạc sĩ Thanh Sơn) và đạo diễn Thành Công.

Rồi bà móm mén, tiếp câu chuyện: “Những ngày cuối cùng, ông thích yên tĩnh. Tôi nhớ lần thằng Nhật Cường (diễn viên hài Nhật Cường -PV) vào thăm, hỏi thăm nhiều quá, ông bực mình, đuổi nó về. Thằng này biết tính ông nên cười hà hà rồi về, không hờn giận gì hết. Lần Đàm Vĩnh Hưng đến thăm, ông nhắc hoài, khen thằng này sống tình nghĩa…”.

Ít ai biết rằng ngoài vai trò “nâng khăn, sửa túi” cho nhạc sĩ Thanh Sơn, bà Lê Thị Hương còn là người chị thứ 2 tần tảo của nhạc sĩ Hàn Châu, người viết hàng loạt các ca khúc nổi tiếng: Cây cầu dừa, Mực tím mồng tơi, Những đóm mắt hoả châu….

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, người Sóc Trăng. Ông sinh vào ngày 1/5/1940 (Canh Thìn), từ trần vào lúc 14 giờ 30, ngày 4/4, hưởng thọ 73 tuổi. Những tác phẩm nổi tiếng của ông: Nỗi buồn hoa phượng, Ba tháng tạ từ, hình bóng quê nhà, Lưu bút ngày xanh, Nhật ký đời tôi…có ca từ, giai điệu mộc mạc, chân chất, dễ hát nên được phổ biến rộng rãi trong công chúng. Nhưng ca khúc của ông đã được nhiều ca sĩ, thuộc nhiều thế hệ hát: Giao Linh, Thanh Tuyền, Chế Linh, Sơn Tuyền, Trường Vũ, Phi Nhung, Cẩm Ly, Mai Thiên Vân…
Lê Ngọc Dương Cầm