Vụ "canh gà Thọ Xương": Ai đúng? Ai sai?

16/10/2012 07:10
Độc giả: Minh Ngọc
(GDVN) - Tại sao phụ huynh ấy lại không nghĩ đến góc độ nhân sinh là: “Thầy già, con hát trẻ”, một người dù chuyên môn có giỏi đến đâu thì kinh nghiệm non cũng vẫn có thể vấp ngã. Đây có thể là lỗi của bất cứ ai chứ không gì cô giáo Hà Thủy. Và cách làm này liệu phụ huynh có để lại một nỗi sợ hãi cho chính con mình không?
LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được ý kiến của độc giả Minh Ngọc liên quan đến bài văn coi “canh gà Thọ Xương” là món ăn của người Hà Nội đã làm xôn xao dư luận thời gian qua. Chúng tôi đăng lại ý kiến này để gửi đến quý độc giả cả nước cùng chia sẻ.

Câu chuyện "món canh gà Thọ Xương" tưởng như là một sơ suất rất nhỏ trong bài giảng văn đã trở thành một làn sóng dư luận mạnh mẽ. Điều này đã dấy lên những khiếm khuyết về nền giáo dục nước nhà dù trước đó Nhà nước đã kêu gọi “cải cách giáo dục toàn diện”. Cho đến thời điểm hiện tại, sự việc này vẫn chưa ngã ngũ, liệu trong vấn đề này ai là người sai, ai là người đúng?
Câu chuyện bắt đầu bằng sự phản ứng từ phía một phụ huynh có con học lớp 7A10 THCS Lômônôxôp (Hà Nội) cho biết: Khi đi học về, con kể những câu ca dao được cô dạy trên lớp và đòi bố mẹ đưa đi ăn món "canh gà Thọ Xương". Anh hoảng hốt hỏi "ai nói với con có món này?", thì được trả lời là "cô giáo dạy Văn".

Bài văn "canh gà Thọ Xương" gây "sốt" cộng đồng mạng mấy ngày vừa qua.
Bài văn "canh gà Thọ Xương" gây "sốt" cộng đồng mạng mấy ngày vừa qua.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Để khẳng định lời mình nói là đúng, cậu bé đem cho bố xem vở tập làm văn có bài cảm nhận về 4 câu ca dao "Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ". Kiểm tra vở của con, anh sốc nặng khi thấy bài viết chữ nguệch ngoạc, sai cả chính tả lẫn nội dung nhưng vẫn được cô cho 8 điểm.

Sau phút sửng sốt, anh gặng hỏi con và cháu vẫn trả lời "cô dạy thế". Cháu nói "nhiều bạn lớp con làm thế, chẳng lẽ chúng con nghĩ sai giống nhau?". Để kiểm tra thông tin, anh gọi điện cho một số bạn học của con gái, hỏi về bài kiểm tra. Một nam sinh kể: "Con được cô dạy như thế. Con viết nguyên vào bài và về nhà bị bố mắng". Trong tất cả ý kiến mà phụ huynh kể lại đều nói rằng học sinh nói rằng: “Cô dạy con như thế”. Tức là, trong  trường hợp này, dưới con mắt của phụ huynh, cô giáo Hà Thủy đã sai nghiêm trọng về nghiệp vụ sư phạm cũng như kiến thức. Không giữ được bình tĩnh, phụ huynh đã liên hệ với Ban giám hiệu nhà trường, công khai trên báo chí.
Như cô giáo Hà Thủy đã thanh minh, câu ca dao trên đã bị học sinh hiểu sai từ canh giờ sang... canh gà, cô đã giảng lại và yêu cầu học sinh tự sửa vào vở. Điểm 8 cô giáo chấm là chấm cho cả 8 câu trong đề cương chứ không phải chỉ trong câu ca dao này. Tôi cho rằng, cô Hà Thủy đã nói đúng, vì đây là trường hợp rất dễ xảy ra trong sư phạm, học sinh thì hiếu động, nghe vậy rồi bỏ đấy, chỉ có điều cô giáo còn trẻ đã không ngờ mức độ sự việc lại nghiêm trọng như vậy. Hà Thủy là Thạc sĩ hướng đến phương pháp giảng dạy Ngữ văn theo cách dạy mới: Lấy học trò làm trung tâm, học sinh tích cực - chủ động, nhà trường thân thiện... mà sơ ý quên rằng, vẫn phải cầm tay chỉ việc. Một lỗi sơ suất về nghiệp vụ sư phạm như vậy là chuyện không có gì to tát. Thế mà phụ huynh sau khi liên hệ với nhà trường, không dừng lại ở việc giải quyết nội bộ mà còn nâng sự việc lên ngoài mức kiểm soát. Sau khi bài văn của một học sinh có món ăn đặc biệt "canh gà Thọ Xương" đăng báo, trên Facebook xuất hiện một hội có tên "Tìm lại công bằng cho cô Hà Thuỷ và danh dự của trường Lômônôxốp". Trên cộng đồng mạng này, cô giáo Thủy nhận được rất nhiều chia sẻ, động viên, thấu hiểu của học trò. Nếu một giáo viên thiếu kiến thức căn bản trầm trọng không thể giành được sự tôn trọng, yêu thương, ủng hộ từ phía học sinh như vậy. Hãy xem học sinh lập để bảo vệ cô giáo. Hãy đọc những kỷ niệm của các em về cô giáo. Học sinh bây giờ không phải là con rối để giật dây. Học sinh bây giờ rất thông minh. Học sinh hiểu rằng ai yêu thương thực sự các em. 

Gần đây, trên trang Facebook “Tìm lại công bằng cho cô Hà Thủy và danh dự cho trường Lômônôxốp”, các admin của Hội đã đăng tải một bức ảnh chụp trang vở viết bài văn phân tích về “Canh gà Thọ Xương” của chính bạn học sinh lớp 7A10. Nét chữ của học sinh, nét gạch chân những từ sai chính tả của cô giáo Thủy hoàn toàn giống như trong bức ảnh đã được đăng tải trên trang báo mạng. Điều đáng nói ở đây là riêng cụm từ: “Hà Nội còn đặc sắc với những món ăn nổi tiếng như canh gà Thọ Xương” lại có nét gạch chân bằng bút đỏ và có nhận xét bên cạnh là “Sai”. Một số người thì cho rằng học sinh bênh cô giáo nên đã thêm vào, còn các em học sinh thì "cãi" lại là: Bức ảnh mà trang báo đầu tiên đưa lên vụ việc này đã thiếu trung thực, vì đã xóa mất lời phê bên cạnh của cô đi.

Ai đúng? Ai sai? điều này chưa ngã ngũ. Chỉ chắc chắn rằng, sự việc này đã làm quá nhiều người bị tổn thương.

Dư luận cũng như học sinh càng ngày càng đứng về phía cô giáo Thủy và đáng tiếc cho một sự việc nhỏ đã bị xé ra to. Phải chăng căn nguyên của sự việc này là do phụ huynh đã quá vội vàng, đã quá nóng nảy khi đem chuyện ném về phía dư luận? Nếu chỉ nghe lời con trẻ nói thì không đủ lý do để phụ huynh có thể buộc tội cô Thủy như vậy. Thêm nữa, liệu phụ huynh kia khi khơi ra được chuyện này có thực sự hiểu vấn đề hay không? Và làm như thế thì được những gì? Hành động đó có thể sẽ giết chết tâm huyết của một giáo viên trẻ. Tại sao phụ huynh ấy lại không nghĩ đến góc độ nhân sinh là: “Thầy già, con hát trẻ”, một người dù chuyên môn có giỏi đến đâu thì kinh nghiệm non cũng vẫn có thể vấp ngã. Đây có thể là lỗi của bất cứ ai chứ không gì cô giáo Hà Thủy. Và cách làm này liệu phụ huynh có để lại một nỗi sợ hãi cho chính con mình không?

Trong khi bây giờ nhiều bạn bè của em đang bênh vực cô, cô giáo đã viết đơn nghỉ việc và nhập viện thì liệu các em có mặc cảm chính mình là người gây nên chuyện. Vừa thương cô, vừa xấu hổ với bạn bè, và có thể phải chịu những lời trách móc liệu các em có còn hồn nhiên được nữa hay không? Trường hợp bạo lực học đường cũng có thể xảy ra. Thêm nữa, các em còn nhỏ nhưng phải chịu sức ép từ dư luận, bị cuốn theo sự việc, gây đến việc ảnh hưởng tâm lý, học tập.

Còn biết bao cô giáo trẻ như cô giáo Thủy, yêu và tâm huyết với nghề. Nhưng có ai chắc chắn rằng, trong đời giáo viên mình chưa bao giờ sai sót? Khi chịu sức ép quá lớn, nỗi lo sợ "tai nạn nghề nghiệp" thì liệu họ có còn muốn thử nghiệm những phương pháp học tập mới mẻ nữa hay không? Hay quanh đi quẩn lại là: Cô đọc trò chép, chép văn mẫu điểm cao hơn tư duy sáng tạo.

Liệu tất cả những cái mất này có phải là cái giá quá đắt hay không?

Độc giả: Minh Ngọc