Những ngày gần đây, hàng loạt các tờ báo trong nước và quốc tế đã đưa tin về cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương đã chuyển thành bạo động. Theo thống kê sơ bộ từ công an Tỉnh Bình Dương đã có hơn 400 người đập phá, cướp tài sản bị bắt. Các cơ quan chức năng cho biết sẽ xử lý nghiêm những người này.
Khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm một cách ngang ngược, đã là người Việt Nam thì không ai không cảm thấy bức xúc, phẫn nộ. Dù không ai bảo ai, người dân ta ai cũng thấy cần phải thể hiện thái độ phản đối hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng hành động phản đối của những người dân như thế nào và những biện pháp đấu tranh của nhà nước ra sao? Hơn lúc nào hết cần phải tỉnh táo và sáng suốt!
Chúng ta đấu tranh là để bảo vệ chủ quyền - tức là bảo vệ quyền lợi của đất nước, chứ không phải quá khích, manh động để làm hại đến quyền lợi của đất nước và của chính bản thân mình.
Chúng ta đấu tranh bằng sự chính nghĩa chứ không đấu tranh bằng sự phi nghĩa.
Tất cả các hành động bạo động, phá hoại nhà xưởng, gây hấn với nhà đầu tư nước ngoài đều là vi phạm pháp luật, phải bị trừng trị thích đáng.
Công bố từ các cơ quan hữu quan, các vụ tuần hành biến tướng đều bắt nguồn từ bàn tay can thiệp của kẻ xấu, có cả âm mưu xúi giục, kích động người lao động.
Chính nghĩa thuộc về Việt Nam!
Giàn khoan 981 được Trung Quốc đưa đến tọa độ 15°29′58″B 111°12′1″Đ, cách đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Hoàng Sa) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía Nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông.
Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương đưa giàn khoan 981 vào và hạ đặt tại vị trí nói trên, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
|
Vị trí giàn khoan 981. |
Vụ việc xâm phạm trắng trợn và ngang ngược của chính quyền Trung Quốc đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ chưa từng thấy của chính phủ và người dân Việt Nam.
Dư luận quốc tế cũng lên tiếng phản ứng và bày tỏ quan ngại trước hành động khiêu khích này của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, ngoài việc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), hành động đơn phương của Trung Quốc là trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) mà Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thông qua năm 2002.
Phiên bản tiếng Anh của tờ báo Asahi Shimbun - một trong những tờ báo lớn nhất Nhật Bản - trong một bài xã luận đăng ngày 9 tháng 5, kêu gọi phía Trung Quốc phải "lập tức chấm dứt" hoạt động khai thác dầu mỏ trên biển Đông, và cho rằng hành động của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được". Tờ báo đồng ý với quan điểm của Việt Nam rằng địa điểm khai thác hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho rằng Trung Quốc không có quyền đơn phương khai thác trong khu vực tranh chấp.
Tờ The New York Times - một trong những tờ báo lớn nhất Hoa Kỳ - trong một bài xã luận bày tỏ quan điểm chính thức của tờ báo nhan đề "Trouble in the South China Sea" đăng ngày 9/5, đã ủng hộ quan điểm của Việt Nam, cho rằng luận điệu của Trung Quốc không thuyết phục và kêu gọi Việt Nam và các nước láng giềng có sự phản ứng thống nhất đối với "hành động gây hấn" của Trung Quốc.
Các chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Singapore đồng loạt bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Kiên quyết đấu tranh nhưng phải tỉnh táo, sáng suốt
Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng của Việt Nam là Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã kiên cường đấu tranh, phản đối hành động đơn phương sai trái của Trung Quốc nhưng vẫn tĩnh táo “không khiêu khích và mắc bẫy khiêu khích”.
Quan điểm của ta là vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn cố gắng giữ môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước. Vì vậy, các lực lương của ta đã kiềm chế tối đa trong xử lý trên thực địa.
Cần nhớ lại vụ bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã “dụ” Philippines đưa tàu chiến của hải quân ra đối đầu với các tàu hải giám của Trung Quốc. Chỉ chờ có vậy, Trung Quốc lu loa lên nào là Philippines “khiêu khích”, nào là “nước bé ức hiếp nước lớn”… rồi lấy cớ đó làm tới. Thế là Philippines mắc bẫy Trung Quốc. Mặc dù nói là tàu chiến hải quân chứ vũ khí thì chẳng đáng gì, đến nỗi một quả tên lửa đối hạm hạng xoàng cũng không có.
Đối với Việt Nam thì vị trí của giàn khoan 981 hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng tên lửa bờ hùng hậu của ta. Những cái đầu nóng ở Bắc Kinh chớ ngạo mạn, liều lĩnh!
|
Biểu tình phản đối Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: New York Times) |
Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền giải pháp quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng. Chúng ta cần đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao và mặt trận pháp lý. Và việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là phương án đấu tranh bằng biện pháp hòa bình cần được tính tới.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công An, nói rằng: Việt Nam có điểm mạnh hơn Trung Quốc là về pháp lý và đạo lý.
Ông nói: “Quan điểm cá nhân tôi thì không có chuyện gì phải lo sợ hết. Trung Quốc mạnh thật nhưng họ có rất nhiều chỗ yếu. Cái yếu nhất của họ là không có pháp lý, không có đạo lý, bị cả thế giới cô lập. Nếu như 8 tỉ người trên hành tinh này cùng một tiếng nói thì họ sống với ai?”
Vâng. Chúng ta tin chính nghĩa nhất định thắng./.
Trần Nghĩa Sơn