Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: "Con tức tưởi rời phòng thi Violympic, Vioedu, phụ huynh hỏi chỉ nhận sự im lặng", nhiều độc giả đã liên lạc về Tòa soạn băn khoăn xung quanh việc tổ chức các sân chơi, cuộc thi trên mạng do các công ty triển khai trong trường học.
Tại sao Vụ Giáo dục Trung học lại có đại diện Ban tổ chức sân chơi của công ty tư nhân?
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tổ chức sân chơi Violympic gần đây nhất là trong năm học 2022-2023. Vào thời điểm tháng 11/2022, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT (Tập đoàn FPT) Nguyễn Văn Khoa có ký công số 350/CV-FPT về việc tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh phổ thông gửi Các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo nội dung công văn: "Thực hiện Công văn số 5943/BGDĐT - GDTrH ngày 10 tháng 11 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức sân chơi Violympic, Công ty Cổ phần FPT kính gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo "Thể lệ sân chơi Violympic dành cho học sinh phổ thông" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua để triển khai thực hiện từ năm học 2022-2023.
Công ty Cổ phần FPT kính đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp triển khai thực hiện từ năm học 2022-2023".
Công văn số 350/ CV-FPT của Công ty Cổ phần FPT được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi chuyển đến các trường. |
Đáng nói, tại công văn này, nêu: "Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc vui lòng liên hệ với đại diện Ban tổ chức" và một trong 2 đại diện Ban tổ chức được nêu trong công văn này có ông Phạm Đức Tài - Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) với địa chỉ mail cơ quan công tác. Ông Tài được ghi chú trong công văn là trả lời thắc mắc về "chủ trương, định hướng".
Nội dung của Công văn 350/ CV-FPT của Công ty Cổ phần FPT về việc tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh phổ thông đặt ra nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Những ồn ào xung quanh các cuộc thi trên mạng không phải bây giờ mới được nhắc đến. Trước đó, năm 2017 báo chí đăng tải nhiều bài viết nêu các vấn đề từ các cuộc thi trên mạng, thời điểm - tháng 8/2017, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không tham gia vào việc tổ chức các cuộc thi trên mạng.
Từ năm học 2017 - 2018, Bộ quyết định tạm dừng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng.
Theo ông Thành, qua tổ chức rà soát trên quy mô cả nước, số lượng các cuộc thi dành cho học sinh hiện còn nhiều và chồng chéo.
Cũng theo giải thích của Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành trên báo chí thời điểm đó, cuộc thi trên mạng dành cho học sinh được tổ chức thời gian qua có tính chất tự nguyện, ngoài giờ học để vận dụng, mở rộng kiến thức; không nên hiểu các cuộc thi dành cho học sinh được tổ chức trong thời gian qua là được đưa vào trường phổ thông.
Do đó, trong năm học 2017-2018, Bộ sẽ tạm dừng tổ chức các cuộc thi giải Toán, Tiếng Anh qua mạng để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng [1].
Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành giải thích như thế nào về vai trò của vụ này trong sân chơi Violympic mà Công văn số 350/ CV-FPT của Công ty Cổ phần FPT gửi các sở giáo dục và đào tạo, đã nêu?
Vụ Giáo dục trung học có để cho Công ty Cổ phần FPT “mượn danh” Bộ chỉ đạo các sở triển khai sân chơi Violympic?
Sở dĩ phải đặt câu hỏi này là vì, Công văn số 350/CV-FPT gửi các sở giáo dục và đào tạo, viết:
“Công ty Cổ phần FPT kính gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo "Thể lệ sân chơi Violympic dành cho học sinh phổ thông" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua để triển khai thực hiện từ năm học 2022-2023.”
Nếu khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học năm 2017 rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không tham gia vào việc tổ chức các cuộc thi trên mạng; không nên hiểu các cuộc thi dành cho học sinh được tổ chức trong thời gian qua là được đưa vào trường phổ thông, thì Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành giải thích như thế nào về việc “Thể lệ sân chơi Violympic dành cho học sinh phổ thông” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua “để triển khai thực hiện từ năm học 2022-2023 được nêu trong Công văn số 350 được Công ty Cổ phần FPT gửi các sở giáo dục và Đào tạo?
Nếu thông tin “Thể lệ sân chơi Violympic dành cho học sinh phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua” là đúng, vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo “thông qua” thể lệ sân chơi này dựa trên cơ sở pháp lý nào, được thực hiện theo quy trình thủ tục hành chính ban hành theo quyết định nào?
Vậy ngoài Công ty Cổ phần FPT, các doanh nghiệp tư nhân khác muốn tổ chức các “sân chơi” tương tự trong các trường học, cũng muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo “thông qua thể lệ cuộc chơi” để họ có thể gửi các sở giáo dục và đào tạo “triển khai thực hiện”, thì làm như thế nào?
Sân chơi Violympic bắt đầu từ năm 2008 do Tập đoàn FPT tổ chức. Theo thông tin đăng tải trên báo chí, vòng chung kết quốc gia Violympic 2022-2023 thu hút hơn 100.000 thí sinh cả nước tham gia, cao gấp 6 lần so với thời điểm dịch bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên trong 16 năm tổ chức, vòng chung kết quốc gia của sân chơi ghi nhận số học sinh tham gia cao kỷ lục. Với khối lượng thí sinh đông đến từ gần 700 hội đồng thi khắp cả nước, năm nay vòng chung kết tổ chức trong hai ngày. Trung bình mỗi năm sẽ có 4 - 6 triệu học sinh tham gia sân chơi [2]. Với thống kê này, thì trong 16 năm qua, số lượng học sinh cả nước tham gia sân chơi này lên tới hàng chục triệu học sinh.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/chinh-thuc-dung-cac-cuoc-thi-giai-toan-tieng-anh-qua-mang-post179098.gd