Vụ nam sinh ở Bình Định bị đánh: Giám đốc Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo khẩn

21/12/2023 14:51
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 21/12, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định ban hành văn bản chỉ đạo các trường, đơn vị ở địa phương tăng cường phòng chống bạo lực với học sinh.

Liên quan đến vụ nam sinh lớp 10 trường THPT số 3 An Nhơn bị đánh lệch sống mũi, chiều 21/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định cho biết, đơn vị đã ban hành văn bản tăng cường công tác phòng ngừa tình trạng bạo lực liên quan đến học sinh.

Cụ thể, nội dung văn bản nêu, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chỉ đạo công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, học viên để hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và học sinh gắn với việc củng cố nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường;

Bên cạnh đó là xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực liên quan đến học sinh.

Hình ảnh nam sinh N.T.T. (học sinh lớp 10 A4, trường Trung học phổ thông số 3 An Nhơn) bị thương tích nặng sau khi bị nhóm bạn lớp 10A5 hành hung. (Ảnh người trong gia đình chia sẻ trên mạng xã hội)

Hình ảnh nam sinh N.T.T. (học sinh lớp 10 A4, trường Trung học phổ thông số 3 An Nhơn) bị thương tích nặng sau khi bị nhóm bạn lớp 10A5 hành hung. (Ảnh người trong gia đình chia sẻ trên mạng xã hội)

Mới đây, ngày 20/12/2023, nhóm học sinh thuộc trường Trung học phổ thông số 3 An Nhơn gây gổ đánh nhau, nhiều học sinh chia sẻ thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm tổn thương uy tín của ngành.

"Theo đề nghị của Trường Trung học phổ thông số 3 An Nhơn, Công an thị xã An Nhơn điều tra, xử lý vụ việc này. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ học sinh mà nhà trường, phụ huynh chưa sâu sát nắm bắt và giải quyết kịp thời", lãnh đạo Sở thông tin.

Tăng cường nắm bắt, theo dõi mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ học sinh

Qua vụ việc xảy ra tại trường Trung học phổ thông số 3 An Nhơn, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nội dung chỉ đạo.

Cụ thể, khẩn trương rà soát lại việc thực hiện các văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa bạo lực học đường; trong đó có Quy chế phối hợp số 679/QC-CAT SGDĐT ngày 11/4/2017 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an tỉnh Bình Định về bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục;

Các văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo như Công văn số 2376/SGDĐT-GDTrH ngày 27/12/2018 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường; Công văn số 894/SGDĐT-TTr ngày 08/05/2019 về việc thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường; Công văn số 1612/SGDĐT-GDTrH ngày 20/8/2019 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 588/KH-BGDĐT ngày 10/7/2019 của Bộ GDĐT về phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; Công văn số 2530/SGDĐT-VP ngày 26/10/2022 về việc tăng cường công tác phòng ngừa tình trạng bạo lực liên quan đến học sinh; Công văn số 759/SGDĐT-GDTrH ngày 05/04/2023 về tăng cường bảo đảm an toàn trường học.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống ma túy; phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục; xây dựng ý thức “thượng tôn pháp luật” nhằm ngăn ngừa vi phạm pháp luật.

"Tăng cường nắm bắt, theo dõi các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ học sinh, học viên để giải quyết kịp thời; không để mâu thuẫn kéo dài, chậm giải quyết, dẫn đến tình trạng học sinh, học viên tự giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định Đào Đức Tuấn chỉ đạo.

Trong nội dung văn bản, lãnh đạo Sở nêu, căn cứ tình hình cụ thể của nhà trường, địa phương, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục có giải pháp cụ thể để tăng cường công tác phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, phụ huynh trong giáo dục học sinh, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn - Hội - Đội, tổ tư vấn trong nhà trường, nêu cao trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên theo dõi, nắm bắt và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn (nếu có) phát sinh trong nội bộ học sinh, học viên.

Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, học viên; tăng cường kỹ năng thực hành; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức giáo dục kỹ năng sống quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với tổ chức Đoàn - Hội - Đội rà soát, quản lý chặt chẽ về nội dung, hình thức các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi (trên môi trường mạng hoặc tương tác trực tiếp) có nội dung, hình thức bạo lực, phản cảm, không phù hợp với văn hóa dân tộc, chuẩn mực đạo đức xã hội.

"Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiểm tra công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục để tiếp tục xây dựng, bổ sung các giải pháp ngăn ngừa bạo lực học đường", lãnh đạo Sở nêu trong văn bản.

Mạnh Đoàn