Vụ xe biển xanh quan chức hú còi đón người thân và tôn chỉ mục đích của báo chí

21/02/2024 06:39
Thành An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Vừa qua, việc phóng viên một tạp chí bị Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 4 triệu đồng do hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích đã gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, theo tuoitre.vn, ông V.Đ.T. (phóng viên Tạp chí Công nghiệp môi trường) cho biết: “Quá trình tìm hiểu, tôi được biết chiếc xe biển xanh trên là của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh nên có liên hệ với bà Nguyễn Thị Lệ Hà - Chủ tịch Hội - để xác minh thông tin. Qua trao đổi điện thoại, bà Hà xác nhận có sự việc dùng xe biển xanh đi đón người thân ở sân bay Vinh và hẹn tôi tới cơ quan nói chuyện cụ thể”.

Tuy nhiên, sau khi tới Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, do bà Hà cáo bận đi họp nên không làm việc trực tiếp được. Khi ông T. chuẩn bị rời trụ sở thì lực lượng chức năng Hà Tĩnh mời làm việc, lập biên bản xử phạt 4 triệu đồng. [1]

Diễn biến vụ việc mới nhất, theo vietnamnet.vn, ngày 19/2, thông tin từ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, bà Nguyễn Thị Lệ Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh bị kiểm điểm vì đi xe biển xanh của cơ quan bật đèn ưu tiên, bấm còi hơi khi đón con gái tại sân bay Vinh. [2]

Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu đây có phải tình trạng “Đấu tranh thì tránh đâu?”, và vì sao bà Hà hẹn phóng viên tới cơ quan “nói chuyện cụ thể” mà cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh lại biết nhanh thế và có mặt ở đó? Các quy định giao thẩm quyền xử phạt báo chí cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có phù hợp khi báo chí tìm hiểu, đưa tin về tiêu cực, vi phạm của cán bộ, quan chức ở chính địa phương?

Bx.jpg
Chiếc xe biển xanh thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh dừng trước sảnh sân bay Vinh (Nghệ An). Ảnh: nld.com.vn.

Vì sao phóng viên tìm hiểu xe biển xanh lắp còi ưu tiên đón người thân ở sân bay bị xử phạt?

Vấn đề đầu tiên gây nhiều băn khoăn xung quanh vụ việc trên là khi nhận điện thoại của phóng viên trên, bà Hà có đặt ra yêu cầu với phóng viên về tôn chỉ mục đích không? Như lời phóng viên chia sẻ trên báo chí, sau khi tới Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, do bà Hà cáo bận đi họp nên không làm việc trực tiếp được. Sau đó, ông T. chuẩn bị rời trụ sở thì lực lượng chức năng Hà Tĩnh mời làm việc, lập biên bản xử phạt 4 triệu đồng [1]. Nếu đúng như lời phóng viên nói, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi về sự bất nhất của bà Hà!

Ở chiều ngược lại, với phóng viên, bà Hà là đối tượng xác minh liên quan đến tiêu cực. Như phóng viên này có nói trên báo chí là liên lạc qua điện thoại “bà Hà xác nhận có sự việc dùng xe biển xanh đi đón người thân ở sân bay Vinh” [1] lẽ ra, lúc này phóng viên cần làm việc với cấp trên của bà Hà thay vì đến “nói chuyện” với đối tượng bị phản ánh. Điều này khiến phóng viên ít nhiều đặt mình vào tình thế “sơ hở” khi xác minh thông tin tiêu cực.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội bày tỏ: “Theo tôi, bất kỳ ai khi sử dụng tài sản công vào mục đích cá nhân là sai, nhất là một cán bộ, đảng viên thì càng phải nêu cao sự gương mẫu. Hành vi này vừa vi phạm Luật Cán bộ, công chức, vừa vi phạm 19 điều đảng viên không được làm theo Quy định 37-QĐ/TW”.

“Trong Luật Báo chí đã quy định nhà báo có quyền phản ánh một cách trung thực, khách quan những hoạt động mà nhận thấy đó là hành vi vi phạm pháp luật, trái với quy định của Nhà nước. Khi nào phản ánh không đúng, lúc ấy mới phê bình nhà báo và cơ quan báo chí” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

gdvn-le-nhu-tien-6642-3166.jpg
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Trao đổi trên góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cũng đã có những phân tích cụ thể liên quan đến vụ việc trên.

Cụ thể, vị luật sư chỉ ra: “Đầu tiên, việc một người dùng xe công cho việc riêng thì đó có thể là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền lực sử dụng tài sản công trái mục đích. Hành vi này không chỉ gây tổn hại cho tài sản công mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân vào cán bộ.

Hơn nữa, việc bật đèn và còi xe còn gây ra tiếng ồn, làm phiền người dân sống quanh đó. Những điều này ảnh hưởng ra sao đến uy tín của bà Hà thì vừa qua chúng ta đã thấy.

Thứ hai, bàn về việc thu thập thông tin trước những vấn đề vi phạm, tiêu cực. Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích người dân lên tiếng, cung cấp những thông tin, tài liệu chứng cứ thu thập để đấu tranh chống tiêu cực.

Vấn đề này được luật hoá trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau chẳng hạn như:

Trong Hiến pháp, quy định mỗi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin.

Điều này lại càng được khắc hoạ rõ nét hơn trong Luật Báo chí năm 2016 tại Chương II Luật Báo chí năm 2016 sửa đổi bổ sung năm 2018 (Luật Báo chí).

Thứ ba, thế nào là báo chí, tạp chí? Báo chí trước tiên là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. (Khoản 1 Điều 3)

Trong đó, báo in bao gồm cả tạp chí in và báo điện tử thì bao gồm cả tạp chí điện tử (Khoản 3, Khoản 6 Điều 3 Luật Báo chí). Vậy, có thể hiểu đơn giản rằng tạp chí có hai loại và tạp chí in và tạp chí điện tử được gọi chung là tạp chí và là một trong những sản phẩm của báo chí.

Do đó, việc cá nhân nhà báo, phóng viên làm việc ở đơn vị nào dù là cơ quan báo hay tạp chí đi chăng nữa thì vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí được phép thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình miễn trong khuôn khổ pháp luật.

Thứ tư, bàn về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân thì nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. (Điều 13 Luật Báo chí).

Thứ năm, bàn về tính xác thực, vai trò của phóng viên, nhà báo khi đưa tin. Ở Luật Báo chí đã quy định rõ những thông tin được đăng tải cần chính xác, đúng sự thật, đảm bảo tính công khai, minh bạch (Khoản 20 Điều 3, Khoản 8 Điều 9). Từ đó, có thể thấy được rằng, điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền tự do báo chí là thông tin đăng tải phải chính xác, trung thực.

Để đảm bảo điều này, nhà báo, phóng viên có quyền và trách nhiệm xác minh, thu thập thông tin, phản ánh những vấn đề tiêu cực trong xã hội là cần thiết. Và đây có thể được xem là một trong những nhiệm vụ của báo chí theo Luật Báo chí năm 2016”.

“Ngoài ra, dưới góc độ thực tiễn, nếu Luật Báo chí đã công nhận và bảo đảm quyền tự do báo chí cho nhà báo, phóng viên, nhưng nếu ở đâu đó lại hạn chế quyền xác minh thông tin của họ là điều gây nhiều băn khoăn” - Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ thêm.

175704460_962949654248481_2327861959760263398_n.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. Ảnh: NVCC.

Phản hồi động thái xử phạt của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh, vào ngày 07/02, trên website Tạp chí Công nghiệp môi trường (congnghiepmoitruong.vn), đã đăng tải nội dung: Tạp chí không cử phóng viên đi tác nghiệp, nhưng Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh kết luận là phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan đang công tác; kết luận này không phù hợp theo Luật Báo chí số 103/2016/QH13 và có ảnh hưởng đến Tạp chí Công nghiệp môi trường. [3]

Thông tin trên khiến dư luận đặt thêm dấu hỏi, tại sao sau khi Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh có quyết định xử phạt, Tạp chí Công nghiệp môi trường phải nhanh chóng lên tiếng như thế?

Bàn về lý do khiến Tạp chí Công nghiệp môi trường phải vội vã “thanh minh” trước quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh, Luật sư Diệp Năng Bình đề cập: “Phải chăng, vì lãnh đạo cơ quan này e dè quy định tại điểm e Khoản 2 và điểm e Khoản 3 Điều 13 Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí?

Mặt khác, từ vụ việc trên, cũng cho thấy, việc giao cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương được phép xử phạt cơ quan báo chí (theo Khoản 2 Điều 33 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt về phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản), phần nào cũng gây ra một số hạn chế trong việc báo chí viết bài về lãnh đạo, quan chức các địa phương”.

Điểm e Khoản 2 và điểm e Khoản 3 Điều 13 Quy định 101-QĐ/TW:

2. Lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì có văn bản nghiêm khắc nhắc nhở hoặc kỷ luật khiển trách:

e) Để cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật đến mức bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 2 lần trong nhiệm kỳ vì hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép nhưng chưa đến mức độ bị tước quyền sử dụng giấy phép.

3. Lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

e) Để cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật đến mức bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 2 lần trong nhiệm kỳ vì hành vi gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng hoặc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép đến mức bị tước quyền sử dụng giấy phép.

Liên quan đến vụ việc trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nêu quan điểm: “Theo tôi, chỉ khi xác định được phóng viên đưa thông tin sai sự thật hoặc chứng mình được phóng viên đó lợi dụng câu chuyện trên để trục lợi cho bản thân, thì mới xem xét xử phạt hành chính và xem xét về vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Việc làm của bà Hà cũng là một trong những dạng tiêu cực; trong khi đó, Trung ương Đảng vẫn luôn phát động mạnh mẽ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt mở rộng đến các địa phương, cơ sở. Vậy, việc phóng viên tìm hiểu xe biển xanh lắp đèn, còi ưu tiên đón người thân ở sân bay bị xử phạt ở Hà Tĩnh có tạo ra tiền lệ không?”.

Theo nữ đại biểu, chính việc Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông được phép xử phạt cơ quan báo chí như vậy đã phần nào hạn chế quyền và trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan báo chí, nhất là đối với các vụ việc tiêu cực về cán bộ, lãnh đạo địa phương.

“Ngoài ra, tôi cũng rất lo ngại câu chuyện phát triển nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, nhà báo, đội ngũ làm công tác thông tin, truyền thông sẽ bị chững lại. Như thế, dẫn đến hệ lụy nguy hại vô cùng, đến khi họ ngại lên tiếng, không nói nữa thì những người yếu thế sẽ không có cơ hội, không được bảo vệ kịp thời. Thứ hai, nếu bị hạn chế chống tiêu cực, có thể dẫn đến những nhà báo nói sai sự thật, nói để khỏa lấp, nói cho được lòng của một nhóm lợi ích nào đó, được lòng cho lãnh đạo, nhưng không thể hiện được trách nhiệm xã hội. Điều đó sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn, cần phải có sự chấn chỉnh” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Tôn chỉ, mục đích chỉ nên thể hiện thứ tự và hàm lượng thông tin được ưu tiên

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng: “Theo tôi, phản ánh tiêu cực không chỉ là trách nhiệm, nhiệm vụ riêng của bất kỳ tòa soạn nào mà mọi cơ quan báo chí đều có quyền thông tin chuẩn xác, kịp thời. Thông tin phải bám sát thực tiễn và phải tạo được sự đồng tình của dư luận.

Như vậy, không nhất thiết, cơ quan báo chí này chỉ được đưa thông tin về lĩnh vực này, cơ quan báo chí kia chỉ được thông tin về lĩnh vực kia; mà tất cả các tòa soạn, các phóng viên đều phải có trách nhiệm với xã hội, phản ánh đúng thực tế, phản ánh đúng thực chất của vấn đề, và giải quyết vấn đề đó một cách kịp thời nhất, toàn diện nhất, hiệu quả nhất. Thông qua đó, tạo dư luận để chấn chỉnh kịp thời về hành vi, về đạo đức, về phẩm cách của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động... trong xã hội này. Báo chí góp phần điều chỉnh hành vi của xã hội.

Tất nhiên, mỗi tòa soạn sẽ có tôn chỉ, mục đích cụ thể, song, theo tôi, đó chỉ là định hướng để xác định thứ tự ưu tiên và hàm lượng ưu tiên đối với thông tin được đăng tải trên trang báo đó. Ngoài ra, cần có sự linh hoạt hơn, đối với những vi phạm, tiêu cực, các tòa soạn hoàn toàn có thể thông tin, vì mục tiêu chung là giám sát và phản biện xã hội”.

z5173157364109_b277bbc54c5ccc01f653f514b488a1a8.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: NVCC.

Về nội dung này, ông Lê Như Tiến cũng cho biết: “Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII, tôi là người trực tiếp tham gia vào xây dựng Luật Báo chí; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cơ quan thẩm tra về Luật Báo chí, chúng tôi khẳng định, luật rất cởi mở, và quy định rất rõ, các cơ quan nhà nước phải cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí khi báo chí cần.

Đồng thời, cũng cần cởi mở hơn về tôn chỉ, mục đích. Bởi lẽ, mỗi cơ quan báo chí đều có quyền đóng góp tiếng nói vào tất cả vấn đề trong đời sống xã hội, chứ không phải Báo Giao thông chỉ viết riêng về lĩnh vực giao thông, Báo Tuổi trẻ chỉ viết về hoạt động của đoàn viên, thanh niên..., mà không viết về những tiêu cực trong các lĩnh vực khác.

Tôn chỉ, mục đích tồn tại để các cơ quan báo chí có thể tập trung nhiều nội dung hơn theo những chủ đề đó, tập trung vào lĩnh vực đó nhiều hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là những cơ quan báo chí này không có quyền viết về các nội dung khác, như phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... Báo chí có quyền nói lên tiếng nói của người dân, mà tiếng nói ấy không phải chỉ “đóng đinh”, xoay quanh duy nhất một vấn đề, một lĩnh vực”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/vi-sao-phong-vien-tim-hieu-xe-bien-xanh-lap-den-coi-uu-tien-don-nguoi-than-o-san-bay-bi-xu-phat-20240209100742843.htm

[2]https://vietnamnet.vn/kiem-diem-chu-tich-hoi-phu-nu-ha-tinh-dung-xe-cong-don-con-o-san-bay-2250439.html

[3]https://congnghiepmoitruong.vn/de-nghi-thanh-tra-so-thong-tin-va-truyen-thong-ha-tinh-dieu-chinh-lai-ket-luan-ve-hoat-dong-tac-nghiep-bao-chi-tai-hoi-phu-nu-tinh-ha-tinh-12374.html

Thành An