Cảm phục nghị lực của nữ sinh Nghệ An vừa đi học, vừa phụ mẹ bán cơm

12/08/2021 07:00
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nữ sinh Lê Thị Hiền (Nghệ An) luôn cố gắng vươn lên để có kết quả cao trong học tập.

Sau ba năm vừa sinh hoạt, học tập vừa lao động phụ mẹ tại quán cơm ở thành phố Vinh (Nghệ An), nữ sinh Lê Thị Hiền (sinh năm 2003, quê ở xã Quỳnh Vinh, Hoàng Mai, Nghệ An) đã bước đầu thực hiện được mục tiêu đặt ra của bản thân là trở thành giáo viên trong tương lai.

Trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua, Hiền có kết quả xét tuyển đại học khối D với 27,1 điểm (Toán 8,2; Ngữ văn 9,5; tiếng Anh 9,4 điểm).

Cùng với kết quả xét tuyển trên, nữ sinh này đã đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn khi còn học lớp 12, thì em cũng đã chắc "suất" vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nữ sinh Lê Thị Hiền khi còn học trường chuyên Đại học Vinh. (Ảnh: NVCC)

Nữ sinh Lê Thị Hiền khi còn học trường chuyên Đại học Vinh. (Ảnh: NVCC)

Nghị lực vươn lên

Khi Hiền lên 5 tuổi, bố mẹ chia tay, Hiền và em trai 4 tuổi theo mẹ. Để mưu sinh, mẹ em lên thành phố Vinh làm thuê tại quán cơm của người thân, hai chị em về nương tựa nhà ông bà ngoại và cậu.

Sống xa mẹ, nhưng em luôn tự lập và cố gắng trong học tập, trong những năm học Cấp 1 và Cấp 2, em luôn đạt học sinh giỏi, trong đó nổi trội với môn Văn. Cô bé có vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh với tính cách hiền khô luôn được các thầy cô, bạn bè yêu quý.

Cuối cấp 2, thầy cô khuyên em nên thi vào trường chuyên Đại học Vinh để phát triển việc học tập, Hiền nghe lời thầy cô, em đỗ trường chuyên với 9,2 điểm môn Tiếng Anh, Ngữ Văn được 8,5 điểm.

Đỗ cấp 3, Hiền về ở cùng với mẹ tại quán ăn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Khi đó, diện tích quán cơm còn chật hẹp, đêm đến hai mẹ con phải ngủ dưới sàn nhà. Sau đó, quán được cơi nới rộng rãi hơn với khoảng 80m2, mẹ con Hiền được chuyển lên ở căn gác xép rộng khoảng 10m2.

Căn gác xép chật hẹp, ngột ngạt cũng là nơi Hiền gắn bó trong 3 năm học cấp 3. (Ảnh: HL)

Căn gác xép chật hẹp, ngột ngạt cũng là nơi Hiền gắn bó trong 3 năm học cấp 3. (Ảnh: HL)

Vào mùa hè, hơi nóng từ mái tôn phả xuống, mùi thức ăn đun nấu từ phía dưới bốc lên, khiến không khí căn gác xép này ngột ngạt, khó thở. Mùa đông, nơi này lạnh lẽo bởi gió từ bên ngoài lùa vào.

Dù mồ hôi nhễ nhại do nắng nóng hay co ro trong tấm chăn mùa lạnh, nhưng Hiền vẫn luôn chăm chú, hăng say mỗi khi đến bên chiếc bàn học. Với em, chỉ có học tập mới giúp bản thân thoát được cảnh nghèo khó.

Những lúc nhàn rỗi, Hiền lại phụ giúp mẹ nhặt rau, rửa bát… hay đi ship cơm cho khách. Trong mùa dịch Covid-19, việc ship cơm của em càng bận rộn hơn.

Ước mơ làm giáo viên

Khi bước vào cấp 3, Hiền được thầy cô đặc biệt quan tâm bởi hoàn cảnh của em khó khăn. Việc học thêm của em đều được các thầy cô miễn học phí.

Trong đó, không thể không kể đến giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Khánh Ly, cô là người đồng hành với em trong 3 năm cấp 3.

Trong kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn khi Hiền học lớp 11, em đã không tự tin và không đạt giải. Hiền buồn bã và không còn tự tin trong kì thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12.

Thấy vậy, cô giáo chủ nhiệm đã đến động viên em, cô nói rằng "Cô tin vào khả năng của em".

Nữ sinh Lê Thị Hiền luôn lạc quan rằng hoàn cảnh của bản thân dù khó khăn nhưng vẫn may mắn hơn nhiều bạn khác. (Ảnh: H.L)

Nữ sinh Lê Thị Hiền luôn lạc quan rằng hoàn cảnh của bản thân dù khó khăn nhưng vẫn may mắn hơn nhiều bạn khác. (Ảnh: H.L)

Bên cạnh sự giúp đỡ tạo điều kiện của các thầy cô, Hiền cũng chịu khó tích lũy ghi chép những câu nghị luận văn học và những câu nhận định về đời sống xã hội của tác giả nổi tiếng.

“Ví dụ như tấm gương tiêu biểu, dũng cảm, ý chí… thì em ghi chép và chọn lọc vào. Em cũng tham khảo những bài làm của các học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn để xem cách dẫn dắt, triển khai vấn đề, để em lọc ra những ý hay, viết bài văn sáng tạo”, nữ sinh chia sẻ và cho hay.

Và rồi trong kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn năm 2020-2021 Hiền đã đạt giải Nhì. Em vui mừng ngỡ ngàng xen lẫn cảm giác hạnh phúc bởi công sức bỏ ra bao ngày ôn luyện đã có "trái ngọt".

Nhớ lại những công lao dạy dỗ, sự "ưu ái" của thầy cô, Hiền ước mơ được làm giáo viên để giúp những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như mình. Bên cạnh đó, với việc học sư phạm thì em sẽ được miễn học phí, đỡ được gánh nặng kinh tế phần nào cho mẹ.

Nữ sinh cao 1m50 này lạc quan nói rằng, dù điều kiện kinh tế gia đình em khó khăn nhưng em thấy rằng, mình vẫn có cuộc sống tốt hơn nhiều người khác.

"Trong tương lai khi đi học đại học, em dự định sẽ xin vào kí túc xá để ở và đi làm gia sư để kiếm thêm khoản thu nhập đỡ đần mẹ", Lê Thị Hiền chia sẻ.

Chia sẻ thêm về việc lựa chọn ngành sư phạm tiếng Anh chứ không phải là sư phạm Ngữ văn, nữ sinh Lê Thị Hiền cho hay, em thấy giáo viên tiếng Anh dễ xin việc hơn nên em quyết định lựa chọn ngành này.

Nói về cô con gái, chị Hồ Thị Vân (mẹ của Hiền) cho hay, dù chị không hạnh phúc trong hôn nhân và vất vả trong cuộc sống nhưng chị luôn tự hào về cô con gái bởi ý chí vươn lên của con. Chị chỉ mong sao sau này nhờ học hành, con gái sẽ có một công việc học hành đỡ vất vả.

Nhắc đến cô con gái, chị Hiền cũng buồn khi đứa con trai út đã nghỉ học từ năm lớp 8, phần vì do hoàn cảnh khó khăn, phần vì học lực của con không được như chị gái.

“Sau khi nghỉ học thì cháu đi làm thuê ở quán ăn tại quê với đồng lương ít ỏi. Mấy tháng nay, tôi đã cho cháu đi học sửa chữa điện thoại để có cái nghề”, chị Vân chia sẻ.

Về tương lai, chị Vân cũng dự tính khi các con có công việc ổn định, thu nhập khá hơn, chị sẽ xây nhà để gia đình có được căn nhà riêng.

Mạnh Đoàn