Vượt lên số phận nghiệt ngã, thanh niên khiếm thị giành học bổng du học Úc

12/05/2021 06:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tưởng chừng mất đi đôi mắt năm lớp 11 sẽ cướp đi của Đạt tất cả, nhưng không, bằng ý chí và nghị lực chàng trai này đã xuất sắc giành học bổng toàn phần nước Úc.

Một buổi sáng năm 2006, Trần Thế Đạt (sinh năm 1989, trú tại xóm 1, Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) thức dậy mở mắt thì thấy toàn màu đen, cậu lấy tay dụi mắt lần nữa vẫn vậy. Đạt hoảng sợ, gia đình vội vàng đưa cậu đến bệnh viện, bác sĩ kết luận Đạt mắc bệnh Glocom (Thiên đầu thống).

Bác sĩ lắc đầu nói với gia đình: “Trên thế giới chưa có công nghệ nào chữa được bệnh này”. Gia đình Đạt chết lặng.

Khoảng 3 ngày trước đó, Trần Thế Đạt bị đau mắt đỏ cùng đợt ở làng đang có dịch. Sau khi nhỏ thuốc mắt thì cậu thấy hơi nhức mắt. Do bị dị ứng với thành phần của thuốc nhỏ mắt, đáy mắt của Đạt đã bị cháy.

“Mắt tôi giống như bóng đèn chịu tải 220V nhưng dòng điện 500V chạy qua, thế là cháy bóng luôn”, Đạt kể.

Thời điểm này, nam sinh cao 1m80, dáng mảnh khảnh này chuẩn bị vào lớp 11 Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), khi đó, cậu cũng đang ôn thi khối D.

Trần Thế Đạt chia sẻ về quãng thời gian tưởng chừng cậu mất đi tất cả. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trần Thế Đạt chia sẻ về quãng thời gian tưởng chừng cậu mất đi tất cả. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

3 năm trời Đạt tự ti, khép mình lại một góc phòng, bạn bè đến thì cậu không gặp, còn người nhà thì miễn cưỡng tiếp chuyện. Gia đình đưa cậu đi chạy chữa khắp nơi nhưng vô ích.

Một ngày nọ, Hội người mù huyện Thanh Trì đến gặp gỡ, trò chuyện với Đạt. Họ mời Đạt đến trung tâm tham quan, chứ không phải là tham gia Hội vì sợ cậu mặc cảm.

Ngày đến cơ sở của Hội, Đạt được biết đến những người có hoàn cảnh như mình, có người khiếm thị bẩm sinh, có người bị hỏng mắt như cậu. Tuy nhiên, họ đều vui vẻ, lạc quan, họ làm xoa bóp, bấm huyệt để kiếm thêm thu nhập.

Đạt xin tham gia Hội, cậu được học hỏi những kinh nghiệm sống từ các hội viên như quan sát bằng tai, cách đi trên đường… hay là học con chữ nổi Braille, học vi tính.

Đối với người khiếm thị bẩm sinh thì việc học đã khó, còn Đạt từ người mắt sáng thành người mù thì càng khó hơn, nhưng cậu không nản trí, bởi ít ra cậu từng nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Đạt cũng tiếp tục học lại chương trình lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Rồi cậu thi đỗ và theo học 2 trường Đại học tại chức là Đại học Hà Nội (chuyên ngành Tiếng Anh) và Viện Đại học Mở (chuyên ngành Quản trị kinh doanh).

Du học nước Úc

Trong thời gian ở Hội người mù huyện Thanh Trì, Đạt tham gia làm Cộng tác viên cho tổ chức phi chính phủ ACCV (Úc). Năm 2012, Đạt cùng một người nữa trúng tuyển học bổng toàn phần của ACCV. Khi này, cậu đắn đo rồi phải lựa chọn bỏ trường Đại học Hà Nội để sang Úc.

Tháng 4/2012, tiết trời nước Úc 5 độ C vào sáng sớm, đến trưa là 20 độ C, Đạt được học tập kĩ năng di chuyển ở khuôn viên ngoài trời. Tại đây, cậu được dạy cách cầm gậy để đi trong nhà, lên cầu thang…

Đạt được tiếp cận với những công cụ hỗ trợ thông minh như chiếc gậy cảm ứng, khi có vật cản trong phạm vi 2 mét thì gậy rung lên, càng đến gần thì nó càng rung mạnh.

Hay như được trải nghiệm đường đi bộ cho người mù là đường ray, đến ngã ba, ngã tư thì có ô vuông nổi lên rồi thì bấm đèn xin đường, khi tín hiệu đèn kêu “tóc tóc” thì có thể đi qua.

Đạt còn được học Tiếng Anh và Tin học. Phần mềm đọc màn hình (NVDA) do nhà sáng chế ở Úc cũng được cậu tiếp cận học hỏi, đây cũng chính là công cụ giảng dạy cho những người khiếm thị tại Hội người mù huyện Thanh Trì sau này.

Trải qua 3 tháng sống và học tập bên nước Úc, trở về nước, Đạt tham gia trợ giảng cho Hội Đồng Anh trong dạy học miễn phí Tiếng Anh (giáo án do Đạt và ACCV biên soạn) cho người khiếm thị. Đồng thời cậu truyền lại những gì đã học bên Úc cho các thành viên Hội người mù của huyện.

Trần Thế Đạt chụp ảnh cùng các thành viên trong tổ chức ACCV bên nước Úc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trần Thế Đạt chụp ảnh cùng các thành viên trong tổ chức ACCV bên nước Úc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau nhiều cố gắng nỗ lực và đóng góp cho người khiếm thị, năm 2015, Đạt được bầu làm Chủ tịch Hội người mù huyện Thanh Trì.

15 năm chị gái làm đôi mắt sáng cho em trai

Để có được những thành quả trên, anh Đạt nghẹn ngào kể về nỗ lực giúp đỡ từ chị gái. Từ khi em trai bị hỏng mắt cho đến nay, chị gái Tuyết Anh luôn là người sát cánh cùng em trên mọi nẻo đường.

Đạt là con út trong gia đình có 3 chị em, chị gái thứ hai của Đạt lấy chồng ở Hoàng Mai (Hà Nội), còn chị cả Tuyết Anh lập gia đình ở làng. Bố mẹ ở nhà loanh quanh với ruộng đồng, họ không biết đi xe máy nên gia đình có việc gì thì Tuyết Anh lại cáng đáng, gánh vác.

Nhớ lại những ngày tháng chạy chữa đôi mắt, Đạt kể, trong 3 năm đầu bị mù lòa, ai mách chỗ chữa mắt cho cậu như ở Bắc Giang, Hưng Yên… thì đều có bóng dáng chị gái đèo Đạt trên chiếc xe máy. Khi Đạt tuyệt vọng tin mình đã mù, chị buồn lắm.

Lo em trai suy nghĩ tiêu cực, chị cả loay hoay đi tìm các cơ sở hoạt động cộng đồng cho em.

Từ lúc em đi học đến khi đi làm, cứ mỗi sáng hay chiều tối, dù trời nắng hay mưa đều là bóng dáng người chị chở em ra bến xe ở cầu Văn Điển cách nhà 5 cây số, đến tối lại chở em trai về.

Chị gái làm chủ xưởng cơ khí ở đường Ngọc Hồi nên công việc bận rộn, giờ giấc không cố định nhưng chị vẫn luôn cố gắng thu xếp để lo cho em trai. Ngày anh Đạt đi chụp ảnh cưới mất cả ngày trời, chị cũng gác công việc để giúp em.

“Có buổi tối khi tôi đi làm về đang chờ chị ra đón thì trời mưa to. Chị đến và đưa tôi áo mưa để mặc, lúc xuống xe tôi bám vào áo chị thì thấy áo ướt sũng, lúc này tôi mới biết rằng chị đã nhường áo cho mình”, anh Đạt xúc động nhớ lại.

Giúp đỡ người cùng hoàn cảnh

Không chỉ nỗ lực vươn lên cho bản thân, anh Đạt còn giúp những hội viên hoàn cảnh như anh. Hội người mù huyện Thanh Trì có 176 hội viên. Trong đó, Hội từng đào tạo nhiều học viên, tạo cho họ có nghề trong tay như xoa bóp, bấm huyệt, đan nón… hay định hướng nghề cho họ, nếu ai có năng khiếu về cờ vua, bơi lội, điền kinh… sẽ được giới thiệu vào Hội người khuyết tật của Thành phố.

Trường hợp của chị Nguyễn Thế Hồng (sinh năm 1988, trú tại Đại Áng) là tấm gương tiêu biểu. Hồng bị hỏng hai mắt sau tai nạn vào lớp 7. Trải qua thời gian học tập tại Hội, chị đã học được chữ nổi cùng nghề xoa bóp bấm huyệt,... Bên cạnh đó, Hồng cũng xuất sắc tốt nghiệp trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn.

Là lãnh đạo Hội, anh Trần Thế Đạt còn tích cực học tập pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền cho các hội viên.

“Sắp tới đợt bầu cử, đơn vị cũng đã phối hợp với phòng Tư pháp để tuyên truyền, chia sẻ cho Hội viên về quyền bầu cử”, anh Đạt nói.

Là hàng xóm và là bạn học của chị gái Đạt, anh Khúc Mạnh Linh (sinh năm 1987) cho hay, khi bị hỏng mắt, Đạt thu mình, sống khép kín, suy sụp rất nhiều. Tuy nhiên, bằng ý chí nghị lực, cậu ấy đã vượt qua tất cả khó khăn để thành công như bây giờ.

“Có ít người bị khiếm thị muộn như vậy mà lại có được thành công như Đạt. Giờ đây, cậu ấy khá chững chạc, điềm đạm”, anh Linh chia sẻ.

Mạnh Đoàn