Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh một bé trai 4 tuổi được cho là đang theo học tại Trường mầm non B Trực Đại, thuộc xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định bị nhốt vào phòng tách khỏi các bạn học khác, một đầu dây được dùng buộc vào cổ áo phía sau gáy và đầu còn lại thì buộc vào khung sắt cửa sổ. Hình ảnh này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội đã gây phẫn nộ trong dư luận. (Ảnh: Chụp từ màn hình) |
Ngày 29/11, ông Đặng Xuân Hữu – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Trực Ninh (Nam Định) – kí công văn báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo huyện Trực Ninh liên quan đến thông tin báo chí phản ánh tại Trường mẫu giáo B Trực Đại.
Theo công văn cho thấy, qua kết quả kiểm tra, xác minh, Phòng Giáo dục và Đào tạo Trực Ninh báo cáo: Sự việc cô giáo buộc dây vào áo bé trai 4 tuổi ở trường mầm non B Trực Đại là có thật.
Báo cáo cũng cho rằng: “Đây là sự việc rất đáng buồn, đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy, niềm tin của nhân dân”.
Báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, cháu Nguyễn Tài Phát bị rối loạn phổ tự kỷ/chậm phát triển trí tuệ (có giấy xác nhận của Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương);
Vừa bị câm, vừa bị điếc; có biểu hiện hú, chạy nhảy, dẫm vào người, cắn vào tay các bạn và cô giáo.
Cháu bé bị "xích cổ" ở lớp học, báo cáo của phòng giáo dục Trực Ninh |
Lúc cháu tăng động quá, cô buộc vào như vậy, vừa an toàn cho cháu, vừa an toàn cho các bạn.
Với tình trạng của cháu bé như báo cáo, có nhiều ý kiến cho rằng dư luận nên có cái nhìn toàn diện về sự việc không vì những sự việc tiêu cực trong giáo dục hiện nay mà có cái nhìn phản cảm về các thầy cô giáo.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ Đỗ Thúy Nga, Giám đốc trung tâm Hy Vọng, một trong những trung tâm giáo dục có đối tượng là những trẻ có dấu hiệu bất thường, cho rằng:
“Qua dấu hiệu đã được báo chí phản ánh thì cháu được khẳng định là câm điếc nhưng mà không phải đâu. Bởi vì cháu mang những dấu hiệu của trẻ tự kỷ nhiều hơn.
Trẻ tự kỷ thường mang 3 hội chứng giả, giả điếc, giả câm, giả mù. Trẻ có thể không điếc, nghe được nhưng trẻ coi như không nghe, không nhìn vào mắt người khác, ánh mắt không giao tiếp, giả câm nghĩa là trẻ biết nói nhưng trẻ không nói.
Ngoài 3 hội chứng đó ra thì trẻ còn có nhiều biểu hiện khác tăng động như trẻ tự đập đầu, dễ kích động… trẻ có những biểu hiện như vậy thì theo tôi nghĩ thì trẻ cần được giáo dục đặc biệt, không nên cho trẻ hòa nhập trong tình trạng như vậy”.
Lý do được bác sĩ Nga đưa ra: “Bởi vì khi cho trẻ hòa nhập thì phải có 70 – 80 chỉ số trẻ phát triển bình thường thì trẻ mới có thể tự tin và chơi với các bạn được.
Trẻ trong tình trạng như báo chí phản ánh thì trẻ không tự tin chơi với các bạn được, nếu không chơi với các bạn được thì em đó sẽ rất buồn, chính vì thế trẻ sẽ có những hành vi bất thường.”
Nói về hành động của cô giáo tại trường Mâm Non B Trực Đại, Bác sĩ Nga cho rằng:
“Khi trẻ có hành vi bất thường mà cô giáo lại không có nghiệp vụ về chuyên môn lại sợ trẻ cắn, cấu các bạn nên cũng chỉ vì lo các bạn khác nên cô giáo đi buộc cháu như thế.
Tất nhiên, hành vi buộc trẻ như vậy là không đúng với khả năng, hành vi sư phạm bởi vì sư phạm không cho phép giáo viên đụng chạm vào thân thể đứa trẻ.
Đây cũng có thể nhìn nhận rằng cô giáo cực chẳng đã mới làm như vậy”.
Bác sĩ Đỗ Thúy Nga với các em nhỏ tại Trung tâm Hi vọng (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ cụ thể về trường hợp tại trường Mầm non B Trực Đại, theo Bác sĩ Nga:
“Trong trường hợp này cô giáo nên báo cáo với nhà trường, đề nghị với nhà trường và đề nghị với gia đình rằng tìm đến phương hướng tích cực hơn cho cháu hoặc cho cháu ra các cơ sở giáo dục chuyên biệt trước khi cho cháu học hòa nhập như vậy sẽ đảm bảo hơn.
Hoặc nhà trường có thể tổ chức các nhóm riêng, lớp riêng để có các cô giáo quản. Các nhóm này tỷ lệ cô và trò sẽ phải giảm đi rất nhiều. Như ở trung tâm Hy Vọng thì 3 trẻ sẽ có 1cô phụ trách.
Không thể để 1 cô phụ trách đến 15 trẻ trong đó có trẻ có dấu hiệu như vậy được”.
Nói về hành động của cô giáo buộc trẻ tại trường Bác sĩ Nga cho biết: “Xã hội nên có một cái nhìn đầy đủ hơn, thấu tình đạt lý hơn trong trường hợp này, để hiểu bệnh tình của trẻ. Từ cái nhìn đầy đủ về bệnh của trẻ sẽ có cái nhìn khác về hành động của cô giáo”.