Đứng trước bối cảnh công nghệ số, xã hội số, áp lực cạnh tranh về kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và tư duy liên ngành sẽ ngày càng lớn. Các ngành đào tạo nhân lực trong mọi lĩnh vực đều đặt ra những yêu cầu đổi mới và ngành Văn học cũng không ngoại lệ. Theo đó, ngành Văn học cần vượt qua định kiến “là ngành học thuần lý thuyết, thiếu tính ứng dụng”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Phương Khánh - Trưởng ngành Văn học, Khoa Ngữ văn - Truyền thông, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, ngành Văn học hiện đang được tái cấu trúc với định hướng liên ngành và ứng dụng, kết nối với nghệ thuật, truyền thông, sáng tạo nội dung, và văn hóa đại chúng.

“Bên cạnh việc điều chỉnh, cập nhật các học phần nền tảng của ngành, chúng tôi xây dựng thêm một số học phần mới như Ứng dụng liên ngành trong nghiên cứu văn học, Nghệ thuật đại chúng trong thời đại số hoá, Phê bình điện ảnh và phê bình sân khấu, Viết sáng tạo... nhằm trang bị cho sinh viên năng lực phân tích và sản xuất nội dung phù hợp với thời đại kỹ thuật số, năng lực liên ngành, đáp ứng các nhu cầu thực tiễn.
Ngành Văn học từ khoá 2025 sẽ có 2 định hướng chuyên ngành cụ thể là: Hướng nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật và hướng báo chí, truyền thông, xuất bản, văn phòng. Các môn học đều mang tính cập nhật, gắn với những chuyển biến nhanh của thời đại, xu hướng của địa phương” - Tiến sĩ Nguyễn Phương Khánh cho biết thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Sáng - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngữ văn - Truyền thông, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cũng chia sẻ mục tiêu cho hướng đi mới của ngành Văn học: “Xã hội số mở ra những cơ hội mới cho người học Văn: từ nghiên cứu, phê bình văn học, điện ảnh, sân khấu, sáng tạo nội dung số, biên tập viên, copywriter, storyteller, cho đến các lĩnh vực mới như truyền thông văn hóa, cố vấn nội dung cho game, phim, quảng cáo...
Ngành Văn học đang cố gắng thiết kế theo hướng mở, linh hoạt và tích hợp kỹ năng công nghệ, có thể trở thành bệ phóng cho nhiều nghề nghiệp sáng tạo trong nền kinh tế tri thức và văn hóa hiện đại”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Sáng cũng chỉ ra một số ưu thế đào tạo của ngành Văn học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Thứ nhất, đội ngũ giảng viên chất lượng cao, với nhiều thầy cô có học hàm, học vị cao như phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ chuyên sâu, gắn bó với nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm đào tạo.
Thứ hai, chương trình đào tạo hiện đại, tích hợp kiến thức căn bản và chuyên sâu; hàn lâm cổ điển và cập nhật đương đại, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thời đại.
Thứ ba, hệ sinh thái học thuật phong phú. Khoa và trường thường xuyên tổ chức tọa đàm khoa học, câu lạc bộ văn học - nghệ thuật, diễn đàn sách giúp sinh viên thực hành, trao đổi sâu rộng.
Đặc biệt, Khoa Ngữ văn - Truyền thông đào tạo nhiều ngành (Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Văn hoá học, Báo chí, Quan hệ công chúng), nên có thể tận dụng được đội ngũ và chương trình đào tạo liên ngành, có điều kiện giao lưu kết nối học hỏi giữa các ngành.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cũng xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ như khuyến khích giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu cấp Bộ, cấp quốc gia, khuyến khích công bố khoa học quốc tế. Khoa và trường cũng có nhiều đối tác liên kết đào tạo và tuyển dụng
Trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành Văn học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đang phát triển đồng bộ về nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình gắn công nghệ và thực tiễn, tạo nền tảng vững chắc đưa sinh viên bước vào thị trường lao động một cách chủ động và sáng tạo: Trường phát triển dạy trên nền tảng LMS, MS Team… cùng với việc phát huy mạnh mẽ thư viện số cũng như phần mềm quản lý đào tạo và công tác sinh viên.

Trong những năm gần đây, ngành Văn học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã chủ động thiết kế các học phần có tính ứng dụng cao. Sinh viên tham gia nhiều talkshow hoặc workshop văn học - nghệ thuật do khoa tổ chức hoặc một số sự kiện văn hoá nghệ thuật lớn của địa phương. Ngoài ra, hoạt động thực tập tại các cơ sở báo chí, xuất bản, thư viện, trung tâm văn hóa, công ty truyền thông được triển khai nghiêm túc và hiệu quả.
Chia sẻ thêm về một số phương pháp giảng dạy tiêu biểu đối với ngành Văn học, Tiến sĩ Vũ Thường Linh - Giảng viên phụ trách học phần Văn học Nga, Khoa Ngữ văn - Truyền thông, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh “Những trang vàng của văn học Nga” là một trong những chuyên đề thuộc khuôn khổ học phần Văn học Đông Âu - Nga. Đây là buổi học đặc biệt do giảng viên và sinh viên ngành Văn học thực hiện trong năm học 2023-2024.
Cô Thường Linh chia sẻ thêm: “Với niềm say mê tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu khoa học, sinh viên đã “lạ hóa” không gian giảng đường qua những hoạt động phong phú: trình diễn trang phục truyền thống Nga, chế biến và giới thiệu ẩm thực Nga; góc triển lãm giới thiệu tác giả, tác phẩm; thuyết trình - trao đổi về các vấn đề nghiên cứu văn học Nga thế kỷ XIX - XX. Toàn bộ kiến thức khô khan trong sách vở về một nền văn học có ảnh hưởng lớn trên thế giới được sinh viên chuyển thể thành các hoạt động tương tác.
Giờ học chuyên đề đặc biệt ở chỗ, sinh viên không thụ động nghe giảng, mà là người chủ động nghiên cứu, sáng tạo, thuyết trình và trao đổi học thuật. Giảng viên chỉ đóng vai trò người cố vấn, định hướng, khuyến khích người học phát huy hết khả năng sáng tạo và nghiên cứu.
Thông qua việc tổ chức một sự kiện giáo dục quy mô như vậy, sinh viên đã được thực hành kỹ năng tổ chức dạy học và hoạt động trải nghiệm một cách trọn vẹn nhất. Đây chính là bước chuẩn bị thiết thực cho công việc giảng dạy, nghiên cứu tại các đơn vị nghề nghiệp sau này”.

“Có thể nói, chuyên đề “Những trang vàng của văn học Nga” chính là một hoạt động học thuật giúp giảng viên không chỉ đánh giá kiến thức, mà còn đánh giá được năng lực nghiên cứu độc lập, giải quyết vấn đề và sự sáng tạo của người học” - Tiến sĩ Vũ Thường Linh bày tỏ.
Nữ sinh Nguyễn Châu Thuỳ Trinh - sinh viên lớp 21CVH, tân thủ khoa đầu ra ngành Văn học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Sự uy tín và chất lượng của nhà trường, đặc biệt là sự chuyên nghiệp, nhiệt tình, năng động và luôn đổi mới của các thầy cô trong khoa đã mang đến một nền tảng kiến thức vững chắc cho sinh viên. Điểm hấp dẫn nhất đối với em là không khí học tập không bị gò bó, luôn có cảm giác được lắng nghe, được tôn trọng ý kiến kể cả khi mình chưa diễn đạt tốt; mỗi môn học đều là một trải nghiệm mới và những học phần rất thú vị…”.
“Với em, sự hỗ trợ của nhà trường không chỉ nằm ở cơ sở vật chất hiện đại hay tài liệu học tập phong phú, mà còn ở cách mà thầy cô luôn đồng hành cùng sinh viên. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, tọa đàm để mở rộng kiến thức và kết nối với thực tiễn.
Khi làm đề tài nghiên cứu, em được dễ dàng tiếp cận thư viện điện tử và trao đổi với giảng viên hướng dẫn. Nhà trường cũng rất lắng nghe tiếng nói của sinh viên, giúp sinh viên luôn được tạo điều kiện phát triển theo cách riêng.
Theo em tìm hiểu, hiện nay, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Văn học không hề giới hạn như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài con đường trở thành giáo viên Ngữ văn, người học còn có thể làm việc trong lĩnh vực truyền thông, biên tập, sáng tác nội dung, báo chí, xuất bản hay nghiên cứu văn hóa. Quan trọng là mỗi người biết mình mạnh ở đâu và sẵn sàng học hỏi để thích nghi với nhu cầu thực tế của xã hội” - Thuỳ Trinh chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Nho Khiêm - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Với tư cách là một đơn vị tuyển dụng tiềm năng, nhiều năm nay, Tạp chí Non Nước (cơ quan ngôn luận chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng) đã đón tiếp và hướng dẫn sinh viên ngành Văn học của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đến thực tập chuyên môn.
Qua quá trình cộng tác thực tế, chúng tôi có những ấn tượng tốt đẹp và ghi nhận tích cực về chất lượng đào tạo, tinh thần học thuật cũng như năng lực nghề nghiệp của sinh viên ngành Văn học.
Trước hết, sinh viên thể hiện rõ sự nền nếp trong học tập, có kiến thức cơ bản vững vàng, đặc biệt là các kỹ năng đọc - hiểu văn bản, năng lực tư duy phản biện và khả năng hành văn, biên tập. Không ít sinh viên đã cho thấy sự nhạy cảm trước các vấn đề văn hóa, nghệ thuật và đời sống xã hội - điều rất cần thiết cho một người làm báo chí văn nghệ.
Điều đáng ghi nhận là tinh thần cầu thị, chịu khó học hỏi và khả năng làm việc nhóm của các em. Trong môi trường làm việc tại tòa soạn Tạp chí - nơi đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo và tuân thủ quy trình - sinh viên Khoa Ngữ văn và Truyền thông đã nhanh chóng hòa nhập, tích cực tham gia các công việc từ biên tập tin bài, thực hiện chuyên đề, cho đến tham gia các sự kiện của giới văn nghệ sĩ địa phương. Một số em sau đợt thực tập còn tiếp tục cộng tác lâu dài với Tạp chí, đóng góp nhiều bài viết có giá trị”.
Qua đó, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đánh giá, chương trình đào tạo ngành Văn học đã không chỉ chú trọng lý thuyết, mà còn quan tâm đến việc rèn luyện thực tiễn và khơi dậy cảm hứng nghề nghiệp. “Đây là một điểm mạnh đáng trân trọng, giúp sinh viên không chỉ học để biết, mà học để làm - làm trong môi trường cụ thể của truyền thông - xuất bản, văn học - nghệ thuật” - ông Khiêm bày tỏ.

“Khoa Ngữ văn - Truyền thông, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã và đang đào tạo nên những thế hệ sinh viên có phẩm chất nghề nghiệp tốt, có khả năng hội nhập môi trường làm việc hiện đại, đồng thời vẫn giữ được chiều sâu văn hóa và bản sắc vùng đất miền Trung.
Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, sự gắn kết giữa nhà trường và đơn vị thực tiễn sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, cùng Tạp chí Non Nước, luôn sẵn sàng đồng hành với Khoa Ngữ văn - Truyền thông trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực văn học - nghệ thuật có chất lượng, góp phần phát triển đời sống văn hóa tinh thần của thành phố” - ông Nguyễn Nho Khiêm nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Khánh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và Khoa Ngữ văn - Truyền thông luôn khuyến khích sinh viên tiếp tục học tập nâng cao, đặc biệt là ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ Văn học, Ngôn ngữ, Lý luận và phương pháp giảng dạy Ngữ văn (đã được đào tạo nhiều năm tại trường với chất lượng tốt và đội ngũ giàu kinh nghiệm).
Với sinh viên có nguyện vọng học lên cao ở nước ngoài, giảng viên thường hỗ trợ giới thiệu học bổng, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, định hướng nghiên cứu.
Ngoài ra, các seminar khoa học định kỳ cũng giúp sinh viên làm quen với tư duy nghiên cứu, kỹ năng học thuật quốc tế, góp phần tạo nền tảng cho hành trình học tập sau đại học trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những thuận lợi, Trưởng ngành Văn học cũng chia sẻ thêm một số khó khăn trong công tác đào tạo ngành này trong bối cảnh hiện nay: “Một bộ phận xã hội vẫn có định kiến cho rằng ngành Văn học “khó xin việc”, thiên về lý thuyết và thiếu tính ứng dụng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của nhà trường.
Mặt khác, chuyển đổi số diễn ra nhanh, yêu cầu đội ngũ giảng viên phải không ngừng cập nhật kiến thức, công nghệ và cách tiếp cận mới, trong khi nguồn lực hỗ trợ đổi mới còn hạn chế.
Ngoài ra, việc gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động, doanh nghiệp văn hóa - sáng tạo vẫn cần tiếp tục mở rộng và chuyên sâu hơn”.

Từ những khó khăn đó, Tiến sĩ Nguyễn Phương Khánh cũng đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất: “Thứ nhất, tiếp tục xây dựng hình ảnh ngành Văn học như một ngành học nền tảng - sáng tạo - linh hoạt, có khả năng kết nối mạnh với các ngành nghề thời đại số như truyền thông, giáo dục, xuất bản, nội dung số.
Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh, định hướng những xu hướng học tập, làm việc mới đến học sinh trung học phổ thông. Chẳng hạn, trong bối cảnh thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ là thành phố du lịch, sự kiện, thành phố của nghệ thuật, điện ảnh…, cần thiết có đội ngũ có năng lực chuyên môn về văn học nghệ thuật, sáng tạo nội dung để tham gia thực tiễn nghề nghiệp.
Thứ ba, tăng cường hợp tác liên ngành (với nghệ thuật, truyền thông, giáo dục…), từ đó, thiết kế các học phần tích hợp và mở rộng đầu ra nghề nghiệp cho người học.
Thứ tư, đề xuất nhà trường đầu tư hơn nữa cho cơ sở vật chất, không gian sáng tạo, học liệu số và chính sách hỗ trợ nghiên cứu - đổi mới phương pháp giảng dạy trong khối ngành khoa học xã hội và nhân văn”.

Trong suốt 50 năm hình thành và phát triển, ngành Văn học thuộc Khoa Ngữ văn - Truyền thông, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã đào tạo nhiều khoá cử nhân, thạc sĩ chất lượng cao, đóng góp vào đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu và sáng tạo văn hóa - nghệ thuật tại miền Trung và cả nước.
Khoa là nơi quy tụ đội ngũ giảng viên uy tín, có nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Nhà trường luôn duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa truyền thống học thuật nhân văn với yêu cầu đổi mới giáo dục, phát triển tư duy phản biện và năng lực thích ứng của sinh viên trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng. Vì thế, chương trình đào tạo của ngành luôn có tính cập nhật, nỗ lực gắn với thực tiễn.