Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 vừa khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, những kết quả tích cực của kỳ thi khi diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc là minh chứng bước đầu cho thấy tính ưu việt của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kỳ thi có rất nhiều điểm mới
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng) nhìn nhận: “Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là kỳ thi được toàn xã hội đặc biệt quan tâm hơn cả, bởi, đây là kỳ thi đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính vì chúng ta thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nên rất nhiều phụ huynh, học sinh cũng như toàn xã hội đều rất quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp này. Qua một quá trình thực hiện chương trình, kết quả gặt hái sẽ được thể hiện qua kỳ thi.
Đặc biệt, kỳ thi còn có rất nhiều điểm mới. Mới nhất đó là đề thi môn Ngữ văn, không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa, để đánh giá năng lực tư duy của học sinh. Chính điều đó khiến dư luận có phần nào lo lắng khi kỳ thi vừa diễn ra. Có những ý kiến cho rằng, đề thi năm nay “khó” hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là cách đánh giá cơ học đơn thuần.
Bởi vì, rõ ràng, chương trình giáo dục phổ thông khác nhau thì yêu cầu cũng khác nhau. Chúng ta không thể lấy đề thi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 để so sánh với đề thi của chương trình giáo dục 2006”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An cũng đánh giá, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 đã diễn ra suôn sẻ và đạt được những kết quả nhất định.
Ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết: “Mặc dù, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn với một số tổ hợp có kết quả chưa cao, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ, đối với bất kỳ một sự đổi mới nào, bên cạnh việc tạo ra những hiệu quả tích cực, thì có thể đâu đó xuất hiện những yếu tố tác động ảnh hưởng đến kết quả chưa được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, để đánh giá tổng quan về kỳ thi năm nay một cách công tâm, tôi cho rằng, chúng ta vẫn phải ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương đến sự cố gắng của cả các thầy cô giáo cũng như các thí sinh”.
“Thông qua kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng ta có thể nhìn nhận năng lực thực tế của học sinh, đồng thời, có thể theo dõi qua một số năm, nếu thấy chưa thực sự phù hợp, có thể sẽ phải điều chỉnh lại cách dạy và học” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhấn mạnh: “Đối với công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng ta đương nhiên phải ghi nhận sự nỗ lực của ngành giáo dục. Bởi, đây là một kỳ khá nhiều áp lực trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, trong bối cảnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và có được những kết quả như vậy trong bối cảnh này, cũng là một điều rất đáng được ghi nhận. Và chính nhờ những kết quả tích cực ban đầu này, bước đầu đã chứng tỏ được tính ưu việt của chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Đề thi có sự phân hóa - điều rất cần thiết trong quá trình đổi mới giáo dục
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết: “Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm, điểm thi, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy: Môn Ngữ văn - là môn khiến phụ huynh, học sinh cũng như cả giáo viên lo lắng nhất vì hoàn toàn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa thì lại là môn đạt kết quả khả quan. Môn Ngữ văn đạt kết quả rất cao so với nhiều năm trước. Mặc dù năm nay không có điểm 10 Văn, nhưng thí sinh đạt 9,75 điểm thì lại tương đối nhiều.
Tôi cũng đánh giá, đề thi Văn năm nay khá hay và vừa sức với học sinh. Đề thi khơi gợi được sức sáng tạo của các thí sinh, giúp các em có thể thoải mái trình bày tư duy, lập luận của mình. Đồng thời, đề thi Văn năm nay cũng gắn chặt chẽ với những vấn đề mang tính chất thời sự của đất nước”.
“Nhìn chung, các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đều có sự phân hóa. Đây là điều rất cần thiết trong quá trình đổi mới giáo dục, đổi mới cách thi cử, đánh giá. Để có thể đáp ứng kỳ thi vừa xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ xét tuyển đại học, thì đề thi phải đảm bảo mức độ phân hóa. Có nghĩa là, đảm bảo đề thi vừa sức ở mức độ xét tốt nghiệp trung học phổ thông, còn để xét tuyển vào đại học, cần có những câu “khó” để những thí sinh có năng lực vượt trội mới có thể làm được.
Chúng ta không nên ra đề thi theo kiểu “đại trà” - tất cả đều làm được, như thế sẽ dẫn đến tình huống 29,5 điểm vẫn trượt đại học” - nữ đại biểu phân tích.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hiền cũng chỉ ra: “Thứ nhất, đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi đã có những đổi mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng đến đánh giá năng lực toàn diện của học sinh và giảm áp lực thi cử.
Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Ngoài ra, đề thi cũng được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức và kỹ năng như trước đây. Nội dung đề thi bám sát chương trình, tích hợp nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn, gần gũi với đời sống, khuyến khích tư duy phân tích, phản biện và sáng tạo thay vì học thuộc lòng. Cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay khá đa dạng đối với cả đề trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, phải kể đến nội dung đề thi môn Văn năm nay, khi được nhiều chuyên gia đánh giá là “rất hay”, sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa và có tính cập nhật thời sự.
Chính những sự đổi mới này đã buộc cả giáo viên và học sinh phải học thật, thi thật, hướng đến một nền giáo dục thực chất, hiệu quả và nhân văn.
Thứ hai, kết quả kỳ thi không chỉ phục vụ xét tốt nghiệp mà còn là cơ sở tin cậy cho các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh. Phổ điểm năm 2025 cho thấy sự phân hóa rõ nét, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của các trường”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Hiền cũng cho rằng: “Nói về đề thi môn Tiếng Anh, mặc dù còn có những ý kiến trái chiều, nhưng tôi lại cho rằng, năm nay là năm đầu tiên tổ chức thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tiếng Anh là môn tự chọn, các thí sinh tự tin với môn học này thì mới đăng ký.
Đặc biệt, hướng đến việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, đồng nghĩa với việc phải yêu cầu trình độ tiếng Anh của sinh viên cũng cao hơn, có lẽ, việc sàng lọc thí sinh đầu vào các trường đại học cũng rất quan trọng. Chính vì vậy, đề thi môn Tiếng Anh được ban soạn thảo xây dựng có tính phân hóa cao, nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học có thêm căn cứ tuyển sinh”.
“Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã triển khai xây dựng cấu trúc định dạng đề thi và công bố từ cuối năm 2023. Cấu trúc định dạng đề thi này giúp đánh giá tốt hơn năng lực của thí sinh, tránh học tủ, học lệch; độ phân hóa phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc Bộ công bố cấu trúc, định dạng đề thi và đề thi tham khảo từ sớm, giúp cho nhà trường, học sinh chủ động trong việc dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ và chuẩn bị tốt hệ thống hóa kiến thức cho kỳ thi chính thức.
Đồng thời, Bộ đã xây dựng một số đề thi để thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc, tại cả những tỉnh khó khăn nhất. Tỉ lệ cấp độ tư duy của đề thi chính thức được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền. Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi quan trọng này” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An nhìn nhận.
Đặc biệt, một số địa phương có chất lượng giáo dục được đánh giá tốt trong những năm gần đây, vẫn có kết quả thi xếp thứ hạng cao. Chẳng hạn, xét theo 34 tỉnh, thành mới, Nghệ An đứng đầu với điểm trung bình 6,589, kế đó là Hà Tĩnh với 6,525. Các vị trí tiếp theo của top 10 là Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế, đều có điểm trung bình từ 6,2 trở lên.
Cuối cùng, ông Nguyễn Thanh Hiền bày tỏ: “Đánh giá sơ bộ, kỳ thi được tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, phù hợp với chủ trương đổi mới theo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tất nhiên, đây là năm đầu tiên của một kỳ thi đổi mới, có thể còn có những điểm vẫn cần được khắc phục, nhưng tôi cho rằng, với những kết quả vừa qua, sự nỗ lực của toàn ngành vẫn rất xứng đáng được ghi nhận”.
Sự đổi mới của kỳ thi cũng mang lại một số kết quả tích cực cho cả địa phương vùng khó
Chia sẻ từ góc độ của địa phương, ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, sự đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cũng đã mang lại một số kết quả tích cực.
Theo đó, Điện Biên đã hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,53%, cao hơn năm trước (năm 2024 tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 99,36%).
Trong đó, tỉ lệ tốt nghiệp của thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt 99,82%, thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 đạt 16,67%. Toàn tỉnh có 32/39 đơn vị trường học và trung tâm giáo dục tham gia kỳ thi có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%.

Vị Phó Giám đốc Sở đánh giá: “Điểm trung bình tất cả môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh đạt 5,88 điểm, giảm nhẹ so với mức 6,14 điểm năm 2024, nhưng vẫn cho thấy mặt bằng chất lượng ổn định, đặc biệt có sự tiến bộ ở các môn học định hướng khoa học xã hội. Cụ thể, môn Ngữ văn cải thiện rõ nét với điểm trung bình đạt 6,8 - tăng so với năm 2024 (6,57 điểm). Các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục kinh tế và pháp luật có phổ điểm chuẩn, tỉ lệ bài thi đạt điểm 8 trở lên tương đối cao.
So với năm 2024, ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 các môn có điểm trung bình tăng là: Ngữ văn, Vật lý, Lịch sử, Ngoại ngữ. Điểm trung bình các môn Công nghệ Công nghiệp, Công nghệ Nông nghiệp và Ngoại ngữ cao hơn điểm trung bình chung toàn quốc.
Đáng chú ý, toàn tỉnh có 4.590 bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, chiếm 15,5% tổng số bài thi - tăng so với năm trước. Đặc biệt, có 118 bài thi đạt điểm tuyệt đối (10 điểm), tăng gần gấp đôi so với năm 2024 (64 bài). Các môn có nhiều điểm 10 nhất là Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Môn Tiếng Anh và Tiếng Trung cũng ghi nhận có bài thi đạt điểm 10”.