Xác định chính xác nhiệm vụ giáo viên để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới

29/12/2021 14:07
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Triển khai chương trình giáo dục mới trong năm học 2022 - 2023, giáo viên cần khai thác cấu trúc của các hoạt động cũng như điều chỉnh thói quen dạy học cũ.

Để việc chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong giai đoạn tiếp theo, ngày 28/12/2021, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng cụm chuyên môn 3, khối thi đua 4, tổ chức tọa đàm “Triển khai hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018” bằng hình thức trực tuyến.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), Thạc sĩ Võ Thiện Cang (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hữu Trang), Thạc sĩ Lê Phan Quốc (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cùng chủ trì tọa đàm.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn (giữa), Thạc sĩ Võ Thiện Cang (phải), Thạc sĩ Lê Phan Quốc (trái) cùng chủ trì tọa đàm.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn (giữa), Thạc sĩ Võ Thiện Cang (phải), Thạc sĩ Lê Phan Quốc (trái) cùng chủ trì tọa đàm.

Chương trình có sự tham gia của nhiều giáo viên thuộc cơ sở giáo dục trong cụm, khối, Trưởng khoa, giảng viên tổ lí luận và phương pháp dạy học, các giảng viên sư phạm chủ chốt đã tham gia triển khai bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà trong những năm vừa qua.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả trong những năm vừa qua tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hình thức bồi dưỡng, khuyến khích giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong đó, giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học và dạy học bằng các phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát triển năng lực học sinh. Do đó, khi giáo viên tiếp cận chương trình mới, phương pháp, sách giáo khoa mới cũng khá thuận lợi.

Theo lộ trình thực hiện chương trình, năm học 2022 - 2023 sẽ tiếp tục triển khai với khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Để đáp ứng với yêu cầu về đội ngũ, ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hữu Trang, khối trưởng khối thi đua 4 cho biết, yêu cầu đặt ra với đội ngũ giáo viên đó là cần phải tích cực, chủ động trong cập nhật, đổi mới phương pháp dạy học, trong nghiên cứu thực hiện chương trình, phát triển học liệu học tập.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Xuân Tám - Trưởng khoa Sinh học Trường Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh báo cáo tham luận tại tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Xuân Tám - Trưởng khoa Sinh học Trường Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh báo cáo tham luận tại tọa đàm.

Qua các bài báo cáo, tham luận và thảo luận tại Hội thảo, đại diện giáo viên và cán bộ quản lý các trường đã chia sẻ các khó khăn, vướng mắc với vai trò là giáo viên phổ thông cốt cán trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như khi hỗ trợ giáo viên đại trà; về việc phân bổ giữa tiết chính khóa và chuyên đề khi chưa có sách giáo khoa một số môn học, việc học sinh đăng ký vào các môn tự chọn, điều kiện cơ sở vật chất… cũng đang là những trăn trở của nhiều giáo viên bộ môn trong quá trình đầu tư xây dựng giáo án, học liệu giảng dạy.

Một số nội dung cũng đã được đề cập cụ thể trong từng môn học, hoạt động giáo dục như Sinh học, Hóa học, Ngữ văn, Giáo dục thể chất, Tin học, Khoa học tự nhiên…

Tạm kết tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nêu ý kiến, giáo viên cần khai thác cấu trúc của các hoạt động cũng như điều chỉnh các thói quen cũ để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời các cơ sở giáo dục cũng cần đầu tư phát triển năng lực số hóa học liệu bổ trợ cho các hoạt động dạy học cụ thể.

Trong quá trình chuyển đổi, cần quan tâm đến việc xác định chính xác nhiệm vụ của giáo viên trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, xác định được từng bước thực hiện các nhiệm vụ gắn liền với công tác chuyên môn, công tác giảng dạy.

Từ tọa đàm lần này đối với cụm chuyên môn 3, khối thi đua 4, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mong đợi lắng nghe, ghi nhận nhiều hơn nữa nhu cầu của giáo viên trong cụm và các cụm, khối khác ở các tọa đàm tiếp theo để từ đó có căn cứ xây dựng các chương trình, chuyên đề phù hợp, hỗ trợ giáo viên tự tin trong việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phạm Minh