GS Huỳnh Văn Sơn: Thầy có “đạo làm thầy”, trò có “đạo làm trò”

14/11/2021 06:46
Phạm Minh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo quan điểm của Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, nếu không đầu tư sâu về việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến, nhiều hệ lụy có thể nảy sinh.

Từ trước đến nay, khi bàn về dạy học trực tuyến, xã hội quan tâm nhiều đến chất lượng dạy học, nội dung kiến thức,… Tuy nhiên, một vấn đề vô cùng quan trọng nhưng lại ít được đề cập đến là xây dựng văn hóa học đường trên môi trường số, trong bối cảnh chuyển đổi số ngành giáo dục.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam.

Pv: Thưa Giáo sư, chúng ta cần hiểu như thế nào về văn hóa học đường trên không gian mạng. Giáo sư đánh giá như thế nào về thực trạng của văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến hiện nay?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Văn hóa học đường trên không gian mạng có thể hiểu đó là văn hóa của tất cả những gì thuộc không gian mạng bao gồm từ hình ảnh, biểu tượng đến các hành vi, lời nói, sự tương tác và cả cung cách thể hiện. Tựu trung lại đó là văn hoá giao tiếp và văn hoá ứng xử trên không gian mạng.

Văn hóa học đường trên không gian mạng dựa trên nền tảng tương tác giữa người dạy – người học diễn ra trên mạng cùng các bên có liên quan trong quá trình dạy học và giáo dục học sinh.

Theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, học sinh, sinh viên rất dễ cảm thấy bị cô lập trong việc học trực tuyến, vì vậy giáo viên cần cố gắng tạo điều kiện để các em có cơ hội tương tác nhiều hơn.

Theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, học sinh, sinh viên rất dễ cảm thấy bị cô lập trong việc học trực tuyến, vì vậy giáo viên cần cố gắng tạo điều kiện để các em có cơ hội tương tác nhiều hơn.

Văn hóa mạng ảnh hưởng đến văn hóa học đường bởi đây là sự tương tác từ bối cảnh. Có thể giới hạn đó là thái độ, hành vi ứng xử đúng mực đối với Internet, biết khai thác, sử dụng mạng trên cơ sở có kiến thức, hiểu biết, tận dụng và khai thác tối đa những yếu tố tích cực, lành mạnh trên mạng để góp phần nâng cao tri thức và xây dựng, hoàn thiện nhân cách bản thân, đồng thời biết phòng ngừa, tiết chế, đề kháng với những mặt trái, tiêu cực từ Internet. Văn hóa mạng là hệ thống những sự thể hiện, tương tác và cách thức ứng xử của con người trong không gian của Internet.

Đánh giá hiện nay cho thấy văn hóa học đường trên không gian mạng có nhiều vấn đề cần xem xét. Tuy vậy, dựa vào đánh giá chung cho thấy: dạy học trực tuyến, giáo dục mở đang phát triển mạnh mẽ nên văn hoá học đường có một số chuyển đổi như bị ảo về chân giá trị: ảo trong thể hiện bản thân; ảo trong tự nhận thức; ảo trong cả cách thức tương tác…

Song song đó, văn hóa học đường trên mạng đang bị tác động quá lớn bởi nhiều vấn đề như: danh xưng thầy cô trên mạng xã hội, áp lực bởi những đòi hỏi của người học và cả phụ huynh, những thách thức về điều kiện khai thác, sử dụng mạng, học liệu số…

Đơn cử việc phân tích người dùng Internet để học tập, khám phá thế giới xung quanh góp phần tạo nên văn hóa học đường. Người dùng đang có biểu hiện trẻ hóa khi thực tiễn sử dụng cho thấy chính học sinh tiểu học đã đến với Internet, facebook từ nhiều nhu cầu khác nhau. Nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2020 trên trẻ em tiểu học cho thấy từ 10% đến 20% học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với Internet và thực hiện thao tác truy cập, tìm kiếm trên các cổng thông tin, các trang khác nhau. Cũng ở tuổi này và dần sang học sinh lớp 4, trên 15% học sinh bắt đầu chơi facebook cá nhân và trong số đó, các em tự tạo facebook cho mình lên quá nửa.

Hoặc các diễn đàn tự phát, các diễn đàn chưa kiểm soát có liên quan đến nghề giáo cũng góp phần làm cho văn hóa học đường bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy khi mạng xã hội phát triển, các diễn đàn là cộng đồng mới được mở ra để trao đổi và chia sẻ, tương tác. Không chỉ là chia sẻ các thông tin tích cực mà nhiều diễn đàn bắt đầu nói xấu về nghề, về đồng nghiệp, học sinh, dần tạo ra những cái nhìn tiêu cực.

Biểu hiện tiêu cực khi có những cái nhìn méo mó về nghề, những đánh giá chủ quan để lan truyền các quan điểm có vấn đề về học đường cũng bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, việc mua bán giáo án hay kế hoạch bài dạy; sáng kiến kinh nghiệm, báo cáo tổng kết hay các bài làm sau các khóa tập huấn được quảng bá, giao dịch bởi chính người làm nghề giáo – những người làm công tác xây dựng văn hóa học đường là một nỗi buồn, bởi lẽ, học sinh, phụ huynh và nhiều người khác đều nhìn thấy và biết rõ.

PV: Trong năm 2021, lần đầu tiên việc học trực tuyến phải kéo dài bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Có nhiều câu chuyện đáng buồn của ngành giáo dục khi dạy và học trực tuyến được ghi hình và đưa lên mạng xã hội. Một số câu chuyện khiến dư luận xã hội bức xúc trước cách hành xử của người thầy, học sinh, sinh viên. Từ góc nhìn văn hóa học đường, Giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề trên?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Người thầy trong xã hội xưa luôn có một khoảng cách nhất định đối với học trò. Thầy có “đạo làm thầy”, trò có “đạo làm trò”, mỗi người đều có bổn phận để làm tròn vị trí của mình. Người thầy luôn có thái độ nghiêm khắc trước học trò. Từ lời nói, cử chỉ, hành động của thầy đều thể hiện tính “mô phạm” để giáo dục học trò.

Vì vậy, những sự đổi thay trên mạng đòi hỏi thầy cô phải làm chủ nên chắc chắn cần có thời gian và lẽ nhiên những sơ suất của thầy cô có thể xảy ra.

Đối với học sinh, sinh viên, các em rất dễ cảm thấy bị cô lập trong việc học trực tuyến, vì vậy giáo viên cần cố gắng tạo điều kiện để các em có cơ hội tương tác nhiều hơn. Không thể trách cứ học sinh, sinh viên khi chính chúng ta cũng chưa trang bị cho các em những kỹ năng giao tiếp, học tập, làm việc trực tuyến từ bối cảnh.

Đương nhiên, không vì thế mà chúng ta cho rằng việc các em có những hành vi sơ suất hay thậm chí lệch chuẩn xã hội là điều bình thường. Chính mỗi người cần hiểu rằng, khi một vài câu chuyện đáng buồn của ngành giáo dục liên quan đến dạy học trực tuyến được ghi hình lại, đưa lên mạng xã hội, đòi hỏi chính bản thân của từng người phải xem lại chính mình và làm sao để thực thi trách nhiệm xây dựng văn hóa học đường từ thực tiễn.

PV: Thưa Giáo sư, nếu chúng ta không thực hiện nghiêm túc việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến chuyển đổi số trong giáo dục thì sẽ dẫn đến những hệ lụy nào?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Thực tế cho thấy việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục là vô cùng quan trọng bởi đây là môi trường để dạy học và giáo dục.

Khi các giá trị văn hóa được đảm bảo, mỗi người sẽ có nhiều cơ hội để tiếp thu, lĩnh hội văn hóa. Đồng thời, cũng thông qua môi trường văn hóa ấy, có thể phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa lành mạnh, thân thiện góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhằm hướng tới một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tích cực và hướng tới sự phát triển bền vững.

Có thể có nhiều hệ lụy nảy sinh nếu không đầu tư sâu về việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục. Hoặc giả chỉ là định hướng chung chung mà chưa có chương trình hành động thiết thực, tất cả có thể tạo ra sự hỗn tạp văn hóa. Sự hỗn tạp văn hóa được mô tả rõ khi tuổi tác, vai giao tiếp chức năng, sự tương tác giao tiếp không có nền tảng, cơ sở. Các thông tin phóng đại đa cấp, liên cấp; các thông tin được nhân lên nhiều lần hay tin liên tục cập nhật, thiếu kiểm soát, thiếu nguồn dẫn làm cho người nhận tin đuối dần trong nguồn tin “ngồn ngộn” ấy.

Hay các biểu hiện văn hóa trên không gian mạng với các biểu hiện “chặt chém”, “tẩy chay hội đồng”, “bạo lực tinh thần nhóm”, kỳ thị và không chấp nhận, tạo áp lực đám đông… làm cho người tham gia bối rối, chới với, thậm chí căng thẳng khi tiếp nhận chủ động hay bị động…

PV: Xây dựng văn hóa học đường cần phải được thực hiện như thế nào, từ vị trí của mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, thưa Giáo sư?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: Xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa không thể thiếu việc quản lý và xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc nhằm mục đích phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, Bộ Quy tắc hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc đã “bao trùm” được các hành vi, tính chất, đối tượng tham gia mạng xã hội với các nhóm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Mỗi nhóm được chi tiết hóa bằng các nội dung vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các nội dung ứng xử cũng bao hàm tính nhân văn, phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt.

Mỗi cơ sở giáo dục cần cụ thể hóa các vấn đề có liên quan đến văn hóa học đường dựa vào tầm nhìn, sứ mạng và triết lý giáo dục của cơ sở trên nền tảng của các quy định chung về quy tắc ứng xử.

Các yêu cầu cụ thể về chương trình xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số cần bắt đầu từ nhận thức đầy đủ và tích cực, kế đến là chương trình hành động cụ thể và sự quyết tâm của Ban Giám hiệu, giáo viên và học sinh. Việc cụ thể hóa các quy định, lồng ghép vào các văn bản phù hợp ở cơ sở như: hướng dẫn học tập, hướng dẫn thi cử trực tuyến… dần dần sẽ tạo ra sự tương tác tích cực góp phần tạo nên văn hóa học đường bền vững. Từng bước, từng bước một mới có thể tạo nên một nền tảng văn hóa học đường phù hợp, hiện đại.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Phạm Minh (Thực hiện)