Tối 27/3, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022).
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: DUY LINH) |
Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: DUY LINH) |
Tại Lễ kỷ niệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình vinh dự được đón nhận hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết: Ninh Bình là vùng đất cổ, đến năm 1822 (năm thứ 3 Minh Mạng), đạo Thanh Bình được đổi thành “đạo Ninh Bình”. Kể từ đây, danh xưng “Ninh Bình” chính thức xuất hiện, với ý nghĩa là một vùng đất vững chãi, bình yên.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: DUY LINH) |
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình nêu cao ý chí tự lực, tự cường, luôn phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, giành nhiều chiến công hiển hách.
Sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh (1976-1991), đến ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập. Với quyết tâm đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Ninh Bình đã tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tổng sản phẩm trên địa bàn liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,71%; thu ngân sách đạt 22.094 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022.
Công tác xóa đói, giảm nghèo và phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Du lịch có nhiều chuyển biến về chất lượng, từng bước được đầu tư, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhất là từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống nhân dân ngày một được cải thiện; giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên…
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật khai mạc Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh. (Ảnh: DUY LINH) |
Với những thành tích đã đạt được, tỉnh Ninh Bình được Đảng, Nhà nước ghi nhận và khen thưởng bằng nhiều hình thức cao quý: Tỉnh Ninh Bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (vào năm 2000); 3 lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (vào các năm 2007, 2012 và 2015). Có 79 tập thể, 23 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; 1.269 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Hàng nghìn tập thể và cá nhân đã được khen thưởng Huân, Huy chương các loại…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư biểu dương những kết quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đạt được.
Đồng chí lưu ý, tỉnh Ninh Bình cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đặc thù riêng có của mình, nhất là lợi thế vị trí kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong tứ giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa để phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững; chú trọng quy hoạch liên kết vùng.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh; xác định động lực phát triển của Ninh Bình là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp ô-tô và dịch vụ, du lịch chất lượng cao.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia, điểm đến yêu thích của du khách cả nước và quốc tế. Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: DUY LINH) |
Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, tỉnh cần có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Quan tâm quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, coi trọng bảo vệ môi trường. Đó vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, trên cơ sở ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, lấy bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
Không phát triển kinh tế bằng mọi giá, kiên quyết loại bỏ những dự án, hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng quốc gia Cúc Phương, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ ven biển, khu dự trữ sinh quyển. Bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, "xanh, sạch, đẹp" là một giải pháp quan trọng không chỉ cho phát triển chung của tỉnh, mà còn phục vụ đắc lực cho phát triển du lịch.
Chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa cao đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; phát triển du lịch; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho mỗi người con quê hương Ninh Bình trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước…
Một tiết mục tại chương trình nghệ thuật “Một vùng non nước Ninh Bình”. (Ảnh: DUY LINH) |
Tình cần tăng cường và tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo nội dung Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị.
Qua đó, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội, trước hết là người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đồng thời khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung…
Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng, phát huy truyền thống quê hương Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến và những thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khơi dậy, phát huy hào khí Cố đô, chủ động, sáng tạo, với tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết tâm mới, xây dựng Ninh Bình phát triển bền vững, trở thành tỉnh giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh".
* Trước đó, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khởi công tuyến đường Đông-Tây và cắt băng khánh thành công trình âu Kim Đài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình.