Xây dựng Trường ĐH Hải Dương thành trường trọng điểm khu vực đồng bằng sông Hồng

13/06/2023 08:57
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục tiêu tổng quát sau khi sáp nhập Trường CĐ Hải Dương vào Trường ĐH Hải Dương là xây dựng trường đại học trọng điểm của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo ông Nguyễn Minh Hùng – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII là “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ 3 khâu đột phá:

Đó là “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo;

Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu;

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định và chúc mừng Trường Đại học Hải Dương (Ảnh: CTV)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định và chúc mừng Trường Đại học Hải Dương (Ảnh: CTV)

Để thực hiện được mục tiêu nói trên thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng, quyết định nhất.

Trong tổng nguồn nhân lực của Hải Dương, số lao động phổ thông vẫn chiếm số đông, số lượng chuyên gia kĩ thuật cao còn thấp; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn.

Nền kinh tế đang phát triển của tỉnh còn thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có trình độ năng lực cao; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề.

Thực tế này đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Hải Dương.

Việc phát triển một trường đại học đa ngành đặc biệt là lĩnh vực sư phạm, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế,… đây là yêu cầu cấp thiết, một khâu đột phá trong phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh, góp phần chủ động phá bỏ điểm nghẽn về nhân lực giáo viên; chủ động cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu cấp bách để phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương và khu vực.

Ông Nguyễn Minh Hùng cho rằng, hiện nay, các trường đại học, cao đẳng của tỉnh Hải Dương về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu là đòn bẩy then chốt cho đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn.

Đặc biệt, Trường Cao đẳng Hải Dương và Trường Đại học Hải Dương đang tồn tại những bất cập, hạn chế mang cả tính chất chủ quan và khách quan, khó phát huy được thế mạnh của cả hai nhà trường.

Với thực tế đó, cần thiết sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương để phát triển một trường đại học đa ngành, đáp ứng được mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực và phát triển cho tỉnh Hải Dương, nhằm:

- Phát huy thế mạnh của hai trường xây dựng một trường đại học mạnh trực thuộc tỉnh. Tập trung được nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của hai trường phát triển một trường đại học chất lượng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng nhu cầu về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trên các lĩnh vực, khối ngành: đào tạo giáo viên, kinh tế - kỹ thuật, nông nghiệp - nông thôn, xã hội - nhân văn.

- Đảm bảo được mục tiêu tinh giản đầu mối, phát huy được hiệu lực, hiệu quả hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục, giảm dần đầu tư của ngân sách nhà nước. Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW là “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả …”.

- Chủ động trong phát triển nguồn nhân lực, giảm bớt sự phụ thuộc vào giáo dục đại học tại Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác.

- Tạo điều kiện thuận lợi trong học tập cho người dân trong tỉnh và các khu vực khác, khi tỉnh có một môi trường giáo dục đại học tốt, đáp ứng được đa dạng nhu cầu người học. Từng bước góp phần xây dựng môi trường phát triển bền vững – toàn diện, tạo sức hút và dư địa phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh tích cực của tỉnh Hải Dương.

Xây dựng nhà trường thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Tỉnh Hải Dương đề ra mục tiêu tổng quát sau khi sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương, đó là xây dựng Trường Đại học Hải Dương trở thành trường đại học trọng điểm của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Là trường đại học đa ngành lớn mạnh, có uy tín, chất lượng, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là lĩnh vực đào tạo giáo viên, lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ,… phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Hải Dương và khu vực.

-Kiến tạo chiến lược phát triển của nhà trường đáp ứng những yêu cầu mới của tỉnh Hải Dương. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo các mã ngành sư phạm, kinh tế, trường sau sáp nhập sẽ thực hiện kết nối nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, phát triển đào tạo các ngành nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, nông nghiệp xanh, phục vụ cho sự phát triển tỉnh Hải Dương, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp phát triển.

Sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương nhằm mục tiêu xây dựng trường đại học trọng điểm của đồng bằng sông Hồng (Ảnh: CTV)

Sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương nhằm mục tiêu xây dựng trường đại học trọng điểm của đồng bằng sông Hồng (Ảnh: CTV)

Sắp xếp, tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục trực thuộc tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 16/01/2018 của Tỉnh ủy Hải Dương về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Tạo điều kiện để Trường sau sáp nhập từng bước thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.

Tỉnh phấn đấu đến giai đoạn 2030-2035, tầm nhìn đến 2050, Trường Đại học Hải Dương là cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó: trọng tâm là lĩnh vực sư phạm; lĩnh vực kinh tế; kỹ thuật và công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ,… thực hiện đào tạo ở 3 bậc trình độ: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, chú trọng đào tạo theo định hướng ứng dụng.

Việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, trong đó có sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương. Đây là một chủ trương lớn, chiến lược lâu dài của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương về chủ động phát triển nguồn nhân lực đặc biệt nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Quá trình thực hiện sáp nhập ngoài sự cố gắng của hai nhà trường, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan của địa phương,… Hải Dương còn được sự quan tâm rất lớn của các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời Trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định sáp nhập hai nhà trường.

Đặc biệt hơn nữa, đó là ngay sau khi có Quyết định sáp nhập của Thủ tướng, được sự quan tâm rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hải Dương sau sáp nhập hết sức cố gắng để mở được ngay 06 mã ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học.

Đây là một bước tiến to lớn, đáp ứng được mong muốn của nhà trường và yêu cầu của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh là phải đảm bảo sáp nhập và thực hiện đào tạo giáo viên, trình độ đại học ngay trong năm 2023.

Qua đó từng bước khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên rất lớn trên hầu hết các bậc học mầm non, phổ thông của tỉnh Hải Dương hiện nay.

LÃ TIẾN