Trong 5 năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Quảng Ninh đã có những bước phát triển mới.
Tổ chức khuyến học được phủ khắp các xã, phường, làng bản, vùng sâu, vùng xa, với trên 454.945 hội viên, chiếm 32,9% dân số (nằm trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tỷ lệ cao của cả nước).
Phong trào xây dựng “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học” và “khu dân cư hiếu học” đã trở thành một phong trào được cả hệ thống chính trị tham gia và toàn dân tích cực hưởng ứng.
Đến nay, toàn tỉnh có 251.377 gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học”, chiếm 72% so với tổng số gia đình trên địa bàn tỉnh; 1.010 dòng họ được công nhận là “dòng họ hiếu học”, chiếm 63% so với tổng số dòng họ trên địa bàn tỉnh; 1.259 khu dân cư được công nhận là “khu dân cư hiếu học”, chiếm 86,2% so với tổng số khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về xã hội hóa giáo dục, tranh thủ các điều kiện vật chất cho sự phát triển của giáo dục. Thúc đẩy gia đình chăm lo cho con em học tập, khuyến khích tài năng trẻ, giúp đỡ con em gia đình nghèo được học, hạn chế những tiêu cực phát sinh trong nhà trường.
Phong trào đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, tạo động lực thúc đẩy người lớn, người lao động tham gia học tập và học tập suốt đời, làm nền tảng cho việc hình thành xã hội học tập.
Đồng thời, tạo nền tảng quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển, hội nhập của tỉnh Quảng Ninh.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, con đường đưa đất nước, mỗi địa phương phát triển nhanh, bền vững phải bằng con đường học tập của mỗi người dân và toàn xã hội (Ảnh: Phạm Linh) |
Phát biểu trong hội nghị tuyên dương gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học xuất sắc tỉnh Quảng Ninh 5 năm (giai đoạn 2017 – 2022) được tổ chức vào ngày 9/3, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao là yêu cầu tất yếu, vấn đề cấp bách có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi ngành trong tình hình hiện nay.
Con đường đưa đất nước, mỗi địa phương phát triển nhanh, bền vững phải bằng con đường học tập của mỗi người dân và toàn xã hội.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học phát triển như vũ bão, thời kỳ kỷ nguyên số muốn có xã hội số, kinh tế số, chính phủ số thì phải đào tạo, bồi dưỡng cho được công dân số, công dân học tập và tiến tới là công dân toàn cầu.
Đối với đất nước ta, mỗi địa phương muốn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thành phố thông minh trước tiên phải đào tạo người dân thích ứng, tham gia thúc đẩy, thực hiện mục tiêu lớn lao đó”.
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Bên cạnh những thành công, chúng ta cũng thấy được nhiều khó khăn, thách thức như đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài chưa tương xứng với yêu cầu vì đầu tư cho con người đòi hỏi rất công phu, căn cơ và phải làm thường xuyên, xây dựng được điều kiện môi trường tốt nhất.
Thực tế đặt ra là cần phải tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đồng đều giữa các vùng nhất là vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và hoàn thành trước 03 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng “xã hội học tập” góp phần quan trọng giúp công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh có bước phát triển mới (Ảnh: Phạm Linh) |
Đời sống nhân dân tỉnh Quảng Ninh không ngừng được cải thiện, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được chăm lo. Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đặc biệt được quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, năm học 2021-2022 có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (đạt 48 giải, tăng 07 giải so với năm học 2020 - 2021); lần đầu tiên Quảng Ninh có 1 học sinh đoạt huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (môn Tin học).
Kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 của tỉnh xếp 31/63 tỉnh thành, tăng 5 bậc so với năm 2021. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của cả tỉnh được nâng lên 90,8% và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 88,11% (556/631 trường).
Đạt được kết quả như trên có vai trò quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng “xã hội học tập”.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 69 gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học có thành tích xuất sắc 5 năm giai đoạn 2017-2022 (Ảnh: Phạm Linh) |
Tại hội nghị, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen cho 42 mô hình học tập thuộc Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh; Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 69 gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học có thành tích xuất sắc 5 năm giai đoạn 2017-2022.
Cũng nhân dịp này, 82 gia đình hiếu học, 28 dòng họ hiếu học, 38 đơn vị hiếu học, 37 khu dân cư hiếu học trên địa bàn tỉnh được công nhận danh hiệu mô hình học tập xuất sắc 5 năm 2017-2022.