Trước thực tế diễn biến của dịch Covid-19, đặc biệt là sự biến đổi khó lượng của biến thể Delta, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đã và đang phải thay đổi chiến lược chống dịch.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng ở nhiều tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý các địa phương phải thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng phát hiện F0 để có hướng cách ly, điều trị phù hợp, hạn chế tốc độ lây nhiễm của dịch.
Đến thời điểm này, dù còn một số ý kiến trái chiều, nhưng xét cả về phương diện dịch tễ học lẫn quản trị xã hội, xét nghiệm tầm soát COVID-19 ở các vùng có nguy cơ cao đã phát huy hiệu quả.
Việc tầm soát xét nghiệm giúp phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, tránh việc giãn cách kéo dài trên phạm vi rộng. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Đơn cử như cách làm quyết liệt, thần tốc của Hà Nội trong việc tầm soát diện rộng mà Hà Nội đã sàng lọc được các ca mắc trong cộng đồng, khoanh vùng, cách ly các địa điểm có nguy cơ cao. Nhờ đó, mà từ 6h ngày 21/9, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách, nhiều cơ sở sản xuất, dịch vụ đã bắt đầu có thể mở cửa hoạt động trở lại với các yêu cầu chống dịch cụ thể.
Việc tầm soát xét nghiệm giúp phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, tránh việc giãn cách kéo dài trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhờ quyết liệt tầm soát và nắm bắt được tình hình lây nhiễm thực tế trong cộng đồng, một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án lên kịch bản ứng phó và sống chung với dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế…
Tuy nhiên, ở một số nơi, một số thời điểm, công tác xét nghiệm tầm soát vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, quyết liệt, dẫn tới việc bỏ lọt F0 trong cộng đồng, gây khó khăn cho địa phương trong kiểm soát nguồn lây và khoanh vùng hiệu quả, kịp thời.
Trước tình hình đó, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Công điện 1436 ngày 19/9/2021 gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 về việc quán triệt công tác xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội
Công điện nêu rõ: đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, địa phương phải xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần một tuần, ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0, nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Các địa bàn còn lại thực hiện xét nghiệm 5-7 ngày/lần... Trước đó, trong Công điện 1409 gửi các địa phương, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR)…
Phân tích lý do thực hiện thần tốc xét nghiệm diện rộng, Công điện 1409 ngày 15/9 nêu rõ, biến thể Delta lần này có đặc điểm sinh học rất khác biệt so với các biến chủng trước đây, tỉ lệ lây nhiễm bệnh rất cao, một người có thể lây sang 9-10 người, chu kỳ lây nhiễm ngắn, chỉ sau 48 giờ nhiễm virus, lượng virus đã có thể phát triển rất nhanh và lây cho người khác. Đặc biệt, trong thực tế, bệnh nhân có thể lây cho người khác mà không có dấu hiệu triệu chứng.
Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tất cả các đơn vị triển khai thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, để nhanh chóng phát hiện các ca bệnh, từ đó triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa hay giãn cách kéo dài trên diện rộng, đồng thời thực hiện chăm sóc điều trị người bệnh một cách phù hợp.
Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 1436 của Bộ Y tế, các địa phương cần có cách tiếp cận bài bản, khoa học hơn trong công tác xét nghiệm sàng lọc.
Trước hết, mỗi địa phương cần tính toán, tổng hợp được nhu cầu và tần suất xét nghiệm trên địa bàn của mình, từ đó mới lên được phương án chủ động về cơ số sinh phẩm, máy móc, nhân lực xét nghiệm. Vì là biện pháp mang tính chiến lược nên các địa phương cần tính cả nhu cầu tới cuối năm 2021 và những tháng tiếp theo trong năm 2022. Nếu có khó khăn thì cần khẩn trương báo cáo Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để được hỗ trợ kịp thời.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng cần tổng hợp được nhu cầu trên toàn quốc, nắm bắt được bức tranh toàn cảnh, căn cứ vào đó để tiếp tục kêu gọi các nguồn tài trợ, xã hội hoá hoặc chủ động mua sắm tập trung sinh phẩm, vật tư, thiết bị xét nghiệm, có đầy đủ cơ số dự phòng để kịp thời điều phối, phân bổ cho các đầu mối trong tình huống cần thiết.
Bộ Y tế cũng cần hướng dẫn các địa phương chủ động, khẩn trương hơn nữa trong công tác tìm kiếm và tiếp cận nguồn sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR và các bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên chất lượng cao, giá thành hợp lý nhất trên thị trường để sẵn sàng cho mọi tình huống, tránh bị động như thời gian qua.
Chính phủ và Bộ Y tế cũng cần tiếp tục kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tài trợ và/hoặc tham gia mua sắm, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm theo hình thức xã hội hoá và phi lợi nhuận để giúp ngành y tế giảm tải gánh nặng và áp lực về nguồn cung. Để cách làm này hiệu quả và bền vững, cần phải có biện pháp và cơ chế tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp tham gia không bị rơi vào tình huống “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.
Theo phản ánh, thời gian qua, có tình trạng một số doanh nghiệp lớn trong nước đã trợ giá để mua sẵn số lượng lớn các kit xét nghiệm chất lượng cao, mức giá thấp nhưng lại chưa có cơ chế thuận lợi để đưa được sản phẩm đến với các địa phương vốn đang rất cần nguồn sinh phẩm quý giá này, dù doanh nghiệp tham gia cung ứng hoàn toàn trên tinh thần phi lợi nhuận. Việc khuyến khích và áp dụng tốt mô hình xã hội hoá này ngoài việc giúp ngành y sẵn sàng nguồn sinh phẩm dự phòng, ngoài ra còn có thể tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và nguồn lực chống dịch của toàn xã hội.
Để tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, áp dụng không thống nhất, không triệt để các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế như đã từng diễn ra ở một số nơi trong thời gian qua, công tác xét nghiệm sàng lọc cần được tổng kết, rút kinh nghiệm hàng ngày ở từng đầu mối, kết quả cần được tổng hợp báo cáo đến đầu mối là Bộ Y tế; Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, cần có các quy định, chế tài cụ thể hơn nữa nhằm đảm bảo việc thực hiện thống nhất các chỉ đạo chống dịch. Làm sao để việc tầm soát xét nghiệm COVID-19 được thực hiện hiệu quả, phát hiện, khoanh vùng sớm, cùng với đó là tiêm chủng thần tốc để góp phần sớm đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch COVID-19.