Xét tuyển học bạ vào ĐH: Cùng trường điểm chuẩn chênh nhau hơn 10 điểm

23/07/2022 06:55
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn vào điểm chuẩn xét học bạ của một số trường đại học phía Nam vừa công bố xuất hiện tình trạng ngành điểm cao vút, ngành chỉ cần đạt trên trung bình.

Ngành hot điểm chuẩn cao vút

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minhcông bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức tuyển học bạ đợt 1 năm 2022.

Theo đó, điểm chuẩn của 31 ngành/chuyên ngành thuộc chương trình đào tạo đại trà dao động từ 18 đến 29 điểm. Trong đó, điểm chuẩn cao nhất vào ngành Logistics và chuỗi cung ứng (chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng) lấy 29 điểm; kế đến ngành Logistics và chuỗi cung ứng (chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức) lấy từ 28,5 điểm.

Thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển đại học (ảnh minh hoạ: L.P)

Thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển đại học (ảnh minh hoạ: L.P)

Ngược lại, điểm chuẩn thấp nhất là 18 vào chuyên ngành Luật và chính sách hàng hải, chuyên ngành Cơ điện tử cùng thuộc ngành Khoa học hàng hải; chuyên ngành Xây dựng và quản lý cảng – công trình giao thông thuỷ thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ.

Như vậy, mức chênh lệch giữa ngành cao nhất và thấp nhất của các ngành thuộc chương trình đại trà lên đến hơn 10 điểm.

Trong khi đó, điểm chuẩn của 23 ngành/chuyên ngành thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao chỉ từ 18 đến 22 điểm.

Được biết, điểm xét tuyển học bạ bằng tổng điểm trung bình môn học của 5 học kỳ (học kỳ I, học kỳ II lớp 10; học kỳ I, học kỳ II lớp 11 và học kỳ I lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và cộng điểm ưu tiên (nếu có).

Tương tự, hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minhcũng công bố kết quả xét tuyển vào đại học chính quy năm nay (phương thức 3 đến phương thức 6 theo đề án tuyển sinh của trường).

Theo đó, nhiều ngành chỉ xét tuyển phương thức 4 ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi với điểm chuẩn học bạ rất cao như ngành Logistics và chuỗi cung ứng lấy 28,9 điểm, ngành Marketing lấy 28,7 điểm, ngành Kinh doanh quốc tế: 28,5 điểm, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Tài chính –ngân hàng: 27,5 điểm.

Ngược lại, các ngành như Công tác xã hội và ngành Công nghệ sinh học (hệ điểm chuẩn học bạ chỉ là 18 điểm. Các ngành có điểm chuẩn khá thấp khác như ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (hệ đại trà và hệ chất lượng cao), ngành Quản lý xây dựng lấy mức 21 điểm; ngành Đông nam á học điểm chuẩn học bạ là 22 điểm.

Cùng một trường nhưng điểm chuẩn ngành cao vút, phải đạt trung bình trên 9,6 điểm mỗi môn mới đạt, nhưng ngược lại có ngành chỉ cần 6 điểm/môn là trúng tuyển.

Liên quan đến việc điểm chuẩn xét học bạ nhiều ngành tăng mạnh, một cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng “Rõ ràng, một ngành học năm nay xét tuyển rất nhiều phương thức trong đó có phương thức xét học bạ. Theo tỉ trọng của từng phương thức trong tổng chỉ tiêu, cộng thêm ngành hot, trường hot thì tỷ lệ chọi phải ngất ngưỡng dẫn đến điểm chuẩn phải cao. Còn ngược lại, nó sẽ thấp”.

“Thực tế, câu chuyện điểm chuẩn học bạ này chỉ mang tính tham khảo, tỉ lệ ảo cũng còn khá lớn nên chưa thể căn cứ vào đó mà nói cao hay thấp được. Kết quả chính thức phải chờ sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể chính xác”, vị cán bộ này nói thêm.

Điểm chuẩn vừa phải do chỉ tiêu dồi dào?

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn ba phương thức xét tuyển sớm gồm xét tuyển học bạ trung học phổ thông và điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Một thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ tại một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh hoạ: L.P)

Một thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ tại một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh hoạ: L.P)

Ở phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn dao động 650 - 900 trong đó ngành Dược cao nhất là 900 điểm. Các ngành khác có điểm chuẩn cao là Quản trị kinh doanh, Digital Marketing, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô với 800 điểm; Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ Anh, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng, Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thú y, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học với 750 điểm.

Các ngành còn lại có điểm chuẩn dao động 650 - 700 điểm. So với năm 2021, số lượng ngành có mức điểm chuẩn cao từ 750 - 900 điểm tăng đáng kể, nhiều ngành có điểm chuẩn tăng 100 - 200 điểm.

Trong khi đó, với hai phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông, mức điểm chuẩn cao nhất là 24 cũng vào ngành Dược. Ngoài hai ngành Điều dưỡng và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học cùng có điểm chuẩn là 19,5 điểm thì tất cả các ngành còn lại chỉ lấy mức 18 điểm.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương - Phó Trưởng phòng Truyền thông của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng biết: “Mức điểm chuẩn này có được căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu nhất là dựa vào chỉ tiêu từng ngành theo từng phương thức xét tuyển và lượng thí sinh nộp hồ sơ vào. Thường trong đợt xét tuyển đầu tiên, nhà trường sẽ lấy mức điểm chuẩn vừa phải, các đợt sau thì điểm chuẩn tăng mạnh”.

Cũng theo ông Phương, không như các trường đại học khác xét tuyển với nhiều phương thức xét tuyển với các chỉ tiêu phân theo tương ứng, nhà trường dành phần lớn chỉ tiêu để xét bằng kết quả học bạ (chiếm khoảng 50% trong tổng chỉ tiêu) do vậy không xảy ra tình trạng điểm chuẩn bị đẩy cao.

Lê Phương