Xin đừng đòi hỏi giáo viên cốt cán chỉ biết cống hiến mà không đãi ngộ xứng đáng

04/05/2021 06:44
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu cứ cảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì không chỉ giáo viên cốt cán mà nhiều giáo viên khác trong trường có giáo viên cốt cán cũng cảm thấy thiệt thòi

Giáo viên cốt cán là gì?

Khoản 9 Điều 3 Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT định nghĩa:

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: etep.moet.gov.vn.Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: etep.moet.gov.vn.

Giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán là giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông có phẩm chất đạo đức tốt; hiểu biết về tình hình giáo dục;

Có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt; có uy tín trong tập thể nhà trường; có năng lực tham mưu, tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắt, chia sẻ đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp.

Giáo viên cốt cán hiện là người có vị trí quan trong trong đội ngũ giáo viên nhằm giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp cùng phát triển trong công việc.

Những công việc thường làm của giáo viên cốt cán hiện nay

Nhiệm vụ quy định cho giáo viên cốt cán trong Thông tư 20 thì khá nhiều, tuy nhiên điều thấy rõ nhất trong giai đoạn triển khai chương trình mới hiện nay giáo viên cốt cán phải làm là:

Thứ nhất, giáo viên cốt cán thường xuyên đi tập huấn chương trình mới ở tỉnh xa với thời gian đi ít nhất là vài ngày/lần.

Thứ hai, giáo viên cốt cán đi họp chuyên môn, tham gia các hội đồng góp ý, bình chọn sách giáo khoa.

Thứ ba, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp về việc thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng internet; về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hàng năm của ngành;

Thứ tư, chấm bài trong các mô-đun (module) của giáo viên trong việc học bồi dưỡng chương trình mới. Mỗi giáo viên cốt cán phải phụ trách để chấm bài từ 20 đến 30 giáo viên.

Làm thêm việc, dạy thêm giờ đều không công

Dù phải đảm nhận nhiều công việc như thế nhưng giáo viên cốt cán không có thêm một chế độ gì động viên khuyến khích họ. Do giáo viên cốt cán không có chế độ nên giáo viên dạy thay cũng chỉ là hỗ trợ thôi.

Hoặc, đã đi tập huấn, đi học tập nhưng khi xong phải về dạy trả tiết cho giáo viên khác đã dạy cho mình dẫn đến phải làm gấp đôi công việc. Ai sẽ dạy cho giáo viên cốt cán mỗi khi đi làm nhiệm vụ?

Giáo viên cốt cán vẫn làm những nhiệm vụ của một giáo viên bình thường nên vẫn phải đảm bảo các tiết dạy chuẩn theo quy định. Giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần.

Bởi thế, mỗi khi được điều động đi làm nhiệm vụ khác ngoài giảng dạy, giáo viên cốt cán phải nghỉ dạy để thực hiện nhiệm vụ.

Thời gian được ngành điều động đi làm nhiệm vụ không phải là ít, mỗi lần đi ít nhất vài ba ngày, có khi đi đến cả tuần.

Mỗi tuần giáo viên cốt cán cũng có ít nhất từ 17 tiết đến 23 tiết chuẩn (tùy từng bậc học) ai sẽ dạy đây?

Đương nhiên nhà trường sẽ phải điều động giáo viên dạy thay nhưng không phải kiểu phân công buộc phải dạy vì không có tiền trả tăng tiết mà động viên các thầy cô giáo dạy hỗ trợ, dạy giúp đỡ.

Đã có nhiều thắc mắc từ phía giáo viên về sự vô lý ấy. Giáo viên cốt cán đang đi làm một công việc chuyên môn khác thì các tiết dạy ở trường phải được miễn giảm, sao có thể bắt các giáo viên khác gánh thay?

Giáo viên dạy không công nên không mặn mà, nhà trường cũng khó phân công

Hiện giáo viên cốt cán đi tập huấn hay đi tham gia các buổi họp chuyên môn thì người dạy thay những tiết học ấy không có quyền lợi gì. Bởi thế, nhà trường không thể điều động giáo viên khác dạy thay vì điều động là phải trả tiền dạy thêm giờ.

Thế là, có 2 cách các trường học thường áp dụng. Đó là, nhà trường huy động sự trợ giúp của nhiều giáo viên khác trong trường dạy dùm các tiết dạy của giáo viên cốt cán.

Các giáo viên khác đã dạy đủ tiết chuẩn của mình phải dạy thêm những tiết của giáo viên cốt cán cũng khá vất vả. Có giáo viên bậc trung học cơ sở tan trường buổi sáng lúc 11 giờ 30 phút, về đến nhà 12 giờ trưa và chỉ kịp ăn uống qua loa là đến tiết dạy buổi chiều.

Dạy không công kiểu này, đa phần giáo viên không vui vẻ gì nên khi được phân công dạy thay thì ai cũng thấy ngao ngán.

Giáo viên dạy thay không vừa lòng thì nhà trường cũng khó xử. Vì thế, có trường chọn cách dạy đổi tiết, đổi buổi.

Nghĩa là thầy cô giáo A, B…dạy cho giáo viên cốt cán, khi đi công tác về, sau đó giáo viên cốt cán phải dạy trả lại. Cách làm này, giáo viên cốt cán phải làm việc gấp đôi bình thường cũng khá mệt mỏi.

Đề xuất chế độ cho giáo viên cốt cán

Thứ nhất, giáo viên cốt cán đi học tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, tham gia các công tác về chuyên môn do ngành điều động thì giáo viên dạy những tiết học của giáo viên cốt cán phải được tính là tiết dạy tăng thêm cho những giáo viên dạy thay ở nhà.

Có thế, khi được phân công dạy cho giáo viên cốt cán, các thầy cô giáo sẽ dạy với tâm thế vui vẻ và tiết dạy mới đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, cần có tiết miễn giảm trong tuần để giáo viên cốt cán có thêm thời gian nghiên cứu, học tập và hỗ trợ giáo viên, chấm các mô-đun (module) bồi dưỡng thường xuyên trong việc thực hiện chương trình mới một cách nhiệt tình và có trách nhiệm hơn.

Nhiệm vụ phải đi kèm quyền lợi, nếu cứ cảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như hiện nay thì không chỉ giáo viên cốt cán mà nhiều giáo viên khác trong trường có giáo viên cốt cán cũng cảm thấy thiệt thòi. Và như thế thì sợ rằng, hiệu quả công việc của giáo viên cốt cán cũng như những tiết dạy hỗ trợ của đồng nghiệp sẽ không cao.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên