Xóa bỏ tệ “ngăn sông cấm chợ”: Cần đưa cao đẳng trở lại bậc giáo dục đại học

04/06/2024 06:24
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trong phát triển kinh tế từ 40 năm trước, Nhà nước đã kiên quyết xóa bỏ tệ “ngăn sông cấm chợ”, mà sao giáo dục hôm nay lại “ngăn sông cấm chợ”?

Vừa qua, tại Quảng Nam, gần 100 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo một số cơ quan trung ương đã có dịp cùng thảo luận, trao đổi về các vấn đề bức thiết liên quan đến sự phát triển của hệ thống giáo dục cao đẳng thông qua hội thảo “Cao đẳng: Thực trạng và giải pháp”.

Nhân lực trình độ cao là yếu tố quan trọng bậc nhất để trở thành nước công nghiệp phát triển

GDVN_MG_9808.jpg
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Doãn Nhàn

Tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá việc đào tạo cao đẳng đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn đang hết sức khó khăn, cả về phương hướng, quy mô, loại hình, quản lý, quản trị, chủ quản, chính sách,...

Trước một số ý kiến cho rằng nước ta đang rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng điều này là chưa chính xác. Thực tế, các nước công nghiệp phát triển có tỷ lệ lao động cao đẳng và đại học gấp 2 lần nước ta. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao, như vậy thì việc đào tạo cao đẳng và đại học ở nước ta ít nhất phải gấp 2 lần hiện nay (nếu nói về số lượng) thì mới bảo đảm điều kiện để hoàn thành chiến lược công nghiệp hóa.

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, tiêu chí quan trọng nhất để trở thành một nước công nghiệp là cơ cấu lao động. Hiện nay, cơ cấu lao động trình độ cao đẳng, đại học ở nước ta còn ít. Theo thống kê năm 2021, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (50,561 triệu) ở nước ta thì 73,9% không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, 6,8% qua dạy nghề, 4,1% trung cấp, 3,6% cao đẳng và 11,7% đại học.

“Như vậy lao động giản đơn của nước ta đang chiếm khoảng 74%, cũng có nghĩa chúng ta đang và sẽ rơi sâu hơn vào bẫy thu nhập trung bình thấp”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhận định. Và theo ông, sẽ rất khó để nước ta có thu nhập cao hơn nếu vẫn duy trì cơ cấu lao động như hiện nay.

“Vì vậy, câu chuyện cao đẳng và đại học là câu chuyện công nghiệp hóa, câu chuyện thu nhập cao hay không”, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Ngọc Hoàng nói.

Dẫn thực tiễn kinh nghiệm quốc tế, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho biết, các nước phát triển trên thế giới khi tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa thì cũng đồng thời đẩy mạnh giáo dục cao đẳng.

Với các nước thực hiện công nghiệp hóa, ở giai đoạn đầu số lao động có trình độ cao đẳng sẽ nhiều hơn lao động có trình độ đại học. Khi phát triển đến giai đoạn cao hơn, lúc này lao động trình độ đại học sẽ nhiều hơn cao đẳng.

Chủ tịch Hiệp hội Vũ Ngọc Hoàng lưu ý, thế giới hầu như cao đẳng đều thuộc hệ thống giáo dục đại học, đó là bậc học đầu tiên trong 4 bậc học của giáo dục đại học, bao gồm: cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, cao đẳng là cầu nối giữa trung học và đại học.

gdvn (1).JPG
Hội thảo “Cao đẳng: Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Trường Cao đẳng THACO tổ chức diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua.

Đừng thiết kế chương trình cao đẳng mà đến đó các em “tắc đường”

Sau trung học phổ thông hoặc trung học phổ thông định hướng nghề nghiệp, người học có thể học tiếp cao đẳng. Kết thúc đào tạo cao đẳng, người học có thể chọn đi làm ngay hoặc học tiếp lên bậc đại học, hay cũng có thể lựa chọn đi làm một thời gian ít năm, khi nào muốn hoặc có đủ điều kiện lại tiếp tục học cho xong đại học (có thể theo cách học thêm một số tín chỉ).

“Đừng thiết kế chương trình cao đẳng mà đến đó các em “tắc đường”, dẫn các em đi vào con đường cụt, không để các em hiểu nhầm sẽ có đường liên thông lên nhưng thực tế lại không có, như vậy là đánh lừa, phản giáo dục. Đây là trách nhiệm, là đạo đức, là giáo dục”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đặc biệt lưu ý vấn đề truyền thông về khả năng liên thông khi tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Hệ cao đẳng chủ yếu đào tạo các kỹ thuật viên cao cấp, các chuyên viên kỹ thuật, chuyên viên khác ở trình độ tương đương. Chương trình đào tạo bao gồm cả lý thuyết và thực hành, gắn phương châm học với hành. Trong đó, thực hành để biết việc làm, và lý thuyết giúp người học hiểu tại sao phải làm như thế. Cần phải dạy song song đồng thời lý thuyết và thực hành.

Trước xu hướng đa dạng sau phổ thông, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về việc đa dạng hóa như vậy thì có nhất thiết phải thống nhất quản lý nhà nước không?

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh, trước tiên, quản lý nhà nước khác với chủ quản. Quản lý nhà nước bao gồm tham mưu về luật pháp và thanh tra thực hiện có đúng luật hay không. Trong khi đó, một thực tế hiện nay ở nước ta là tập trung quan tâm ai “làm chủ quản", nhiều người thích giữ chủ quản, giữ cửa để bắt tất cả mọi việc phải "qua cửa này để xét duyệt". Nói đa dạng hóa là bao gồm trong và ngoài hệ thống giáo dục quốc dân. Còn riêng hệ thống giáo dục quốc dân thì phải cần bảo đảm thống nhất đầu mối quản lý nhà nước, không phá vỡ tính hệ thống.

Lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, chủ quản là chuyện vì người lớn, không phải vì trẻ em. Còn chuyện giáo dục là vì trẻ em, không phải vì người lớn. Thực tiễn cho thấy, việc phân mảnh nhiều đầu mối quản lý làm mất đi tính hệ thống, từ đó khó thực hiện liên thông và đào tạo nối tiếp.

“Trong phát triển kinh tế từ 40 năm trước, Nhà nước đã kiên quyết xóa bỏ tệ “ngăn sông cấm chợ”, mà giáo dục hôm nay lại vẫn “ngăn sông cấm chợ”?”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng trăn trở, và kiến nghị Nhà nước cần xem xét khôi phục trình độ cao đẳng thuộc bậc giáo dục đại học.

Định hướng về việc hoàn thiện hệ thống giáo dục cao đẳng

Ở nước ta hiện nay đang có 2 loại cao đẳng. Một cao đẳng có thể liên thông lên đại học và một cao đẳng không liên thông lên đại học được. Loại thứ 2 này tuy cũng gọi là cao đẳng nhưng thực ra chưa phải là cao đẳng. Định hướng hoàn thiện cho hệ thống cao đẳng nghề nên thế nào, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Ngọc Hoàng đưa ra một số giải pháp.

Thứ nhất, nên thiết kế chương trình đào tạo cao đẳng liên thông được với các trường đại học. Và nên đưa loại cao đẳng này trở về thuộc giáo dục đại học. Với các chương trình chưa thiết kế liên thông được với giáo dục đại học thì nhà trường cần phải thông báo rõ với học sinh biết khi tuyển sinh, đừng để các em bị nhầm lẫn.

Thứ hai, quản lý cao đẳng cũng phải được tự chủ hoàn toàn như đại học, cần phân tầng trong quản lý, quản trị.

Phân tích thêm, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng bác bỏ quan điểm cho rằng nước ta nhỏ nên không cần phân tầng trong quản lý đại học, cao đẳng. Theo ông, Việt Nam không phải là nước nhỏ, mà thực tế lớn hơn nhiều nước ở châu Âu, và cả một số cường quốc (nếu nói về quy mô dân số).

Nhưng điểm trọng tâm không phải lớn hay nhỏ, vấn đề là có nhiều cấp trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp trung ương tới cấp cơ sở. Vấn đề phân cấp trong quản lý cũng đã được đề cập trong Nghị quyết trung ương và trong cả trong luật. Cho nên, cao đẳng nên phân tầng chủ yếu cho địa phương quản lý, ngay cả đại học cũng cần phân tầng một bộ phận cho địa phương quản lý.

Với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh, vai trò của sư phạm vẫn còn rất lâu dài.

Nhiều ý kiến cho rằng ngày nay, với sự chuyển đổi từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực của người học, liệu có cần thầy cô giáo nhiều như trước đây, nhất là khi có công nghệ thông tin phủ sóng mạnh mẽ như hiện nay.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, người thầy dạy cho học trò phát triển năng lực khó hơn truyền thụ kiến thức, điều đó khẳng định vai trò của sư phạm vẫn còn lâu dài và mãi mãi. Cho nên, với các trường cao đẳng sư phạm, cần tạo điều kiện cho các trường tồn tại, đừng nghĩ đến chuyện sáp nhập hay giải thể. Tạo điều kiện để các trường tự trưởng thành, phát triển thành các đại học đa ngành của cộng đồng, địa phương. Trong đó, sư phạm đóng vai trò là ngành đào tạo chính.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Ngọc Hoàng cho rằng nên để các trường cao đẳng sư phạm tiếp tục đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở như trước đây. Bởi so với các trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm vốn có kinh nghiệm đào tạo giáo viên cấp 1,2 nhiều hơn. Về phía người học chỉ cần học bổ sung thêm một số tín chỉ theo chương trình liên thông với đại học để thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên phổ thông ở trình độ đại học.

Ngoài ra, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng kiến nghị nên đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bao gồm công lập, dân lập, tư thục, bán công (theo tính chất sở hữu), hoặc vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận (theo mục tiêu hoạt động).

Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh quan điểm không được thương mại hoá giáo dục. Bởi theo ông, "nếu thương mại hóa giáo dục thì giáo dục không còn là giáo dục, khi giáo dục không còn là giáo dục thì con người cũng sẽ không còn là con người!"

Cho nên, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng với những yếu tố không vì lợi nhuận thì phải tạo điều kiện cho nó phát triển, lớn dần lên; mặt khác vẫn phải có hình thức phát triển trường tư thục có phân chia lợi nhuận vì điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước và của xã hội mang tính không vì lợi nhuận còn hạn chế (tất nhiên là nên quản lý theo hướng hạn chế lợi nhuận siêu ngạch từ hoạt động giáo dục và khuyến khích tinh thần của nhà đầu tư chia sẻ khó khăn của học sinh và giúp đở học sinh nghèo, học sinh giỏi).

Bên cạnh đó, chú ý cơ chế khuyến khích các loại trường ngoài công lập trích ra một phần trong thu nhập sau khi đã trừ chi phí cho quỹ tích lũy không chia thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng trường, để yếu tố không vì lợi nhuận trong giáo dục lớn dần lên.

“Bản thân giáo dục là vì chất lượng. Chất lượng ở đây chính là con người, ngay cả vấn đề số lượng trong giáo dục cũng là số lượng để nói lên chất lượng”, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Ngọc Hoàng khẳng định lần nữa quan điểm không thương mại hoá giáo dục – nếu để giáo dục bị thương mại hóa thì trước sau gì cũng sẽ phải trả giá đắt, thậm chí là tại họa lớn.

Còn nhiều điểm nghẽn trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định, chất lượng hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng trong những năm qua đã được nâng lên.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng thừa nhận, phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

gdvn (2).jpg
Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Về tuyển sinh, ông Bình thừa nhận công tác này hiện đang gặp khó khăn, một trong những lý do chính là bởi “luồng vào đại học rất dễ dàng”.

Đề cập đến một số điểm nghẽn khác, Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình cho hay đối với hệ 9+ (vừa học nghề, vừa học văn hóa), học sinh nếu muốn có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để liên thông lên trình độ đại học bắt buộc phải học thêm các môn văn hóa (7 môn) tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Theo Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, mặc dù pháp luật không cấm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy văn hóa trung học phổ thông, nhưng theo Luật Giáo dục 2019, các trường nghề chỉ được dạy 4 môn văn hóa. Với chương trình này, học sinh chỉ có thể liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Trong khi đó, các trường nghề có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên,... đáp ứng việc giảng dạy các môn văn hóa.

Đây cũng là vấn đề đã được bàn luận trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Về vấn đề liên thông, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã có đầy đủ hết các nội dung từ liên thông, khung trình độ quốc gia, chuẩn đầu ra các trình độ. Đặc biệt quan trọng là các trường đại học đã thực hiện tự chủ.

Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình nhận định vấn đề liên thông nằm ở việc tự chủ của các trường, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động của các hiệu trưởng. Cụ thể, lãnh đạo các trường cần chủ động, cố gắng phối hợp đào tạo liên thông ngang (người học chuyển ngành, nghề đào tạo cùng bậc trình độ) và liên thông dọc (người học chuyển từ trình độ này sang trình độ khác trong cùng hoặc khác cấp học).

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đề cập đến một số băn khoăn trong vấn đề sử dụng lao động khi hiện nay. Cụ thể, ở khối công chức, viên chức, và dư luận trong xã hội, tất cả các vị trí việc làm đều yêu cầu trình độ từ đại học lên hết. Trong khi đó, ông Bình cho rằng không phải tất cả các công việc đều cần đến trình độ đại học. Người học các trình độ khi được đào tạo đều phải được công nhận, và có vị thế tương xứng. Vì vậy, Phó tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng đây cũng là một điểm nghẽn cần bàn bạc kỹ lưỡng hơn.

Cuối cùng, Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá, các vấn đề kể trên đều là những vấn đề mang tính liên ngành. Vì vậy, ông Bình cho biết Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp các đơn vị liên quan, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo để kết nối chia sẻ dữ liệu một cách khoa học, cùng khắc phục các điểm nghẽn còn tồn tại.

Doãn Nhàn