Tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa đủ 18 tuổi, người học “không biết đi đâu về đâu”

01/06/2024 06:58
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa đủ 18 tuổi, vì vậy người học có 1 năm “không biết đi đâu về đâu”.

Đây là một trong những vấn đề bất cập tồn tại trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp được nêu ra tại hội thảo “Cao đẳng – thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Trường Cao đẳng THACO tổ chức ngày 31/5.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn, tâm huyết nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hệ thống các trường cao đẳng.

Vì sao trường đại học không được đào tạo cao đẳng?

GDVN (3).jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Phong - Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: DN

Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Phong - Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang cho biết, trong hệ thống giáo dục Văn Lang, bên cạnh trường đại học còn có trường cao đẳng (Trường Đại học Văn Lang và Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn - VLSC).

Điều này giúp duy trình tính liên tục trong đào tạo. Bên cạnh đó, đây cũng là yếu tố quan trọng giúp cho sinh viên có động lực, hứng thú tiếp tục học tiếp từ bậc cao đẳng lên đại học.

Phó giáo sư Phạm Thanh Phong khẳng định, hệ thống các trường cao đẳng mặc dù chiếm tỷ lệ không nhiều, nhưng giải quyết rất tốt về vấn đề việc làm và đào tạo lại.

Đơn cử mô hình đào tạo của Trường Cao đẳng THACO, theo thầy Phong, cả phía nhà trường, doanh nghiệp và người học đều có lợi. Cụ thể, sinh viên khi ra trường đảm bảo sẽ có việc làm ngay đồng thời về phía nhà tuyển dụng cũng tiết kiệm được thời gian, chi phí đào tạo lại nhân lực.

Bàn thêm về vấn đề liên thông trong đào tạo, vị Viện trưởng nêu băn khoăn: Vì sao trường đại học không được đào tạo cao đẳng? Trong khi đó, thông thường ở bậc đại học, đặc biệt các ngành đào tạo kỹ thuật thì năng suất sử dụng hệ thống các trang thiết bị phục cho sinh viên không quá nhiều. Từ đó, Phó giáo sư Phạm Thanh Phong đề xuất có thể kết hợp số lượng trang thiết bị này phục vụ cho công tác đào tạo cao đẳng.

“Nếu kết hợp được 2 vấn đề này, các trang thiết bị phục vụ dạy học sẽ được sử dụng tối đa công suất, từ đó chi phí đầu tư cũng được giảm dần. Ngoài ra, điều này cũng giúp đảm bảo được tính liên thông và thực hiện chủ trương học tập suốt đời trong giáo dục”, thầy Phong nhấn mạnh.

Trường cao đẳng gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển sinh và đào tạo

GDVN (2).jpg
Thạc sĩ Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO. Ảnh: DN

Tính liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo cũng là một trong những nội dung được Thạc sĩ Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO đề cập trong phần chia sẻ của mình tại hội thảo.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO cho biết, từ năm 2010, THACO đã thành lập Trường Cao đẳng THACO để chủ động về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển của THACO.

Với lợi thế là trường thuộc doanh nghiệp, nên trong thời gian đào tạo, học sinh, sinh viên của trường được thực hành, thực tập trực tiếp tại các nhà máy, các trung tâm bảo trì sửa chữa của THACO ở các tỉnh thành trên cả nước, học sinh, sinh viên được sự hướng dẫn của các chuyên gia, kỹ sư, thợ lâu năm.

Trong chương trình và kế hoạch đào tạo của trường, tỷ lệ số giờ học lý thuyết chiếm không quá 30% và số giờ thực hành lên đến 70%; Ngoài thời gian thực hành tại các xưởng ở trường, học sinh, sinh viên còn được thực hành tại các nhà máy, các trung tâm bảo trì sửa chữa xe ô tô của THACO. Với cách làm này, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều làm được việc như mục tiêu đề ra.

Tuy vậy, cùng chung khó khăn của các trường cao đẳng của cả nước, Trường Cao đẳng THACO cũng gặp không ít những khó khăn trong quá trình tuyển sinh-đào tạo. Trong đó, vị lãnh đạo tiết lộ một số khó khăn nhà trường gặp phải như dù có nhu cầu tuyển dụng cao song một số ngành vẫn rất khó để tuyển sinh, hay khó tuyển dụng giáo viên như công nghệ ô tô, hàn, thú y,...

daotaonghe-1694600445996370580896.jpg
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Trao đổi thêm vấn đề mang tính hệ thống chung, Hiệu trưởng Phan Tiềm đề cập đến một số trăn trở, băn khoăn về vấn đề tuyển sinh, chất lượng nguồn nhân lực,...

Thứ nhất, theo thầy Tiềm, hiện nay chỉ tiêu tuyển sinh và cách xét tuyển vào các trường đại học đa dạng và yêu cầu đầu vào ở nhiều trường không cao, cùng với tâm lý muốn con có trình độ đại học của đại đa số phụ huynh thì số học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông đều chọn con đường vào học ở các trường đại học (công hoặc tư, trường ở trung ương hoặc ở địa phương). Điều này dẫn đến các trường cao đẳng khó tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông để học cao đẳng.

Thứ hai, chất lượng sinh viên học trình độ cao đẳng ở một số nơi không cao, nhiều em kiến thức phổ thông các môn cơ bản như: Toán, Vật Lý, Hoá học, Tiếng Anh yếu, không vững. Trong khi mục tiêu của sinh viên trình độ này là “phải thực hiện được công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc” (theo Điều 4 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014).

Bên cạnh đó, thầy Tiềm cho biết, với số sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng muốn liên thông lên trình độ đại học thì do trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng không có các môn học cơ bản như: Toán, Vật lý, Hóa học… nên khi học liên thông lên trình độ đại học các em sẽ bị thiếu kiến thức để học các môn chương trình tự học và các em phải học các môn này nên thời gian học liên thông kéo dài nhiều năm.

Thứ ba, với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trình độ trung cấp, vì muốn con em có thể có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để sau này có thể học liên thông lên trình độ đại học nên nhiều phụ huynh có nhu cầu con em phải học thêm các môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên trung học phổ thông. Mà theo quy định thì việc dạy các môn văn hóa phải do trung tâm giáo dục thường xuyên địa phương phụ trách.

Vì vậy, với học sinh ở các huyện xa trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ gặp khó khi thực hiện. Bên cạnh đó, thầy Tiềm cho hay qua thực tế, trong số học sinh này vừa học chương trình trung cấp nghề vừa học các môn văn hoá phổ thông, nhiều em không đủ sức để học một lúc hai chương trình đào tạo.

Cuối cùng, thầy Tiềm đề cập đến một bất cập khác đó là thời gian học của học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp trung cấp mà không học chương trình các môn văn hoá thì kết thúc chương trình trung cấp các em chưa đủ 18 tuổi. Vậy nên các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động không thể tiếp nhận số học sinh này vào làm việc, kể cả ở THACO. Và như vậy, sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em có 1 năm “không biết đi đâu về đâu”.

“Việc tháo gỡ khó khăn cho các trường cao đẳng phần lớn lệ thuộc vào các chủ trương ở cấp vĩ mô, chúng ta cần xem lại phân cấp quản lý các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục đã hợp lý chưa? Việc xây dựng chương trình liên thông từ cấp trình độ nghề nghiệp trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học đã khoa học, phù hợp chưa để thực hiện chủ trương học tập suốt đời của người lao động. Việc phân luồng vào học các trình độ có phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động các trình độ của các doanh nghiệp chưa?”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO đặt vấn đề.

Doãn Nhàn