Xóa lớp không chuyên trong trường chuyên: Lãnh đạo nhà trường nói gì?

12/03/2023 06:44
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mở lớp không chuyên trong trường chuyên nhằm khai thác cơ sở vật chất, đội ngũ. Song, theo một số hiệu trưởng, xóa lớp không chuyên không gây nhiều xáo trộn.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Trong đó, có yêu cầu không tổ chức lớp không chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên.

Theo đó, các lớp không chuyên đã tuyển sinh và tổ chức trong trường trung học phổ thông chuyên tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT cho đến khi học hết lớp 12. Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2023.

Liên quan đến bài toán nhân sự giáo viên, một số lãnh đạo trường trung học phổ thông chuyên cho rằng, quy định mới cơ bản tạo ra thuận lợi, tuy nhiên nhà trường cần thời gian nghiên cứu, xem xét để sắp xếp nhân sự phù hợp.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Cơ bản không nhiều xáo trộn

Bàn về vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Huyền – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, thông tư mới được ban hành nên nhà trường chưa nghiên cứu sâu trên cơ sở thực tế của trường.

Liên quan đến việc sắp xếp đội ngũ nhân lực giáo viên khi không tổ chức lớp không chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên, cô Phạm Thị Huyền cho biết, hiện nhà trường chưa đưa quy định tại thông tư mới vào vận dụng để phù hợp đối với tình hình của nhà trường nên chưa có kế hoạch triển khai cụ thể.

Tương tự, cùng trao đổi với phóng viên, cô Hồ Thanh An – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Lai Châu) chia sẻ, hiện nay toàn trường có 19 lớp (trong đó có 3 lớp không chuyên), mỗi lớp không quá 35 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên của trường là 61 nhân sự.

Về quy định mới tại Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT, theo cô Hồ Thanh An cho biết, việc bỏ lớp không chuyên đối với nhà trường không phải là vấn đề lớn. Vấn đề sắp xếp đội ngũ giáo viên cơ bản cần thêm thời gian để xem xét, nghiên cứu.

"Trên tinh thần năm 2023-2024, nhà trường vẫn tiếp tục tuyển sinh các lớp không chuyên theo đúng quy định của Bộ", cô Hồ Thanh An chia sẻ.

Còn thầy Nguyễn Hoàng Kim - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho rằng, quy định mới phù hợp với giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học. Những học sinh có năng lực thực sự thì học trường, lớp chuyên.

Về đội ngũ giáo viên, theo thầy Kim, trong trường chuyên có giáo viên dạy các môn không chuyên. Việc quy định mới xóa bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên có lẽ ảnh hưởng không nhiều đến đội ngũ nhà giáo.

Một năm học trường tổ chức hơn 10 lần sinh hoạt chuyên môn

Bàn về vấn đề này, thầy Trần Văn Hưng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, thông tư mới có hiệu lực từ 15/4, nhưng quy định bỏ lớp không chuyên áp dụng từ năm học 2024-2025. Do vậy, từ năm 2024 - 2025 các trường chuyên không tuyển sinh lớp cận chuyên.

Thầy Hưng cho rằng, việc không còn được mở lớp không chuyên trong trường chuyên cũng cần tính toán đến bố trí đội ngũ, chia số tiết dạy cho giáo viên như thế nào. Những trường có giáo viên chỉ dạy được các môn không chuyên thì phân công nhiệm vụ giảng dạy ra sao.

Cũng theo thầy Hưng, hiện trường có 39 lớp, 12 môn chuyên, với hơn 100 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Với quy định mới, việc thực hiện tổ chức sinh hoạt chuyên môn đối với tổ chuyên môn và tổ chức hội thảo chuyên đề đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng hàng năm có một số vướng mắc đối với nhà trường.

Tại khoản 7, Điều 9, Chương II Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên quy định: "Trong mỗi năm học, chủ trì tổ chức ít nhất 01 (một) lần sinh hoạt chuyên môn có mời giáo viên của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông khác tham dự nhằm chia sẻ những giải pháp, kết quả thực hiện của tổ chuyên môn trong việc nghiên cứu vận dụng hiệu quả chương trình giáo dục và các phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá tiên tiến trong nước và quốc tế".

"Quy định trên hướng đến mục đích tích cực nhằm chia sẻ, phát triển giáo dục và đào tạo, tuy nhiên, thực hiện theo đúng quy định trên thì trong 1 năm học nhà trường phải tổ chức tất cả hơn 10 lần sinh hoạt chuyên môn theo tổ chuyên môn.

Khắc phục khó khăn về khoảng cách, tận dụng công nghệ thông tin, mỗi lần tổ chức sẽ kết nối với các trường trung học phổ thông chuyên khác để bồi dưỡng chuyên môn theo hình thức trực tuyến. Điều này có một khó khăn là phụ thuộc vào hạ tầng kỹ thuật, chất lượng kết nối internet của các trường”, thầy Hưng cho biết.

Theo Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, ngoài bỏ lớp không chuyên, quy định mới cũng điều chỉnh việc tuyển bổ sung vào trường chuyên. Theo đó, các trường có thể tuyển sung học sinh cho cả ba khối, thay vì chỉ lớp 10 và 11 như quy định cũ. Học sinh có thể đăng ký thi tuyển bổ sung vào trường chuyên nếu có kết quả học tập, rèn luyện tốt trong năm học liền trước.

Thông tư mới không thay đổi cách tổ chức lớp chuyên. Các lớp vẫn được tổ chức theo môn học, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh. Dựa vào các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp của trường quyết định số môn và lớp chuyên

Ngọc Mai