Chúng tôi đến thăm gia đình em L. (học sinh lớp 10 – trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn – TP.HCM) tại xã Thới Tam Thôn – huyện Hóc Môn vào một ngày giữa tháng 11. Em L. được cho là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất của ngôi trường nằm ở huyện nghèo nhất TP.HCM này.
Thật bất ngờ, khi đến nơi, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy nơi ở của gia đình em L. (3 người) chỉ là một căn chòi lá tạm bợ, rách nát. Trong nhà không có bất cứ tài sản nào có giá trị, trừ chiếc tivi đã rất cũ kỹ.
Căn nhà của L. là một chòi lá ọp ẹp, tạm bợ, là nơi sinh sống của cả gia đình. |
Phụ huynh của em L., anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Năm nay, em chỉ mới học lớp 10 của trường Nguyễn Hữu Tiến, nhưng mỗi học kỳ, phụ huynh đã phải đóng nhiều tiền cho nhà trường, trung bình khoảng 1,6 triệu đồng.
Số tiền này bao gồm tiền học phí 2 buổi, và nhiều khoản thu ‘lạ’ khác của trường. Tuy nhiên, cả anh Hoàng và em L. khẳng định rằng, chỉ trừ tiền học phí là có biên lai, các khoản thu khác tại trường chưa bao giờ được phát biên lai, hoặc có biên lai nhưng không ghi mục đích thu cụ thể, nên chẳng ai nắm được số tiền đó sẽ được dùng vào việc gì, mà ‘chỉ biết đóng tiền khi nhà trường yêu cầu’.
Góc học tập của L. duy nhất chỉ có chiếc bàn nhỏ xíu nhưng đã cũ kỹ. |
Nói về hoàn cảnh gia đình mình, anh Hoàng bày tỏ: Anh và gia đình từ TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chuyển đến huyện Hóc Môn, TP.HCM sống được gần 2 năm nay.
Hàng ngày, do không có nghề nghiệp ổn định, nên anh Hoàng đã phải thuê gần 1.000m2 đất để trồng cây rau cải xanh, cải ngọt. Thu nhập từ vườn rau này hàng tháng đem về cho gia đình anh chỉ từ 2 – 3 triệu đồng.
“Trước đây, khi chị của L. chưa tốt nghiệp đại học, gia đình sống vô cùng chật vật khi phải nuôi cả 2 chị em ăn học. Nay thì chị của L. đã tốt nghiệp, đi làm ở tận huyện Côn Đảo, nhà chỉ còn mình L. đi học, nhưng với chỉ vườn rau, nguồn sống duy nhất của gia đình thì để có tiền đóng cho em đi học ở trường cũng cả là một vấn đề lớn lao” – anh Hoàng nói.
Vườn thuê để rau cải là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình em L. |
Cũng theo anh Hoàng, có nhiều khi nhà hết tiền, nhưng nhà trường hối thúc đóng tiền quá, nên anh buộc phải đi vay mượn tiền ở bên ngoài, để có tiền đóng học cho con.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng khẳng định rằng: Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn đến đến mức độ nào, anh luôn tâm nguyện sẽ lo cho con ‘học tới nơi tới chốn’ mặc dù phải đóng tiền rất nhiều.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, tại khối lớp 10 của trường Nguyễn Hữu Tiến cũng có một học sinh có hoàn cảnh rất đáng thương. Đó là em M..
Cha của em M. bỏ đi lấy vợ khác ở tận miền Tây. M. sống với mẹ và ông bà ngoại, nhưng cả gia đình không ai có nghề nghiệp, thu nhập ổn định. Hàng ngày, mẹ của M. phải đi bán khoai lang luộc ở ngoài chợ, ông ngoại của M. vì đã quá già, nên không còn khả năng lao động.
Để có tiền đóng cho nhà trường, phụ huynh em L. phải tần tảo sớm hôm trồng rau kiếm từng đồng. |
Thương con, thương cháu, bà ngoại của M. phải đi bán vé số, kiếm từng đồng một để đem về, phụ giúp thêm cho kinh tế của cả gia đình. Riêng đối với M., để có tiền phụ giúp mẹ đóng tiền học phí, cả những khoản thu ‘lạ’ cho nhà trường hàng ngày, sau giờ học, em M. phải đi làm thêm tới tận 22h đêm mới về tới nhà, học bài cho hôm sau.
Bản thân có bệnh tim, hen suyễn, khi đang ở lớp, M. thường xuyên bị xỉu đột ngột. Thời gian gần đây, do áp lực đóng tiền quá lớn, với nhiều khoản thu ‘lạ’ khác nhau từ phía nhà trường, M. thường xuyên có ý định tự tử ngay tại lớp học.
Bạn bè học cùng lớp với M. đã từng phát hiện ra học sinh này có ý định tự kết liễu cuộc đời mình, bằng cách uống thuốc trừ sâu, hay dùng dao lam cắt vào tay…
* Vì lý do bảo mật thông tin cá nhân, tên các nhân vật được nêu trong bài viết đều đã được thay đổi.