Xử lý nghiêm các hiệu trưởng lạm thu

02/08/2019 06:47
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.

Năm học mới 2019-2020 chuẩn bị bắt đầu.

Trong tháng 8, nhiều công việc, hoạt động nhà trường triển khai: tổ chức tuần tựu trường, phân công chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, họp phụ huynh, trong đó có việc thông báo, triển khai các khoản thu đầu năm học.

Nhiều cha mẹ bức xúc than phiền phải đóng quá nhiều khoản tiền cho lớp, cho trường, song lại chưa nắm rõ các quy định về khoản nào được và không được thu trong trường học.

Trước thực tế này, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn về các khoản thu-chi đầu năm học, để tuyên truyền tới phụ huynh, ngăn chặn tình trạng lạm thu.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường được phép thu học phí như sau: tiền dạy học thêm trong quy định, được thu hộ Bảo hiểm y tế theo Luật bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, nhà trường được thu những khoản tiền sau nếu có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh:

Tiền ăn bán trú được thu theo hàng tháng, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền mua học phẩm với trẻ mầm non, tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền đồng phục học sinh, quần áo thể thao, phù hiệu trường, thẻ học sinh...

Hiệu trưởng lạm thu phải bị xử lý nghiêm. (Ảnh minh hoạ trên Báo Hà Tĩnh)
Hiệu trưởng lạm thu phải bị xử lý nghiêm. (Ảnh minh hoạ trên Báo Hà Tĩnh)

Nhiều khoản tiền không được phép thu

Theo Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Tú Khánh (trả lời trên báo Lao động), Thông tư 55 của Bộ quy định rõ Ban cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi cho việc quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học.

Có điều hiện nay, nhiều cha mẹ chưa nắm được, kể cả những người nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu một số khoản nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu quy định tại Thông tư 55 như sau:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; 

Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; 

Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Hà Nội cấm thu 7 khoản tiền của học sinh
Hà Nội cấm thu 7 khoản tiền của học sinh

Việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều năm nay, việc huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh, các nhà tài trợ.

Thực tế là có nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt và thực sự muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy- học cho các con.

Nhưng, bên có vẫn còn rất nhiều những nhiều phụ huynh khó khăn về tài chính, kinh tế.

Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.

Theo tôi, năm nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Hiệu trưởng thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước, của ngành và nói rõ ràng luôn, nếu lãnh đạo nhà trường vi phạm, lạm thu, không thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục, gây bức xúc, khiếu nại trong phụ huynh thì xử lý kỷ luật nghiêm. 

SÔNG TRÀ