LTS: Nhằm hạn chế tình trạng thu phí vô tội vạ của nhiều trường hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho ra đời Thông tư 55 năm 2011.
Tuy nhiên, do có sự nghiên cứu rõ về luật nên hiện nay các trường đã biết tìm cách “lách luật" bằng nhiều cách, từ đó dẫn đến tình trạng lạm thu trong môi trường giáo dục.
Trước thực trạng trên, tác giả Sông Mã cũng đã có bài viết phản ánh vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Những năm học trước đây, học sinh các trường buộc phải đóng một số tiền có tên gọi là hội phí.
Đây là số tiền do nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh quyết định mức thu.
Nói là nhà trường mà chính là hiệu trưởng họp bàn với hội trưởng hội phụ huynh, nhưng thực chất là theo chủ ý hoàn toàn của hiệu trưởng về mức thu.
Khi có quyết định thu, giáo viên từng lớp cứ thế mà thông báo đến phụ huynh việc đóng góp.
Vì thế, học sinh bắt buộc phải đóng, nhưng mức đóng ở mỗi trường thường khác nhau.
Họp phụ huynh đầu năm đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, vì các khoản lạm thu đủ mọi hình thức. Ảnh minh họa: Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam. |
Bởi không ít trường đã lợi dụng điều này đưa mức thu lên cao với biết bao nhiêu khoản buộc phụ huynh đóng góp và tình trạng lạm thu đã xuất hiện ở nhiều nơi cũng vì lẽ đó.
Để hạn chế tình trạng thu vô tội vạ của nhiều trường, sự ra đời Thông tư 55 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đem đến cho phụ huynh niềm vui vì sẽ không bị “móc hầu bao” một cách bất đắc dĩ.
Nhiều trường học cũng đã mất đi một nguồn thu lớn.
Bởi Điều 10 trong Thông tư 55 nêu rõ: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho cha mẹ học sinh lớp”.
Thông tư còn nêu rõ là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như:
“Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.
Thông tư còn nhấn mạnh:
“Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện”.
Các trường “lách” Thông tư 55 bằng cách nào?
Sau sự ra đời của Thông tư 55 thì cuộc họp phụ huynh năm đó hầu như trường nào cũng triển khai tinh thần của Thông tư trong cuộc họp phụ huynh đầu năm.
Có giáo viên còn hồ hởi thông báo “phụ huynh có thể nộp quỹ trên tinh thần tự nguyện” thì có rất nhiều phụ huynh đã chẳng nộp đồng nào.
Lạm thu là do lách luật |
Một số người ủng hộ 50 nghìn, người nhiều chỉ có 100 nghìn.
Một lớp thu được số tiền ủng hộ khoảng năm trăm ngàn là nhiều. Nếu so với những năm trước thì con số này chỉ bằng một phần ba.
Những năm học tiếp theo, hình như hiệu trưởng nhiều trường đã có sự nghiên cứu kĩ hơn về Thông tư 55 nên đã biết tìm cách “lách luật" bằng nhiều cách mà hội phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm là những trợ thủ đắc lực nhất.
Vào mỗi cuộc họp phụ huynh, sau khi phổ biến một số quy định của Thông tư 55, giáo viên chủ nhiệm tóm lại:
“Hội phí năm nay không bắt buộc học sinh đóng giống nhau mà ủng hộ tự nguyện nhưng mức thấp nhất là 250 nghìn đồng (có trường mức thấp nhất 200 nghìn hoặc nhiều hơn thế)”.
Nghe giáo viên nói xong, một số người xì xào: Đã gọi là ủng hộ tự nguyện mà quy định mức sàn thì hóa ra lại bắt buộc à.
Một số phụ huynh khá giả thấy số tiền phải đóng không đáng vào đâu nên đồng ý.
Nhiều phụ huynh thấy vô lý nhưng tâm lý sợ con mình bị chú ý nên cũng đành lặng im.
Nếu như mấy năm trước, bắt buộc phải đóng hội phí với số tiền là 250 nghìn/học sinh thì nay tự nguyện số tiền thu được từ phụ huynh nhiều hơn vì một số gia đình có điều kiện lại có cơ hội thể hiện mình.
Số tiền hội phí phụ huynh đóng nếu theo tinh thần của Thông tư sẽ để ở lớp và trích lại về trường số phần trăm được phụ huynh thống nhất.
Thế nhưng trường nào cũng buộc các lớp phải nộp về trường và trường trích lại cho lớp khoảng 30% để trang trí lớp, làm phần thưởng đột xuất hỗ trợ cho học sinh, bồi dưỡng cho các em khi tham gia giao lưu…
Nhà trường lách luật bằng mọi cách, Thông tư 55 đã bị vô hiệu hóa |
Số tiền nộp về trường thay vì chỉ được dùng để hỗ trợ cho học sinh theo quy định của Thông tư 55 thì một số trường lại dùng để xây dựng cơ sở vật chất, mua trang thiết bị, nâng cấp, xây dựng các công trình mới…
Và rồi cuối mỗi năm, họ lại cùng với hội phụ huynh làm chứng từ chi một cách hợp lệ như chi cho học sinh phần thưởng, học bổng…
Việc thu và chi đều sai theo chỉ đạo của Thông tư nhưng dù có kiểm tra thường xuyên cũng chẳng thể nào phát hiện được.
Bởi các biên bản cuộc họp phụ huynh đều thể hiện việc phụ huynh tự nguyện đóng góp. Mọi chứng từ mua bán của nhà trường đều hợp lệ.
Chỉ duy nhất có hội cha mẹ học sinh là biết rõ điều này nhưng chính những người nằm trong hội phụ huynh nhà trường lại là "đồng minh" của hiệu trưởng thử hỏi còn ai có thể giám sát việc thu chi?
Để tránh tình trạng lạm thu như hiện nay ở một số trường, tránh việc “lách” luật như thế thì Thông tư 55 cần nghiêm cấm việc thu hội phí của học sinh dưới mọi hình thức kể cả việc tự nguyện bắt buộc như trên.
Không nên có cụm từ: kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh.
Có như vậy, các trường và ban đại diện cha mẹ học sinh mới không thể “xé rào, lách luật”.