Xử lý nghiêm "sâu mọt", trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục

24/01/2022 06:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những người có trách nhiệm nhất với việc giáo dục đạo đức, ý thức cho lớp trẻ lại là những người vi phạm pháp luật thì là nỗi đau lớn.

Năm 2021 vừa qua một số giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan sai phạm trong đấu thầu thiết bị giáo dục bị khởi tố như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Điện Biên, chưa kể một số cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khác bị xem xét kỷ luật.

Đánh giá về việc này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: “Đó là những câu chuyện rất buồn! Việc các cán bộ lãnh đạo dù ở bất cứ ngành, lĩnh vực nào vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý đã là chuyện buồn; nhưng những con người vi phạm ấy là lãnh đạo trong ngành giáo dục thì càng đáng buồn hơn.

Bởi lẽ từ xưa đến nay, giáo dục vốn nhận được sự tôn kính của toàn xã hội. Những người "làm thầy" luôn được mặc định là tấm gương sáng ngời về nhân cách đạo đức và tri thức. Ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu đề cao vai trò người thầy: "Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, "Không thầy đố mày làm nên"... Chúng ta có ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, nhắc nhở tất cả xã hội truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của toàn dân tộc.

Người thầy là biểu tượng của những gì mẫu mực nhất! Và trên thực tế, những người thầy của chúng ta đã và đang xứng đáng với niềm tin yêu đó, thế nhưng gần đây, với một số cá nhân là lãnh đạo trong ngành giáo dục có vi phạm pháp luật về kinh tế, bị xử lý khiến dư luận xã hội không khỏi bất bình”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh:quochoi.vn)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh:quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga mong rằng, các sai phạm sẽ được xử nghiêm, làm gương, để răn đe cán bộ, sớm trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục. Dẫu chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng rõ ràng những cá nhân vi phạm đó đã làm ảnh hưởng quá nhiều đến ngành sư phạm.

Môi trường học đường là nơi những người làm thầy dạy cho thế hệ trẻ không chỉ tri thức vào đời, mà quan trọng hơn là dạy các em đạo đức làm người. Liệu học sinh còn tin, còn theo những bài học đạo đức mà thầy cô vẫn giảng, khi các em chứng kiến, đọc, nghe về những vi phạm đau lòng nói trên?

Những vi phạm đó mang lại mối lợi vật chất nhất thời cho một số cá nhân, nhưng lại làm xói lở niềm tin của biết bao học trò, biết bao con người trong xã hội! Chúng ta đã nói rất nhiều về việc đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp trong những năm gần đây; các cấp các ngành đã tìm nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này...

Thế nhưng những con người có trách nhiệm nhất với việc giáo dục đạo đức, ý thức cho lớp trẻ lại là những người vi phạm pháp luật, chà đạp lên các giá trị đạo đức, thì là nỗi đau xót lớn.

Khi phóng viên đặt băn khoăn, rõ ràng chúng ta kỳ vọng việc đấu thầu với mục đích là để cạnh tranh, để có sản phẩm tốt nhất, giá phù hợp nhất nhưng như vụ việc ở Bắc Giang vừa khởi tố cho thấy, thông đồng giá lên tới 5 lần. Phải chăng việc giám sát, thực hiện có lỗ hổng? Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận định: “Những vụ việc vi phạm đó cho thấy mấy vấn đề đáng suy ngẫm.

Một là, một số cá nhân đã bất chấp tất cả, chạy theo lợi ích cá nhân để vi phạm pháp luật.

Hai là, các quy định của luật pháp về đấu thầu, về mua sắm trang thiết bị từ ngân sách thực sự còn có những lỗ hổng;

Việc giám sát chưa sâu sát, chưa thực sự nghiêm túc nên có những tổ chức, cá nhân lợi dụng những lỗ hổng đó để "lách luật", vi phạm quy định mà không kịp thời bị phát hiện, gây thất thoát của nhà nước nhiều tỷ đồng”.

Kiến nghị giải pháp để ngăn chặn kịp thời các vụ việc tương tự thì Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng:

Thứ nhất, cần rà soát kỹ để đề xuất sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp luật, tránh những lổ hổng, những kẽ hở của luật pháp khiến những người tham lam có thể tìm cách lách luật, lợi dụng sự thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật để trục lợi.

Thứ hai, song song với việc sửa đổi các quy định pháp luật cho chặt chẽ hơn, cần quan tâm đặc biệt tới các chế tài xử phạt, sao cho đủ sức răn đe. Thực tế cho thấy nhiều khi chế tài xử phạt chưa đủ mạnh khiến việc ngăn ngừa phạm tội chưa thực sự hiệu quả

Thứ ba, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm.

Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng, lối sống, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trẻ. Việc giáo dục tư tưởng, đạo đức như việc chúng ta chăm bón cây xanh từ gốc. Việc chăm bón có thường xuyên, kiên trì thì mới mong cây tươi tốt quanh năm và cho hoa thơm, trái ngọt.

“Trong môi trường giáo dục, xưa nay chúng ta đã nói nhiều về việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, nhưng chưa thực sự đề cập đến giáo dục đạo đức người làm thầy. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng thực sự "đạo làm thầy" cũng cần rèn giũa và tôi luyện.

Bên cạnh những vụ việc tiêu cực về kinh tế như vừa nêu thì còn có nhiều vụ việc trong môi trường học đường mà các thầy cô lại là người thực hiện bạo lực học đường với học trò, thậm chỉ xâm hại tình dục học sinh... khiến dư luận rất phẫn nộ.

Cho nên, việc rèn giũa “đạo làm thầy" cũng là vô cùng cần thiết”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Thùy Linh