LTS: Để Việt Nam có thể đuổi kịp các nước trong giáo dục, bà Đào Liên Hương - Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn giáo dục và ngôn ngữ thế giới đưa ra 4 vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này.
Các vấn đề này dưới con mắt của các nước và các nhà giáo dục có thể rất khác nhau, nhưng tôi chỉ muốn nêu lên 4 vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý:
1. Thời đại công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng tới Giáo dục
Thời đại công nghiệp 4.0 đã bắt đầu bởi sự kết hợp giữa smartphone và tự động hóa, mọi sản phẩm công nghệ sẽ đáp ứng cho mọi nhu cầu của từng cá nhân và cũng thay đổi rất nhanh chóng.
Gần đây sự phát triển của MOOCs (Massive Open Online Courses - các khóa dạy Online) và các công nghệ giảng dạy khác đã cho ta thấy đang có một sự thay đổi lớn trong lĩnh vực cung cấp các công nghệ giảng dạy.
Đặc biệt với sự ứng dụng tài tình của các smartphone thì việc giảng dạy sẽ ra ngoài các lớp học nhanh chóng.
Theo tổng kết về tổng thu của dịch vụ giáo dục thì tỷ lệ thu về từ các sản phẩm công nghệ phục vụ giáo dục ngày càng chiếm thị phần lớn hơn so với các sản phẩm truyền thống.
Việt Nam có thể đuổi kịp các nước trong giáo dục nếu biết huy động và khuyến khích các tập đoàn truyền thông, tin học trong nước như FPT, Viettel, VNPT cũng như quốc tế … tham gia mạnh mẽ hơn vào việc cung cấp các khóa học online, các bài test Tin học, Ngoại ngữ trên mạng, trên máy, cung cấp các ngân hàng đề thi, chương trình giảng dạy, thư viện điện tử… để trao đổi giữa các trường của Việt Nam và thế giới… để giảm thiểu giá cả và lan tỏa dễ dàng tới nhiều đối tượng.
2. Những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục đã thay đổi:
Nếu như từ trước đến nay, ta cứ coi giáo dục là việc của từng quốc gia, là loại hình do Nhà nước quản lý và điều hành theo những hình mẫu đặc thù của riêng mình.
Giờ đây, các tập đoàn giáo dục đa quốc gia đã phát triển rất nhanh. Chúng đáp ứng các nhu cầu giáo dục toàn cầu đột biến, bởi giờ đây, nền giáo dục của riêng từng nước đã không còn đáp ứng nổi nhu cầu của người học nữa.
Kiểu tập đoàn giáo dục này có thể chuyển giao công nghệ và hoạt động tại nhiều quốc gia. Giúp tiết kiệm chi phí vì số lượng lớn.
Việt Nam cũng cần có những hỗ trợ cụ thể cho việc quảng bá hình ảnh của giáo dục Việt Nam ra thế giới. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Các tập đoàn này đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Ví dụ: Pearson đã tăng trưởng 40% từ năm 2007 – 2011 từ 4,2 tỷ lên 5,9 tỷ USD.
Cũng tương tự như vậy Tập đoàn Apollo đã có tăng trưởng từ 2,7 tỷ - 4,7 tỷ USD trong cùng thời gian như vậy. Ngoài ra còn rất nhiều các tập đoàn cung cấp dịch vụ giáo dục khác như: Oxford University Press có doanh số 700 triệu USD, Đại học Mở 470 triệu USD, Cambridge Press 245 triệu USD…
Đơn cử một số tập đoàn giáo dục quốc tế như sau: (số liệu tổng kết của năm 2012-2013)
Tập đoàn Giáo dục |
Tổng thu ( tỷ USD) |
Dịch vụ |
Đăng ký tại |
Hoạt động tại |
PEARSON |
7,0 |
Xuất bản sách giáo khoa và cung cụ giảng dạy cho giáo viên và học sinh, tổ chức thi |
UK |
Âu, Á, Mỹ |
Tập đoàn APOLLO |
4,5 |
Cung cấp các chương trình đào tạo |
US |
Âu, Mỹ, Á |
Benesse Education |
3,7 |
Cung cấp sản phẩm và dịch vụ giáo dục từ mầm non đến người lớn |
Nhật Bản |
Châu Á |
Laureate |
3,2 |
Hệ thống các trường quốc tế |
US |
Toàn cầu |
Kaplan |
2,5 |
Cung cấp các khóa Đại học và chuyên nghiệp và dạy tiếng, thi tiếng Anh |
US |
Toàn cầu |
Mc Grew- Hill |
1,8 |
Các khóa sau phổ thông tại trường và học online |
US |
Âu, Bắc Mỹ |
Corinthian Colleges |
1,7 |
Cung cấp các khóa: Đại học, sau Đại học, Cao đẳng.. |
US |
Bắc Mỹ |
Cengage learning |
1,6 |
Nhà xuất bản: các bản in hoặc điện tử, các giải pháp giảng dạy cho học thuật, thư viện toàn cầu |
US |
Toàn cầu |
Houghton Mifflin Harcourt |
1,2 |
Xuất bản sách giảng dạy, đánh giá kiểm định và truyền cho học sinh. |
US |
Toàn cầu |
Tại Việt Nam cũng đã có một số tập đoàn giáo dục quốc tế đã vào hoạt động từ nhiều năm nay như: Hội Đồng Anh, IDP, Languages Links, ELS, Kaplan, Apollo, E Quest…
3. Đa dạng hóa các sản phẩm giáo dục:
Để bán được giáo dục thì phải có các sản phẩm tiên tiến hợp thời đại và đáp ứng nhu cầu của người học. Lấy ví dụ: sản phẩm là các khóa Đại học và sau Đại học.
Giải quyết vấn đề ngôn ngữ: Các nước không nằm trong nhóm nói tiếng Anh thì nếu dạy bằng tiếng bản ngữ thì khó thu hút được sinh viên quốc tế, nhất là sinh viên giỏi tới học, tham gia các chương trình nghiên cứu…
Bởi vậy ngay cả các nước có nền giáo dục bậc cao như: Đức, Pháp, Italia, Hà Lan, Phần Lan, Nga, Nhật bản, Trung Quốc, Hàn quốc, Malaysia… cũng đều phải mở các khóa giảng dạy bằng tiếng Anh – là thứ tiếng phổ thông nhất để giảng dạy tại các trường Đại học lớn.
Trên thị trường giáo dục thế giới, họ huy động toàn dân làm giáo dục, nhà nhà làm giáo dục, chẳng hạn như nước Anh: các khóa giảng dạy tiếng Anh tại từng nhà dân, dạy một thầy, một trò, dạy cả gia đình, dạy cho các nhà chính khách, diễn viên, doanh nhân…
Đấy là nước lớn, còn bé tý như đảo Malta nằm giữa Địa Trung Hải, họ thu hút các tập đoàn giáo dục lớn quốc tế tới mở trường tại đây, học sinh vừa học, đến giờ nghỉ giải lao lại xuống biển bơi hoặc nằm phơi nắng trên bãi biển… điều này thu hút được nhóm Bắc Âu thích có làn da rám nắng sau kỳ học kết hợp nghỉ ngơi.
Các tập đoàn giáo dục này có đội ngũ marketing rất chuyên nghiệp, khi mở vào thị trường nào là họ có chiến lược cụ thể làm marketing cho nơi đó.
Còn ngay cạnh Việt Nam, nước cũng đã có những chính sách thu hút các nhà đầu tư giáo dục quốc tế khá thành công.
Tôi đã gặp nhiều nhà đầu tư giáo dục của các nước trong khu vực sang mở trường tại đây. Bởi tuy học ở Philippines nhưng lấy bằng của các nước khác mà giá rẻ thì vẫn đông học sinh. Họ thu hút được rất nhiều người học tới từ Nhật bản, Hàn Quốc… thậm chí Việt Nam, vì chi phí rẻ.
Vậy là Philippines – một đất nước không có tên trong bản đồ của du học sinh bỗng nhiên nổi lên thành một địa chỉ hấp dẫn, còn Chính phủ Philippines thì tất nhiên sẽ có thêm một nguồn thu ngoại tệ.
4. Đầu tư tích cực hơn cho quảng bá thị trường giáo dục Việt Nam
Các nước đều đầu tư lớn thích đáng trong việc quảng bá cho nền giáo dục của mình để thu hút sinh viên quốc tế. Họ có quỹ để giúp các trường của họ có mặt trong các triển lãm, hội trợ giáo dục lớn… trên thế giới và tạo hình ảnh của đất nước. Bởi giáo dục đã mang lại cho đất nước họ những nguồn lợi to lớn.
Các cơ quan đại diện, cơ quan ngoại giao của họ tại nước ngoài đều hoạt động năng nổ để hỗ trợ khối giáo dục của họ tiếp cận các thị trường một cách hiệu quả.
Úc đã dự báo số sinh viên vào các trường Đại học của Úc sẽ tăng 30% từ năm 2012 – 2020. Tương tự như vậy, Canada đã đưa ra một chiến lược nhằm tăng gấp đôi số sinh viên vào nước họ trong vòng 10 năm tới. Mỹ cũng mở rộng cửa hơn cho sinh viên quốc tế.
Giáo dục Việt Nam đã thay đổi được gì từ bản đồ giáo dục khu vực?(GDVN) - Dạy học tốt hơn đòi hỏi sự thay đổi vai trò người thầy và cần một bộ các kỹ năng, năng lực đối với người thầy để đáp ứng các thách thức |
Các nước đó đều đã có một khoản tiền lớn dành cho marketing tại các thị trường mới cũng như thị trường truyền thống cung cấp sinh viên.
Việt Nam cũng cần có những hỗ trợ cụ thể cho việc quảng bá hình ảnh của giáo dục Việt Nam ra thế giới.
Nền giáo dục nào cũng có cái để bán và thu hút sinh viên quốc tế: Với hơn 2 triệu người Việt ở nước ngoài, ta nên mở các khóa dạy tiếng Việt cho con em Việt Kiều vào dịp hè, mở các khóa về văn hóa ẩm thực Việt Nam, các khóa về lịch sử Việt Nam kết hợp thăm quan…
Hoặc cũng có thể học tập các mô hình nêu trên cho việc mở các khóa học ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt cho các bạn hàng xóm. Giá cả, mức sống tại Việt Nam tương đối thấp, khi ta có nhiều người vào cùng làm, giá các khóa học sẽ giảm xuống tạo thêm sức cạnh tranh.
Mong rằng với suy nghĩ về giáo dục như một mặt hàng chiến lược cho sự phát triển quốc gia, mỗi người người dân, gia đình, các nhà giáo cũng như các nhà đầu tư, các trường học… sẽ được tạo điều kiện tối đa để phát huy khả năng tham gia vào ngành công nghiệp không khói này.