Yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế vụ MH17 bị bắn hạ ở Ukraine

18/07/2014 09:56
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các nhà lãnh đạo quốc tế đã bày tỏ bị sốc sau khi một chiếc máy bay chở 298 người của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ tại khu vực Đông Ukraine.

Đồng thời, những người có trách nhiệm và lương tri đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế để làm rõ nguyên nhân thảm kịch.

Tổng thống Barack Obama gọi vụ tai nạn là "một thảm kịch khủng khiếp" và cho biết các quan chức Mỹ đang cố gắng xác định xem có công dân nước này trên máy bay hay không. 

Lực lượng ly khai Ukraine tại hiện trường vụ rơi máy bay MH17.
Lực lượng ly khai Ukraine tại hiện trường vụ rơi máy bay MH17.

"Tôi đã chỉ đạo đội ngũ an ninh quốc gia giữ liên lạc chặt chẽ với chính phủ Ukraine", ông Obama nói.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã lặp đi lặp lại đề nghị trên của Washington trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, một quan chức Mỹ cho biết.

Điện Kremlin cho biết, mặc dù Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Obama bất hòa trong việc Washington gia tăng biện pháp trừng phạt chống lại Moscow liên quan tới tình hình Ukraine, nhưng đã nhanh chóng tổ chức một cuộc điện đàm về vụ MH17.

Phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Catherine Ashton, đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế vào thảm họa.

Toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay đã thiệt mạng.
Toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay đã thiệt mạng. 

"Cảm xúc của chúng tôi lúc này cũng giống như của thân nhân các nạn nhân. Cần phải làm rõ không chậm trễ vụ việc và tiến hành một cuộc điều tra quốc tế để làm sáng tỏ thảm kịch này", bà nói thêm.  

Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Ivo Opstelten cho biết, "có nhiều công dân Hà Lan ở trên máy bay" và nói thêm rằng ông "vô cùng sốc" khi thấy những hình ảnh "khủng khiếp" từ hiện trường vụ tai nạn.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak trước đó cho biết trên Twitter rằng, ông đã "bị sốc khi nhận được báo cáo chuyến bay MH17 rơi" và công bố một "cuộc điều tra ngay lập tức."

Đây là thảm kịch hàng không dân dụng lớn thứ hai  trong vòng nửa năm qua mà Malaysia phải đối mặt, trong bối cảnh vụ chuyến bay MH37 mất tích hồi tháng 3 vừa qua vẫn khiến chính phủ nước này "đau đầu" và tốn kém.

Mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 nằm rải rác trên diện rộng.
Mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 nằm rải rác trên diện rộng.


Thủ tướng Anh David Cameron viết trên Twitter rằng: "Tôi cảm thấy sốc và đau lòng trước thảm họa hàng không Malaysia."

Ông Cameron và Bộ Ngoại giao Anh đã kêu gọi một cuộc điều tra vào thảm họa sau khi truyền thông nước này cho biết có 10 công dân nước này trên chuyến bay MH17.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bày tỏ tình "đoàn kết" với thân nhân các nạn nhân và kêu gọi một cuộc điều tra trên phạm vi rộng vào thảm kịch.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius cho biết, đã có "ít nhất" bốn người Pháp có mặt trên chuyến bay định mệnh trên.

Đức cũng lặp lại lời kêu gọi "một cuộc điều tra quốc tế độc lập".

Đây là thảm kịch hàng không lớn thứ hai trong vòng chưa đầy 6 tháng qua mà Malaysia phải đối mặt.
Đây là thảm kịch hàng không lớn thứ hai trong vòng chưa đầy 6 tháng qua mà Malaysia phải đối mặt.


"Chúng tôi hy vọng tất cả mọi thứ cần thiết sẽ được tiến hành để làm sáng tỏ về thảm họa này càng nhanh càng tốt", Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết.

Tờ Channel News Asia dẫn lời Phó chủ tịch Malaysia Airlines Huib Gorter cho biết, có 198 người có mặt trên chuyến bay MH17, tăng lên 3 người so với thống kê ban đầu. Trong số này có 82 trẻ em và 15 thành viên tổ bay.

Theo ông Gorter, các hành khách trên chuyến bay gặp nạn gồm 154 người Hà Lan, 27 người Úc, 23 người Malaysia, 11 người Indonesia, 6 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines và 1 người Canada.

Tuy nhiên, khoảng 50 hành khách khác vẫn chưa thể xác định được quốc tịch.

Kênh RT của Nga cho biết thêm rằng trên chuyến bay định mệnh còn có 23 người Mỹ,  4 người Pháp./.

Nguyễn Hường