Yêu cầu trung tâm kiểm định độc lập với CSGDĐH: "Người trong cuộc" nói gì?

01/03/2023 06:42
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các văn bản khác của nhà nước về định mức chi tiêu công, quản lý tài sản công… chưa cụ thể hoá cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành dự thảo và lấy ý kiến góp ý cho Nghị định thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 135 Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để trình Chính phủ ban hành.

Đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, một trong những vấn đề được quan tâm là xác định rõ nội hàm “độc lập về tổ chức với cơ quan quản lí nhà nước và cơ sở giáo dục đại học” của các trung tâm kiểm định. Bởi thực tế hiện nay, đây vẫn là vấn đề còn nhiều vướng mắc.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Quang – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh cho biết, thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển Hệ thống Kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016 Trường Đại học Vinh đã lập Đề án, và ngày 01/11/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 4589/QĐ-BGDĐT thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh.

Trung tâm là đơn vị hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

Như vậy, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh là một đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

Giám đốc Trung tâm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm. Trung tâm có Ban Giám đốc và các Phòng chức năng (Hành chính - Dịch vụ và Đánh giá - Công nhận).

Về chuyên môn, Trung tâm có Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục, quyết định thông qua kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (đánh giá ngoài) của các Đoàn Đánh giá ngoài.

Hội đồng này có 11 thành viên thì có 3 thành viên thuộc trung tâm, 6 thành viên thuộc các cơ sở giáo dục đại học khác, chỉ có 2 thành viên thuộc Trường Đại học Vinh.

Tiến sĩ Trần Đình Quang – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Đình Quang – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC

Như vậy, kết quả kiểm định của trung tâm là rất độc lập với Trường Đại học Vinh, do Đoàn Đánh giá ngoài và Hội đồng quyết định cuối cùng.

Về tài chính, do trung tâm có con dấu, có tài khoản riêng và có Quy chế chi tiêu nội bộ riêng (tất nhiên có tham vấn chuyên môn về tài chính của Phòng Kế hoạch - Tài chính - Trường Đại học Vinh), các hợp đồng dịch vụ (cả thu và chi) do Giám đốc trung tâm kí và thực hiện.

Trung tâm kiểm định được thành lập trước khi Luật 34 ra đời nên gặp nhiều vướng mắc

Bàn về những vướng mắc tồn tại, Tiến sĩ Quang cho hay, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh cùng với 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập khác đều được thành lập từ năm 2017 về trước, khi đó chưa có Luật 34, nên việc tổ chức các trung tâm này gặp một số khó khăn nhất định.

“Do Luật 34 được ban hành sau thời điểm các tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập nên việc thực hiện điều kiện “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học” còn gặp một số khó khăn, vướng mắc bất cập.

Thứ nhất, Luật 34 ban hành năm 2018, có hiệu lực từ 01/7/2019 nhưng mãi đến 30/12/2019 Nghị định 99 (hướng dẫn thi hành Luật 34) mới được ban hành. Tuy vậy, Nghị định này cũng chưa giải thích đủ rõ về nội dung “độc lập về tổ chức với cơ quan quản lí nhà nước và cơ sở giáo dục đại học” nên dẫn đến 2 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc 2 đại học quốc gia phải dừng hoạt động hơn 1 năm (từ 4/11/2019-12/2020).

Thứ hai, các văn bản khác của nhà nước về định mức chi tiêu công, quản lý tài sản công… chưa cụ thể hoá cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cũng như việc sinh hoạt của các tổ chức chính trị xã hội trong các Trung tâm này chưa có văn bản nào hướng dẫn/quy định”, ông Quang cho biết.

Tiến sĩ Trần Đình Quang thông tin thêm, để hoạt động của hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chủ trương tự chủ đại học, Chính phủ đã có nhiều phiên họp về vấn đề này trong năm 2020. Cuối cùng, ngày 03/11/2020 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 9149/VPCP-KGVX gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức lại các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn các trung tâm về việc tổ chức lại các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Vinh).

Thực hiện các hướng dẫn cấp trên, các cơ sở giáo dục đại học (trong đó có Trường Đại học Vinh) căn cứ các văn bản pháp lý hiện hành, cụ thể là Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lậpThông tư 03/2016/TT-BNV ngày 25/5/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, đã có văn bản đề xuất phương án tổ chức lại các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 1194/ĐHV-TCCB ngày 24/11/2020).

Trên cơ sở đó, ngày 17/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 5466/BGDĐT-QLCL gửi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh về việc sắp xếp lại tổ chức và thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Văn bản này có chỉ đạo “trong thời gian thực hiện rà soát sắp xếp lại mô hình tổ chức của Trung tâm, để hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục không bị gián đoạn, tạo điều kiện thúc đẩy tự chủ đại học và nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để Trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn về kiểm định chất lượng giáo dục”. Dù vậy, cũng chưa có chỉ đạo hay ý kiến cụ thể về việc tổ chức lại các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục như phương án mà nhà trường đã trình gửi.

Như vậy, những vướng mắc, khó khăn, bất cập là hệ thống văn bản dưới luật chưa đồng bộ, chưa cụ thể và chưa đầy đủ. Chẳng hạn như vấn đề chi tiêu công, quản lý tài sản công, hoạt động các tổ chức Đảng, đoàn thể của các Trung tâm…

Về việc góp ý cho Nghị định thay thế Nghị định 46 và Nghị định 135, Tiến sĩ Quang khẳng định, nội dung sửa đổi chính vẫn là xác định rõ nội hàm “độc lập về tổ chức với cơ quan quản lí nhà nước và cơ sở giáo dục đại học” của trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, cụ thể như vấn đề chi tiêu công, quản lí tài sản công, hoạt động các tổ chức Đảng, đoàn thể của các Trung tâm này như thế nào. Tuy nhiên, đến nay văn bản pháp lý này vẫn chưa ban hành được vì đây là những vấn đề khó.

Thực hiện theo đúng quy định hiện hành, sau gần 5 năm hoạt động, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Trường Đại học Vinh đang chuẩn bị hồ sơ để xin cấp phép lại. Theo ông Quang, Trung tâm được hưởng “lợi thế của người đi sau”.

“Cụ thể là, năm 2020, hai trung tâm của 2 đại học quốc gia cũng đã gia hạn thành công Giấy phép hoạt động; năm 2021, Trung tâm của Đại học Đà Nẵng cũng đã gia hạn và chúng tôi tham khảo cách làm của “người đi trước”.

Chúng tôi chưa gặp khó khăn gì và tôi nghĩ sẽ không gặp khó khăn vì các Trung tâm kiểm định giáo dục chất lượng công lập đang hoạt động đúng chức năng quy định, có các đóng góp đáng kể cho việc nâng cao chất lượng giáo dục của hệ thống giáo dục đại học nước nhà (đã kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho 19 cơ sở giáo dục và 156 chương trình đào tạo của các trường đại học lớn như Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…) và do đó, các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hỗ trợ, tạo điều kiện.

Căn cứ Điều 99 và Điều 100 của Nghị định 46 (Thủ tục cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục), Nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện như quy định và gửi kèm theo phương án tổ chức lại Trung tâm để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Nguyên Phương