Vĩnh Phúc quyết “hy sinh” ngành bò sữa để ưu tiên cho dự án của FLC

13/04/2017 15:48
Minh Anh
(GDVN) - Người nông dân Vĩnh Tường đang vui mừng làm giàu chính đáng nhờ nghề chăn nuôi bò sữa thì bất ngờ tỉnh Vĩnh Phúc lấy gần 250ha đất nông nghiệp giao cho FLC...

Nông dân bị “triệt” đường sống?

Nghề chăn nuôi bò sữa được hình thành ở Vĩnh Phúc từ năm 2000, trải qua 15 năm gây dựng với nhiều thăng trầm, đến nay chăn nuôi bò sữa đã thực sự trở thành một nghề góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân, nhiều địa phương trong tỉnh.

Tính đến hết năm 2014, tổng số bò sữa của tỉnh là hơn 7.600 con đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 ở vùng đồng bằng sông Hồng (sau thành phố Hà Nội).

Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) có thu nhập cao nhờ chăn nuôi bò sữa. Ảnh Báo Vĩnh Phúc
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) có thu nhập cao nhờ chăn nuôi bò sữa. Ảnh Báo Vĩnh Phúc

Chăn nuôi bò sữa phát triển nhất ở huyện Vĩnh Tường (chiếm khoảng 90% tổng đàn), còn lại phân bố ở các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiện xã có hơn 5.000 con bò sữa được nuôi tại 200 hộ gia đình.

Với năng suất bình quân đạt 5.200kg/chu kỳ, trung bình mỗi con bò cho thu nhập khoảng 26 triệu đồng/chu kỳ, nghề nuôi bò sữa đã mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều hộ dân địa phương.

Từ năm 2009, Ủy ban nhân dân xã đã quy hoạch 3 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 17,3ha.

Song trong quá trình triển khai 3 vị trí được bố trí không phù hợp nên việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đưa trang trại vào khu quy hoạch không khả thi.

Năm 2014, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thịnh ban hành Nghị quyết 01 về việc phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt giai đoạn 2013 – 2020 và đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư.

Những cánh đồng lúa mơn mởn của người nông dân đang trước nguy cơ bị xóa sổ vì dự án của Tập đoàn FLC. Ảnh Giáo dục Việt Nam.
Những cánh đồng lúa mơn mởn của người nông dân đang trước nguy cơ bị xóa sổ vì dự án của Tập đoàn FLC. Ảnh Giáo dục Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết, Vĩnh Thịnh đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện cho điều chỉnh để mỗi thôn có 1 khu chăn nuôi tập trung phù hợp với điều kiện đường giao thông và các điểm đấu nối điện để phục vụ người dân đầu tư ra khu chăn nuôi tập trung.

Trong khi người nông dân Vĩnh Tường đang thi đua làm giàu trên chính đồng đất quê hương nhờ nghề nuôi bò sữa, trồng cỏ thì bất ngờ, ngày 19/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 2369 phê duyệt bổ sung quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường, bổ sung tính chất, chức năng và đổi tên các lô đất dự trữ phát triển dịch vụ, du lịch, thể thao với tổng diện tích là gần 810.000m2.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 cho dự án này. Theo quy hoạch, khu đô thị này có tổng diện tích là 241.5ha.

Đây là khu quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, dịch vụ nghỉ dưỡng, nhà ở thương mại, trung tâm đón tiếp, khách sạn căn hộ du lịch, dịch vụ, khu vực vườn sinh thái 5 châu, khu vui chơi giải trí theo chủ đề, khu thể thao, thế giới thu nhỏ, trung tâm hội nghị quốc tế v.v…

Khi nghe thông tin trên, người dân huyện Vĩnh Tường nói chung và xã Vĩnh Thịnh nói riêng không khỏi bất ngờ và bức xúc.

Vĩnh Phúc quyết “hy sinh” ngành bò sữa để ưu tiên cho dự án của FLC ảnh 3

FLC đang coi thường pháp luật?

(GDVN) - Mặc dù đã bị đình chỉ thi công, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) nhưng FLC Hạ Long vẫn ngang nhiên thi công rầm rộ, ảnh hưởng đến người dân.

Ông Nguyễn Văn Tự, Trưởng thôn Hệ cho biết: “Cả thôn có gần 200 hộ dân, 812 nhân khẩu, nghề chính của người dân ở đây là làm nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt. Bây giờ đất nông nghiệp mà thu hồi hết, bà con chúng tôi biết làm gì.

Khi họ tiến hành thực hiện dự án, họ đã về địa phương yêu cầu treo bản đồ quy hoạch dự án ở nhà thôn, triển khai mọi kế hoạch của lãnh đạo cấp trên. Trong khi đó người dân cũng chưa nắm rõ được việc triển khai, quy hoạch dự án như thế nào?

Khi họp thì có cả Công an về xem, giám sát mọi cuộc họp. Nếu lấy đất ở thôn Hệ là chúng tôi hết đất nông nghiệp, không còn đất để canh tác. Đất chúng tôi hai vụ lúa, một vụ màu rất màu mỡ, có giá trị kinh tế cao. Việc lấy đất để thực hiện dự án người dân trong thôn hoàn toàn không đồng thuận”.

Ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư chi bộ thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh bức xúc cho biết: “Đa số người dân trong thôn chưa đồng thuận giao đất cho dự án của FLC, vì người dân không biết họ trông chờ vào gì để sống sau khi thu hồi đất.

Nếu mất đất thì người dân lấy gì chăn nuôi, trồng trọt? Đô thị du lịch sinh thái thì người dân được hưởng gì, người dân sống như thế nào? Chúng tôi làm ruộng tuy vất vả nhưng đó là mồ hôi xương máu, và gắn bó về lâu dài, chúng tôi không thể sống khi thiếu đất nông nghiệp được.

Trước kia, sau khi doanh nghiệp thầu được 7ha đất nông nghiệp rất có giá trị ở thôn An Lão, với mục đích chăn nuôi. Sau khi mua xong diện tích đất đấy để phục vụ cho chăn nuôi, nhưng thực tế chúng tôi thấy không chăn nuôi mấy, mà có điều gì đó khuất tất? Sau một thời gian lại đổi tên khu đất đó thành Công ty nông thủy sản Qúy Giáp (đứng tên bố đẻ ông Trịnh Văn Quyết, chủ sở hữu FLC), sau đó lại chuyển đổi cho Tập đoàn FLC xây dựng các công trình”.

Tỉnh lấy lý do gia nhập TPP để hy sinh ngành bò sữa, ưu tiên cho FLC?

Trả lời trên báo chí về lý do thu hồi gần 250ha đất lúa của người dân Vĩnh Tường để giao cho FLC thực hiện dự án du lịch sinh thái, người phát ngôn – Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Minh Hồng cho biết:

Không chỉ là chủ trương của Vĩnh Phúc, mà Nghị quyết Trung ương 12 vừa qua cũng nêu rõ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế là bắt buộc.

Với Vĩnh Phúc, tỉnh xác định phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó giảm tỷ lệ kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ là một định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế.

Chúng tôi xác định, dịch vụ du lịch là một mũi nhọn. Với chủ trương đó, chúng tôi đã có những bước đi rất cụ thể, đã vận động được doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch Flamingo Đại Lải, Sông Hồng Thủ Đô…

Vĩnh Phúc quyết “hy sinh” ngành bò sữa để ưu tiên cho dự án của FLC ảnh 4

Người dân Vĩnh Phúc lo lắng về siêu dự án của FLC “nuốt” trọn đất nông nghiệp

(GDVN) - Hơn 256 ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường (Vĩnh Phúc) khiến người dân lo lắng sẽ mất kế sinh nhai

Và một trong các dự án mà chúng tôi cho rằng sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội rất lớn cho tỉnh, đó là FLC Vĩnh Thịnh, do FLC làm chủ đầu tư. Dự án này nằm ngay cạnh cầu Vĩnh Thịnh, cách Thủ đô Hà Nội chưa đầy một giờ đi xe.

Tôi không nhắc đến lợi thế nhà đầu tư, vì dĩ nhiên nếu không hiệu quả, không nhà đầu tư nào muốn làm. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến lợi thế của tỉnh, huyện, xã và đặc biệt là của người dân.

Nếu chúng ta có được một khu như Đại Nam ở Bình Dương, hay một dự án quần thể du lịch 250 ha như FLC đầu tư, thì một lượng lao động lớn của xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, và của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung sẽ có việc làm.

Ngoài ra, với hàng ngàn lượt du khách đến với quần thể này mỗi ngày, toàn bộ khu vực lân cận dự án chắc chắn cũng sẽ được hưởng lợi từ việc cung cấp các dịch vụ đi kèm.

Trước khi ban hành quy hoạch 1/2000 của khu vực 250 ha, Vĩnh Phúc đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Còn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, thì tôi đã đi xem trực tiếp khu đất 250 ha này.

Tại đây, hầu hết diện tích đất quy hoạch có lượng lớn là trồng cỏ để nuôi bò. Với người dân đang cho thuê đất với mức 1,5-1,7 triệu đồng/sào/năm, thì việc chuyển đổi sẽ giúp họ được hưởng lợi lớn hơn. Với mức đền bù khoảng 80 triệu đồng/sào, nếu gửi tiền tiết kiệm theo lãi suất hiện nay họ cũng đã được khoảng 5 triệu đồng/năm cho mỗi sào.

Còn với người dân chăn nuôi bò sữa, như các bạn cũng biết, sắp tới, khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cạnh tranh của ngành sữa với nước ngoài như New Zealand sẽ tăng lên, giá sữa thu mua chắc chắn sẽ giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của người nuôi bò.

Cho nên trong vai trò của tỉnh, điều chúng tôi mong muốn là nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân, và việc thu hút nhà đầu tư cũng phải tuân thủ theo mục tiêu này”.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới đây, ông Bùi Minh Hồng, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng thừa nhận việc chuyển đổi 250 hécta từ đất trồng lúa tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường sang đất dự án FLC chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, theo Luật Đất đai 2013, việc chuyển đổi mục đích sử dụng trên 10 héc ta đất lúa phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù thừa nhận phần lớn diện tích 250 hécta là đất trồng cỏ để nuôi bò sữa nhưng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quyết tâm xóa sổ để giao lại cho Tập đoàn FLC.

Phải chăng, chỉ vì mục tiêu kinh tế mà lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc sẵn sàng quên đi quyền lợi, kế sinh nhau muôn đời của người nông dân? Chẳng lẽ lãnh đạo Vĩnh Phúc đang mong muốn người nông dân và sau này là con cháu họ từ vị trí “làm chủ đồng đất” sẽ chuyển sang làm thuê cho ông chủ Tập đoàn FLC?

Để có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt lịch làm việc với phía Tập đoàn FLC từ ngày 31/3/2017 nhưng đến nay, nhiều tuần trôi qua, phía doanh nghiệp vẫn chưa có nội dung trả lời Báo. 

Minh Anh