Super League hay Super Liga của bầu Kiên?

30/01/2012 16:02
Theo Vietnamnet
Nếu VPF vẫn tiếp tục điều hành Super League lấn lướt, tách dần khỏi sự quản lý của VFF thì đó sẽ là thảm họa cho bóng đá Việt Nam.
Ý tưởng thành lập một giải đấu mới mang tên Super Liga bên cạnh giải vô địch quốc gia đã được ông Nguyễn Đức Kiên (chủ tịch CLB HN ACB) đưa ra tại cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 ngày 8/9/2011. Ý tưởng này sau đó cũng được ông Kiên cho biết sẽ không thực hiện vì không tốt cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, những gì mà Super League được điều hành bởi VPF thời gian qua khiến nhiều người đặt ra giả thiết liệu rằng ông Kiên đã thực sự từ bỏ ý định đó chưa khi VPF đang lấn lướt và vượt mặt VFF trong việc điều hành và tổ chức Super League 2012.
VFF mất dần ảnh hưởng
Những ai quan tâm đến bóng đá nước nhà, đặc biệt là tại cuộc họp tổng kết giải vô địch quốc gia 2011 tổ chức ngày 8/9/2011 và tại cuộc họp giữa VFF và Chủ tịch các CLB ở V.League và hạng Nhất ngày 29/9/2011 chắc hẳn còn nhớ những tuyên bố mạnh mẽ của ông Nguyễn Đức Kiên. Bầu Kiên lúc đó còn giữ vai trò là Chủ tịch CLB HN ACB - đội vừa phải xuống hạng ở mùa bóng trước. Với những bức xúc vì nhiều nguyên nhân, tại buổi tổng kết mùa bóng 2011 đó, bầu Kiên đã tuyên bố rằng các CLB sẵn sàng rút khỏi giải vô địch quốc gia để tổ chức một giải đấu riêng với khoảng 6 CLB mang tên Super Liga.
Ý tưởng đó không thành bởi sau đó chính ông Kiên cũng thừa nhận việc đó sẽ không tốt cho bóng đá Việt Nam. Thay vào đó là sự ra đời của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) một cách hết sức nhanh chóng. Theo đó, từ mùa giải 2012, giải vô địch quốc gia sẽ do VPF điều hành. Theo nguyên tắc, VPF được VFF ủy quyền điều hành giải, chứ VFF không trao toàn bộ giải đấu cho các ông bầu tổ chức, quản lý. Tuy nhiên, sau khi ra đời, VPF không tỏ ra như vậy mà đang điều hành giải đấu như thể là giải Super League là giải Super Liga.
Uy tín của VFF đang bị giảm
Uy tín của VFF đang bị giảm
Tên giải đấu được thay đổi từ V-League sang Super League sau khi VPF được thành lập. Trong khi V-League - tên giải vô địch quốc gia - đã được định hình và phổ biến với người Việt từ hơn 10 năm nay. Chưa kể, nếu đặt riêng rẽ cái tên Super League đứng bên cạnh giải đấu của các quốc gia khác, chắc hẳn nhiều người không biết Super League thuộc về nước nào. Thông lệ đặt tên cho giải vô địch quốc gia của các nước trong khu vực châu á thường lấy chữ cái đầu tiên trong tiếng Anh đi kèm chữ League để nhận biết giải đấu thuộc nước nào như J-League (Nhật Bản), K-League (Hàn Quốc), Thái-League (Thái Lan)…
Với sự lấn lướt, vượt mặt VFF thời gian qua, nhiều người đặt câu hỏi, việc thành lập VPF để điều hành giải vô địch quốc gia liệu rằng có phải là bầu Kiên chưa từ bỏ mục đích biến V-League thành Super Liga như đã tuyên bố? Liệu ông Kiên và một số ông bầu khác vẫn muốn ly khai giải đấu khỏi sự quản lý của VFF? Đặt ra câu hỏi này là bởi suốt 3 vòng đấu đầu tiên của mùa giải 2012, VPF đã không thừa nhận thẩm quyền của VFF trong nhiều quyết định.
Nếu đúng là như vậy thì hậu quả để lại sẽ rất lớn khi nền bóng đá nước nhà bị các ông bầu lũng đoạn, giải đấu không được thừa nhận và VFF có khả năng bị FIFA trừng phạt vì giải đấu quốc gia của Việt Nam không nằm trong sự quản lý, kiểm soát của đại diện mà FIFA và các Liên đoàn bóng đá châu lục và khu vực thừa nhận là VFF.
Bài học từ Indonesia
Vấn đề được chúng tôi nêu ở trên không phải là mới mà đã xảy ra và ở ngay khu vực Đông Nam Á gần chúng ta là Indonesia. Năm 2008, một nhóm các đội bóng mạnh tại xứ vạn đảo quyết định thành lập một giải đấu riêng với tên gọi Indonesia Super League (ISL). Tuy nhiên, tới tháng 11/2011, trước áp lực quá lớn từ FIFA, Hiệp hội bóng đá Indonesia (PSSI) buộc phải gấp rút kiện toàn đội ngũ và tiến hành chiến dịch “đòi” lại giải vô địch quốc gia.
Super League đã đi qua 3 vòng đấu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói
Super League đã đi qua 3 vòng đấu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói
8 đội bóng hàng đầu tại ISL đã bị PSSI phạt nặng. 37 trọng tài tham gia điều hành ISL cũng bị cấm hoạt động bóng đá vô thời hạn. Bên cạnh đó, hai quan chức hàng đầu của ISL bị cấm hoạt động bóng đá trong vòng 3 năm. PSSI cũng tuyên bố các cầu thủ đá tại ISL sẽ không được gọi tập trung lên đội tuyển quốc gia trừ khi quay lại thi đấu cho Indonesia Premier League (IPL) - giải đấu chính thức thuộc PSSI. Trong khi đó, nhà vô địch ISL mùa trước Persipura Jayapura đã bị loại khỏi AFC Champions League do ly khai khỏi giải VĐQG Indonesia.
FIFA cũng khẳng định sẽ cấm hoạt động với tất cả các cầu thủ, quan chức (không phân biệt quốc tịch) nếu vẫn cố tình tham gia ISL. Chính những cuộc thanh trừng trong nội bộ cơ quan quyền lực nhất bóng đá Indonesia đã dẫn tới việc HLV Afred Riedl phải sớm ra đi. FIFA cũng tuyên bố, nếu tới thời hạn 20/3/2012, PSSI vẫn chưa thể dẹp yên nội loạn, cầu thủ, quan chức, trọng tài nước này đều bị “đuổi” khỏi đời sống bóng đá thế giới.
Rõ ràng, FIFA chỉ công nhận giải đấu của quốc gia nào thuộc quyền quản lý điều hành của Liên đoàn hoặc Hiệp hội bóng đá của quốc gia đó. Cũng vậy, các ông bầu tại Việt Nam hoàn toàn có quyền lập ra một giải đấu mới, ly khai khỏi VFF, nhưng có lẽ chỉ… chơi thôi thì được. Còn nếu Super League (đang thể hiện như Super Liga-quyền hành nằm trong tay các ông bầu) mà bị ly khai, tách dần khỏi sự quản lý của VFF thì đó sẽ là thảm họa cho bóng đá Việt Nam.
Theo Vietnamnet