Xin đừng để trẻ con xem bóng đá Việt Nam!

19/01/2012 06:30
Hoàng Quân
(GDVN) - Nếu tôi có con, tôi sẽ không bao giờ cho nó xem đá bóng, kể cả là ĐTQG, vì muốn giữ gìn sự trong sáng và ngây thơ của những đứa trẻ.
Đất nào cam nấy

Thời Chiến quốc, sứ nước Tề là Án Anh sang giao thiệp với nước Sở. Vua Sở vốn là kẻ kiêu hùng nên muốn làm nhục nước Tề. Trong lúc ăn cam, vua Sở cho giải một tên tù nhân bị bắt vì ăn trộm, và bắt tên tù phải khai mình là người nước Tề để làm nhục Án Anh. Ông nhẹ nhàng đáp lại: “Tôi có nghe thứ cam này trồng ở Giang Bắc thì ngọt, nhưng mang sang trồng ở Giang Nam thì chua. Thế thì tên tù này ở Tề thì không ăn trộm nhưng sang Sở lại ăn trộm, là vì tại thổ nghi của nước Sở chứ đâu có tại nước Tề”.

Thời nay, người nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam không còn là chuyện gì hiếm hoi nữa. Có những người đã sinh sống tại đâu lâu năm, đã có gia đình cùng với người Việt, có con cái và sự nghiệp ổn định. Nhiều người trong số họ đến từ những quốc gia tiên tiến, và khi sang Việt Nam, không ít người đã phóng xe máy trên đường với cái đầu trần, và lấy lý do không hiểu tiếng Việt khi bị cảnh sát tạm giữ.
"Đất nào cam nấy", người nước ngoài đến Việt Nam không đội mũ bảo hiểm là chuyện đương nhiên!
"Đất nào cam nấy", người nước ngoài đến Việt Nam không đội mũ bảo hiểm là chuyện đương nhiên!
Bởi thế cho nên mới có câu thành ngữ “đất lành chim đậu”. Con người bản tính vốn thiện (theo Mạnh Tử), nhưng đất có tốt thì mới có người tốt. Nếu người nước ngoài đến Việt Nam cũng học cách phạm luật và đối phó với luật, đất Việt Nam có chắc là đất tốt?

Và nếu đất Việt Nam tốt như thế, vì sao bóng đá Việt Nam mỗi tuần lại có bạo lực?

Trên đời không có cái gì là tự nhiên cả. Bão không tự dưng nổi, ôtô không tự đi được, tháp Pisa không tự dưng nghiêng. Và Huy Hoàng cũng không vào bệnh viện với lý do nào ngẫu nhiên cả. Cầu thủ này tự mang họa vào thân dù cái chân của Samson là nguyên nhân trực tiếp.
Samson khiến Huy Hoàng phải vào viện, nhưng Huy Hoàng cũng chẳng oan ức gì ở đây
Samson khiến Huy Hoàng phải vào viện, nhưng Huy Hoàng cũng chẳng oan ức gì ở đây
Mà tất nhiên, đây không phải lần đầu chúng ta được thấy những pha bóng như thế. Vòng 23 V-League 2011 chứng kiến pha bóng dẫn đến cái chân gãy lìa của Thái Học (HAGL). Nhiều người khi đó đã kêu gào đòi BTC giải tìm cách ngăn chặn những thảm họa như thế này tái diễn. Tất nhiên, họ làm điều đó một cách vô ích.

Vô ích, đó là bởi như chúng ta đã biết, VFF năm nào cũng kết thúc mùa giải với một cuộc họp báo cáo tổng kết mà nội dung chính chắc chắn sẽ có chữ “thành công tốt đẹp” hay “về đích an toàn”. Như vậy là với họ, cái chân gãy của Thái Học, thành viên của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, không thể cản bước VFF đi tới đích. Điều đó khiến cá nhân tôi tin rằng nếu có cầu thủ nào mất mạng trên sân bóng hay trên đường về khách sạn, VFF vẫn sẽ tiếp tục “về đích”.

Vô ích, là bởi kể cả BTC giải có làm đủ mọi biện pháp, các cầu thủ vẫn sẽ tiếp tục đá bẩn, đá xấu. Cái máu bạo lực, máu ăn thua và sự dung tục đã ngấm vào trong cơ thể họ, đến tận xương tủy. Nó ngấm cả vào những người ngồi trên băng ghế huấn luyện, ngấm cả vào trọng tài, chạy cả trong mạch máu của một số cầu thủ nữ...
Nếu trả tiền cho AVG để xem những hình ảnh này, khán giả Việt Nam chắn chắn không bình thường
Nếu trả tiền cho AVG để xem những hình ảnh này, khán giả Việt Nam chắn chắn không bình thường
Và vô ích, vì chúng ta vẫn đang tiếp tục bỏ tiền ra đến sân thưởng thức hay mỗi ngày cuối tuần mở vô tuyến để theo dõi thứ bóng đá kiểu đó. Chúng ta xem và bình luận khiến những người xung quanh cũng xem, người lớn xem rồi bình luận khiến trẻ con cũng xem. Mà xem cái gì? Xem những cảnh bạo lực trên sân bóng. Mà phàm cái gì đập vào mắt cũng là cái dễ tác động tới thần kinh chúng ta nhất.

Đổi cuộc đời, thay thái độ

Bản chất của bóng đá không xấu, nó là thể thao, là sự thể hiện những phẩm chất của cơ thể con người, là cạnh tranh sòng phẳng và tinh thần hữu nghị. Nói chung, bóng đá không xấu, mà chẳng có sự vật vô tri vô giác trên đời này xấu cả (Cocain đâu có xấu, nó là thuốc giảm đau, chỉ vì con người mà nó thành ma túy).

Từ khi V-League ra đời, cuộc sống cầu thủ đã có định nghĩa khác. Cầu thủ giờ không còn phải tính toán chi li từng đồng một nữa, họ được trả lương cao và sống sung túc, thậm chí còn đầu tư kinh doanh.

Quy luật cuộc sống: nghề nào có ăn là sẽ có nhiều người nhảy vào. Không ít thanh niên có lẫn không có kỹ năng bóng đá đã tìm tới những đợt tuyển chọn của các CLB với hy vọng trở thành cầu thủ và đổi đời. Nhiều người trong số đó là những thanh niên nghèo, không có hoặc không thể trang bị những kỹ năng giáo dục.
Một con người bạo lực không phải từ bản chất mà từ môi trường
Một con người bạo lực không phải từ bản chất mà từ môi trường

Bóng đá Việt Nam tới lúc này vẫn chưa phải là bóng đá chuyên nghiệp. Các CLB tuy có đội trẻ, nhưng tổ chức hết sức lỏng lẻo. Và ngoại trừ những trung tâm đào tạo có quy mô lớn (như học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal), hầu hết đội trẻ của các CLB được gọi là “chuyên nghiệp” ở Việt Nam không hề tổ chức một mô hình giáo dục quy củ cho các cầu thủ. Họ chỉ được dạy học một cách hết sức hời hợt để có bằng tốt nghiệp, và bản thân người viết cũng nghi ngờ tính xác thực của những tấm bằng đó.

Không được trang bị đầy đủ về giáo dục, lại sống trong một môi trường VĐV (chỉ toàn nam giới hoặc nữ giới) vốn được coi là đầy rẫy những từ ngữ thô tục, hành xử thô bạo và cả những tật xấu, không khó hiểu khi các cầu thủ trở nên bạo lực trong thi đấu lẫn ứng xử. Đất nào thì cam nấy, đó là quy luật.

Người ta thường có châm ngôn “Thay thái độ, đổi cuộc đời”. Với các cầu thủ bóng đá ở Việt Nam, thứ tự câu nói đó bị lật ngược lại.

Xin đừng để trẻ em xem bóng đá Việt Nam

Chúng ta đều hiểu, đã ra sân là các cầu thủ hứng chịu đủ mọi rủi ro mà đôi khi họ không thể tránh khỏi vì sự tàn nhẫn của đối phương. Nhưng nhìn về phương diện cá nhân, nếu Huy Hoàng không cố ý chuồi bóng bằng cả hai chân, liệu anh có phải vào viện?

Đó có thể coi là một trong những quyết định ngu ngốc nhất trong sự nghiệp của trung vệ SLNA này. Một ngày nào đó, sẽ có người nhớ tới Huy Hoàng là “kẻ cố ý đạp gãy chân người khác nhưng hậu quả là ăn giày vào mặt”, chứ không phải nhớ tới với tư cách “đội trưởng đội bóng đá SLNA vô địch V-League 2011”. Còn gì xấu hổ hơn thế?
Thái Học với cái chân gãy. Liệu anh có còn cơ hội với bóng đá, và nếu không còn thì anh sẽ có cơ hội với cái gì đây?
Thái Học với cái chân gãy. Liệu anh có còn cơ hội với bóng đá, và nếu không còn thì anh sẽ có cơ hội với cái gì đây?

Nếu Huy Hoàng chưa bước qua tuổi 20, khi nhận cú đạp khủng khiếp ấy, liệu anh có còn cơ hội để trở lại với bóng đá không? Và xin Hoàng hãy tự hỏi mình, nếu anh đạp gãy chân một cầu thủ đối phương mới bước sang tuổi đôi mươi, anh có nuối tiếc vì đã tước đi miếng cơm manh áo của một thanh niên không được giáo dục bài bản và chỉ có một cơ hội để sống là bóng đá không?

Xin được nói thẳng, cho dù anh có cảm thấy nuối tiếc vì đã phá sự nghiệp của một ai đó trên sân, sự tiếc nuối đó chỉ là đạo đức giả. Nó chẳng khác gì những lời ăn năn hối lỗi của một kẻ cướp tiệm vàng trước vành móng ngựa, sợ hãi đến tột cùng bản án mình có thể phải nhận vì đã nhẫn tâm giết gần hết một gia đình để có những đồng tiền tiêu xài.

Chúng ta có nên lãng quên tên tuổi của một kẻ đá bẩn, hoặc chấp nhận sự xuất hiện của một thế hệ mới gồm những cầu thủ đá xấu?
Xin đừng cho trẻ con xem bóng đá, khi hậu quả của nó là những hình ảnh như thế này
Xin đừng cho trẻ con xem bóng đá, khi hậu quả của nó là những hình ảnh như thế này
Hy vọng là chúng ta sẽ không phải làm thế, vì chúng ta vẫn còn vương vấn chút tình cảm với những đội bóng, cầu thủ mình yêu mến và quan trọng hơn, lòng tự hào dân tộc. Nhưng cho đến khi cả nền bóng đá Việt biết nhìn lại mình, xin các bậc phụ huynh đừng cho trẻ em xem bóng đá.

Bởi vì, khi các bậc phụ huynh làm như vậy, là chúng ta đã ngăn chặn một phần những nọc độc của bạo lực. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.

* Bạn đọc có ý kiến khác xin gửi qua hộp thảo luận cuối bài hoặc qua email toasoan@giaoduc.net.vn (Gõ tiếng Việt có dấu)! Trân trọng!
Hoàng Quân