GS.TSKH Lê Tuấn Hoa:

'Hãn hữu GS Ngô Bảo Châu mới dùng quyền quyết định cao nhất'

16/05/2013 07:42
Trường Giang
(GDVN) - "Chúng tôi luôn tranh luận với nhau một cách thẳng thắn không câu nệ anh ấy có trình độ Toán học cao, hay là tôi già hơn", GS.TSKH Lê Tuấn Hoa.
LTS: GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học VN, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (GS Ngô Bảo Châu là Giám đốc khoa học của Viện này) đã dành cho Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện sâu sắc xung quanh 4 vấn đề chính: Về thực trạng chương trình và việc dạy - học hiện nay; Về thi học sinh giỏi Toán; học Toán để làm gì; và về GS Ngô Bảo Châu. 
Chúng tôi xin lần lượt đăng tải nội dung cuộc trò chuyện với GS Lê Tuấn Hoa theo những nội dung trên. Bài tiếp theo là về Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và GS Ngô Bảo Châu.

Bài 1: Chủ tịch Hội Toán học: 'Cày đi cày lại tốt hơn cày 1 lần' là lầm to!

GS Ngô Bảo Châu (giữa) trong buổi gặp mặt thân mật tại Viện Toán học hồi năm 2010.
GS Ngô Bảo Châu (giữa) trong buổi gặp mặt thân mật tại Viện Toán học hồi năm 2010.

Viện nghiên cứu cao cấp về toán và GS Ngô Bảo Châu

- Đã 1 năm sau khi thành lập, là giám đốc điều hành Viện Toán cao cấp, ông thấy vai trò của Viện như thế nào trong đời sống toán học nước nhà?
Về khoa học nói chung và về toán học nói riêng hay bất cứ điều gì thì không thể tạo ngay ra một sự thay đổi tức thì, một thay đổi rõ ràng được. Nó chỉ mới bắt đầu khởi sắc và bắt đầu tạo ra tiền đề. Đây là nơi bồi dưỡng để những người thầy càng ngày càng giỏi hơn.
Hầu hết mọi người đều cho rằng đây là một môi trường tốt. Nhiều người từng đi nước ngoài nhiều lần có nhận xét Viện tương tự như ở nước ngoài. Đối với những người ít đi  thì cho rằng đây là môi trường chưa từng thấy, giúp làm việc hiệu quả. Với cương vị là giám đôc điều hành tôi luôn xem đó là những lời động viên, khích lệ, chứ không xem là một sự hoàn hảo. Do vậy tôi luôn nhắc nhở Văn phòng phải cố gắng nhiều hơn nữa.
- Việc liên lạc làm việc giữa ông và GS Ngô Bảo Châu diễn ra như thế nào?
Vì có internet nên sự trao đổi, kết nối giữa tôi và giáo sư Ngô Bảo Châu rất thuận tiện. Những công việc điều hành hàng ngày thì tôi làm không nhất thiết phải có anh Châu, nhưng những vấn đề lớn thì hai anh em đều trao đổi với nhau thường xuyên qua internet thậm chí qua điện thoại. Ví dụ như nên mời những nhà toán học nào trên thế giới đến làm việc khi tổ chức một sự kiện lớn. Tất nhiên người quyết định cuối cùng chọn ai, định hướng như thế nào là anh Châu trên cơ sở tư vấn của Hội đồng khoa học. Khi họ đến rồi thì tôi là người chịu trách nhiệm tạo điều kiện cho họ làm việc tốt nhất.
- Trong công việc, ông và GS Ngô Bảo Châu liệu có những bất đồng?
Chúng tôi tranh luận rất nhiều, nhưng rất may đến nay vẫn chưa có bất đồng gì. Các mảng phụ trách của chúng tôi tương đối khác nhau. Anh Châu quan tâm đến những chuyện chiến lược, định hướng lớn, còn những việc làm cụ thể thì anh Châu không có thời gian. Anh còn có nhiều việc phải làm bên Chicago. Vì vậy, thực ra việc cũng không bị chồng chéo nhau. 
Còn chuyện định hướng thì đều có sự trao đổi, tranh luận rất nhiều trong hội đồng khoa học gồm 14 người. Có những lúc rất căng thẳng, nhưng cuối cùng đều đi đến kết luận và mọi người đều vui vẻ. Chúng tôi rất tôn trọng nhau.
- Trong khi làm việc cùng nhau, ông nhận thấy có những điểm nổi bật gì trong cách làm việc của GS Ngô Bảo Châu?
Anh Châu là nhà khoa học lớn của thế giới. Vì vậy không có chuyện vì lý do cá nhân mà anh quyết định chuyện này hay chuyện khác. Anh cũng không ỷ lại việc anh có địa vị toán học cao hơn hẳn mà không lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp trong Viện.
Chúng tôi luôn tranh luận với nhau một cách thẳng thắn không câu nệ anh ấy có trình độ Toán học cao, hay là tôi già hơn. Nhưng chúng rất tôn trọng nhau. Dựa trên ý kiến của nhiều người, chúng tôi cùng đưa ra quyết định. Chỉ có những trường hợp vô cùng hãn hữu anh Châu mới phải dùng đến quyền quyết đinh cao nhất của mình để đưa ra kết luận. Bình thường lấy đa số là chính. 

GS Lê Tuấn Hoa và GS Ngô Bảo Châu.
GS Lê Tuấn Hoa và GS Ngô Bảo Châu.

- Đối với bản thân GS, trước 1 vấn đề khoa học liệu ông có sự “nể nang” đối với thầy của mình?
Trong khoa học thì chân lí là cao nhất, nên không thể có chuyện nể nang trước sự đúng sai. Ý anh nói chắc là câu chuyện hành chính.
GS Ngô Việt Trung là thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi (cùng với một giáo sư nước ngoài). Vì vậy, tôi với giáo sư rất thân thiết với nhau, và tôi vẫn gọi là anh. Nhưng khi cùng điều hành Viện Toán học (anh là Viện trưởng từ 2007, còn tôi là Phó Viện trưởng từ 1998), thì tôi và anh lại là hai người thường xuyên tranh luận quyết liệt với nhau. 
Nếu không có ẩn ý cá nhân, thì đều có thể tranh luận với nhau mà không xảy ra mâu thuẫn gì cả. Dù có ý thức thực thi một khi thủ trưởng đã quyết, nhưng trong quá trình thực thi nếu thấy sai lệch tôi vẫn tiếp tục tranh luận. Đôi khi tôi sai, nhưng đôi khi cũng đã làm thay đổi quyết định đã ban hành.
- Đối với những người học trò của mình, GS sẽ cư xử như thế nào?
Tôi rất thích sự bình đẳng. Mà muốn bình đẳng phải tạo tra môi trường bình đẳng. Vì vậy, nhiều học  trò kém tôi vài chục tuổi hẳn hoi, sau khi bảo vệ luận án, luận văn (tiến sĩ, thạc sĩ, đại học) tôi đều đề nghị thôi không “thầy trò nữa”, mà chuyển sang gọi là “anh em”. Một số đồng ý, một số không. Nhưng tôi cho rằng chuyển gam sẽ tốt hơn. Khi đó tranh luận đúng sai (nhất là trong thảo luận khoa học) sẽ dễ hơn.
Chính vì vậy, dù trong bậc phổ thông tôi có giúp Châu học một thời gian, và khi đó chúng tôi gọi nhau là “chú cháu”. Nhưng ngày Châu báo tin với tôi là vừa bảo vệ xong luận án Tiến sĩ, tôi đã đề nghị ngay là chuyển sang “anh, em”. Rất may là Châu đồng ý. Sau này khi Châu trở nên nổi tiếng, tôi càng thấy đề xuất của mình thật sáng suốt (Cười vui).
- Xin cảm ơn Giáo sư!

* Còn tiếp...
Trường Giang