Trong thời đại 4.0, muốn trở thành thẩm phán, luật sư cần có những yếu tố gì?

26/04/2024 15:58
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các vị khách mời của Trường Đại học Luật (ĐHQGHN) đã có những chia sẻ về những yếu tố để trở thành thẩm phán, luật sư, công chứng viên, giảng viên. 

Sáng 26/4, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức toạ đàm chuyên đề đào tạo luật và thực tiễn nghề luật ở Việt Nam trong thời đại pháp quyền và kỷ nguyên công nghệ số: Đối thoại giữa nhà tuyển dụng và người học.

Tại buổi toạ đàm, các thẩm phán cao cấp, luật sư, công chứng viên và giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những chia sẻ, phân tích, trả lời các bạn sinh viên về việc đào tạo, thực tiễn nghề luật hiện nay.

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-to-chuc-toa-dam (3).JPG
Toàn cảnh buổi toạ đàm (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tại buổi toạ đàm, ông Chu Thành Quang - Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có những chia sẻ về nghề thẩm phán, cùng với những áp lực đối với nghề.

Ông Quang cho biết, hiện nay trong ngành toà án có 6500 thẩm phán, trong đó có 15 thẩm phán toà án nhân dân tối cao, có 170 thẩm phán toà án nhân dân cấp cao, và hiện có ba toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào năm 2012, Chính phủ phê duyệt biên chế toà án là hơn 15 nghìn người. Hiện ngành toà án mới tuyển được 13 nghìn người. Toà án cả nước giải quyết 600.000 vụ án/năm, trong khi đó chỉ có hơn 6.000 thẩm phán.

“Bên cạnh đó ngành Toà án cũng sẽ cơ cấu lại. Vì vậy, cơ hội làm việc trong ngành Toà án dành cho các bạn sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội là rất lớn”, ông Quang chia sẻ.

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-to-chuc-toa-dam (1).JPG
Ông Chu Thành Quang - Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông Quang chia sẻ thêm, ở nước ta, chức vụ thẩm phán đã được quy định trong luật tổ chức toà án 2014 và hiến pháp. Toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người.

Thẩm phán không chỉ làm nhiệm vụ xét xử, bên cạnh đó còn có những việc khác như xử lý hành chính, đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện, tuyên bố huỷ bỏ quyết định hành chính trái pháp luật, ban hành án lệ…

Chia sẻ với các bạn sinh viên về yêu cầu với thẩm phán, ông Quang nói, có 3 nguyên tắc gồm, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (đây là yếu tố quan trọng nhất); vô tư khách quan; giải quyết kịp thời công bằng và công khai.

Về mặt truyền thống, đó là thực hiện những khẩu hiệu của lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về ngành toà án. Một trong số đó là câu nói, toà án phải đảm bảo nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

“Theo tôi, từ liêm khiết là cao nhất đối với nghề nghiệp của chúng tôi”, ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, đối với sinh viên, ông nhận định môn Lý luận chung về pháp luật và Triết học là rất quan trọng, qua môn học này sinh viên biết nhìn nhận, đánh giá về sự vật hiện tượng. Bên cạnh đó, ông cho rằng, sinh viên phải chủ động cập nhật, kiến thức văn bản luật và dưới luật được sửa đổi bổ sung.

Bà Trần Thị Quỳnh - Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho hay, bà là cựu sinh viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), bà cảm thấy vinh dự khi làm thẩm phán.

“Bên cạnh vinh dự, cũng là những áp lực, bởi nếu quyết định của thẩm phán mà sai thì dân còn biết tin ai. Bên cạnh đó là áp lực công việc nhiều, trong khi số lượng thẩm phán ít, chế độ đãi ngộ và bảo vệ thẩm phán cũng rất hạn chế. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý đến người thẩm phán.

Thực tế, vì những áp lực đó, có những thẩm phán bỏ nghề. Vì vậy, các bạn sinh viên muốn trở thành thẩm phán phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, phải thực sự bản lĩnh là vượt qua những áp lực như tôi vừa nói và vượt qua xu hướng chạy theo tiền tài của xã hội. Bản lĩnh là kỹ năng quan trọng nhất là điều các bạn cần có.

Thành công của người thẩm phán không phải là kiếm được nhiều tiền, mà là lấy được niềm tin của người dân”, bà Quỳnh chia sẻ.

Theo bà Quỳnh, sinh viên cần phải rèn luyện tư duy logic và nền tảng trực quan. Bởi lẽ, các quy định của pháp luật không bao quát được hết tình huống thực tiễn. Các bạn sinh viên cũng cần có kỹ năng thu thập tài liệu để phục vụ công việc.

“Nếu cho tôi lựa chọn lại, tôi vẫn chọn nghề thẩm phán, để tạo cho xã hội nền công lý”, bà Quỳnh chia sẻ.

Chia sẻ về thách thức đối với nghề luật sư, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật Hà Lan và cộng sự cho hay, nghề luật sư trong thời đại công nghệ 4.0 sẽ có 2 xu hướng. Mặt thuận lợi đó là tiếp cận thông tin về văn bản luật được nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, khó khăn với luật sư cần phải vượt qua là phải chịu khó tìm hiểu hành lang pháp lý, không nên chủ quan dựa vào công nghệ. Bởi lẽ, khi cần giải quyết sự việc, luật sư mới tìm đến công nghệ để tìm hiểu về luật, lúc đó sẽ khó có giải quyết được luôn vấn đề.

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-to-chuc-toa-dam (2).JPG
Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật Hà Lan và cộng sự. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ví dụ như nếu gặp khách hàng có vấn đề về hình sự, nếu chúng ta không am hiểu về luật, khách hàng sẽ đặt dấu hỏi về năng lực luật sư.

Tại trường đại học, sinh viên được học môn Lý luận nhà nước pháp lý, Triết học… trong đó, ông Hà cho rằng, triết lý của môn Triết học gắn với nghề luật sư.

“Nếu như trước đây, tôi học Triết học càng học càng không hiểu nhưng đến độ tuổi của tôi, chúng tôi mới thấy sự thấm thía của môn Triết học. Giả dụ, trong nghề luật sư, nếu chúng ta đốt cháy giai đoạn, sẽ khó có thể tiếp cận các vấn đề có liên quan”, ông Hà chia sẻ.

truong-dai-hoc-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-to-chuc-toa-dam (4).JPG
Tại buổi toạ đàm, sinh viên đã đặt câu hỏi cho các vị khách mời. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chia sẻ về việc tiếp cận thông tin của giảng viên ngành luật khi công nghệ đang phát triển, PGS.TS Trần Kiên - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, bản thân ông đã trải nghiệm các công nghệ của AI và ông nhận thấy, công cụ này có thể soạn văn bản bào chữa.

Lấy ví dụ khác, ông Kiên nói, từng có trường hợp muốn nhờ công nghệ AI để quét bằng sáng chế của họ và nó đã quét hơn 2 triệu bằng sáng chế của các nước. Từ đó, đưa ra câu trả lời cho phát minh của người sáng chế liệu có thành công, hay sẽ bị kiện.

Quay trở lại với nghề giảng viên, PGS.TS Trần Kiên cho hay, cho dù chúng ta có chấp nhận sự cạnh tranh của công nghệ ảo hay không nhưng sự tác động của công nghệ là có.

Trong công việc giảng dạy, ông Kiên thường sẽ khuyên sinh viên khi làm bài tập hãy thay vì làm bằng giấy, hãy dùng các công nghệ như làm bằng video, clip để bớt sự nhàm chán.

Tại buổi toạ đàm, ông Trương Tuấn Lương - Công chứng viên, Văn phòng Công chứng Lê Vinh Hoa có những chia sẻ về nghề công chứng.

Nghề công chứng có yếu tố đặc thù rất cao, đó là chịu trách nhiệm về yếu tố pháp lý. Bên cạnh đó, cần có chuyên môn, kỹ năng tư duy và kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp.

Ông Lương chia sẻ, đối với sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, về kiến thức chuyên môn và kỹ năng tư duy, nhà trường có thể giúp cho sinh viên hình thành những điều này, còn đối với đạo đức sẽ được hình thành khi làm nghề.

Về sự ảnh hưởng từ công nghệ 4.0, ông Lương cho hay, hiện nay chúng ta có công nghệ AI để giải quyết các vấn đề của con người. Đó cũng là cơ hội và thách thức với nghề công chứng, nếu chúng ta lệ thuộc vào nó sẽ không đảm bảo cho sự phát triển của cá nhân.

“Vì vậy, chúng ta phải biết ứng dụng công nghệ AI vào trong công việc, và phải đảm bảo việc công nghệ không thể thay thế cho công chứng viên”, ông Lương chia sẻ.

Mạnh Đoàn