Làm thật để phản biện nền giáo dục

19/05/2013 09:46
Theo TT&VH
Đó là lý lẽ giản đơn để ông thầy 80 tuổi Phạm Toàn khởi xướng một chương trình cải cách giáo dục được giới sư phạm và dư luận đánh giá là “cấp tiến” nhưng cũng gặp không ít hoài nghi.
Tôi đến hỏi chuyện nhà giáo Phạm Toàn tại căn nhà ông thuê với giá 3,5 triệu đồng/tháng tại đường Lạc Long Quân, Hà Nội. Ông ở nhà số 4 phụ, tức là một gian nhỏ được chia ra để cho thuê bên cạnh nhà số 4 chính. Sống gần Hồ Tây dù không phải đại gia, nhưng chiều chiều, ông có thể đi bộ ra hồ cũng là cái thú ít ai có được.
Nhà giáo Phạm Toàn trao bộ SGK tiểu học của Cánh Buồm cho nhà văn hóa Nguyên Ngọc trong hội thảo “Em biết cách học” hôm 6/10/2012 ở Hà Nội. Ảnh: Hạ Huyền
Nhà giáo Phạm Toàn trao bộ SGK tiểu học của Cánh Buồm cho nhà văn hóa Nguyên Ngọc trong hội thảo “Em biết cách học” hôm 6/10/2012 ở Hà Nội. Ảnh: Hạ Huyền

Ông già và “những bạn trẻ”

Khi tôi đến, người đứng đầu nhóm Cánh Buồm đang làm dở bài thuyết trình về chương trình giáo dục trung học của nhóm để vài hôm tới trình bày trước các cộng sự. Sau bộ sách bậc tiểu học (chưa có môn Toán), bước tiếp theo, Cánh Buồm dự định soạn thêm đến lớp 10. Tức là, chương trình của nhóm sẽ bao quát 10 năm đầu đi học của mỗi con người.

Tôi hỏi chuyện ông, ông lại say mê kể về “những bạn trẻ” trong nhóm: “Biết mấy bạn trẻ trong nhóm tôi chúng nói thế nào không: Mình không làm thì ai làm?. Không phải vì chúng nó giỏi hơn tất cả, chỉ là biết nhận trách nhiệm sớm hơn thôi. Tôi yêu nhóm Cánh Buồm là vì thế”.

“Mấy đứa trẻ” của Phạm Toàn cũng vào độ tuổi dưới 30, không còn quá trẻ, nhưng so với ông lão 80 thì đúng là “trẻ”. Khi chọn những người trẻ vào nhóm Cánh Buồm để làm sách, ông muốn đó còn là “sự lựa chọn cho tương lai” để lớp trẻ tiếp tục nối dài con đường ông đang đi.

Cũng dễ hiểu khi với tư duy “trẻ” ấy, Phạm Toàn có thể thích ứng với phong cách làm việc dồn dập đầy chất “công nghiệp hóa”, phù hợp với những người trẻ hơn là một ông lão 80. “Tối 6/10 hội thảo công bố bộ SGK ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) thì đến 5/10 mới in xong cuốn cuối cùng là Văn lớp 5″ – ông nói.

Chỉ nói suông, không cải cách giáo dục được

Hiện nay xã hội có rất nhiều ý kiến về cải cách giáo dục. Nhà giáo Phạm Toàn nói: “Tôi thấy sốt ruột. Tôi không đủ kiên nhẫn chờ những việc làm để cụ thể hóa những tư tưởng tốt đẹp và to tát. Tôi nghĩ: Cốt lõi của giáo dục là ở nội dung học, sau đó là cách học và cách dạy. Nghĩ thế, nên tôi chủ động tạo ra một bộ sách. Trong bộ sách đó chứa đựng cả triết lý giáo dục, cả nội dung học, cả cách học và cách dạy. Đơn giản vậy thôi. Ít ra thì xã hội cũng có chỗ bám víu cụ thể để hình dung con em mình sẽ trở thành con người như thế nào”.

Tôi nhắc lại thắc mắc của nhiều người, vì sao trong bộ sách tiểu học Cánh Buồm mới chỉ có môn Tiếng Việt, Văn. Còn các môn Lối sống, Tiếng Anh, Khoa học – Công nghệ vẫn chưa xong cho cả 5 lớp. Và cũng chưa có môn Toán?

Nhà giáo Phạm Toàn giải thích: “Nhóm Cánh Buồm rất ít người. Nhưng nếu có thêm người, chúng tôi cũng không soạn sách Toán. Trình độ chúng tôi không cho phép. Xã hội nhiều nhà giáo dạy Toán tài ba, nên việc đó không nhất thiết rơi vào tay nhóm Cánh Buồm. Thế nhưng Cánh Buồm vẫn soạn những sách rất khó, như môn Tiếng Việt, Văn, Lối sống”.

Cánh Buồm có phiêu lưu?

Đánh giá một công việc xem có phiêu lưu hay không dựa trên hai điều cơ bản. Một là, xem đường lối của công việc đó có đáng tin cậy không – đây là công việc của chuyên gia. Hai là, xem vận dụng trong thực tiễn có ổn không?

Nhóm Cánh Buồm đang chờ đợi sự phản biện của các chuyên gia. Còn trong quá trình thực hành, những cuốn sách đang chờ thêm những nhận xét của người dùng sách để tiếp tục đổi mới cho phù hợp với thực tiễn.

“Cánh Buồm dùng việc làm cụ thể, việc làm thật, để “phản biện” lại nền giáo dục đang khủng hoảng. Chúng tôi không nói suông và chúng tôi càng không bao giờ “chọc gậy bánh xe”. Cánh Buồm mong chờ những ý kiến với nhiều giá trị phản biện. Hãy chỉ ra chỗ nào chúng tôi còn thiếu sót về lý thuyết và những khó khăn của người dùng sách trong thực tiễn” – nhà giáo Phạm Toàn tâm sự.

Phạm Toàn sinh năm 1932, quê ở Đông Anh, Hà Nội.

Năm 1951, ông bắt đầu viết văn với bút danh Châu Diên. Về sau ông còn dịch tiểu thuyết, từng dịch các tác phẩm của Victor Hugo, Carlo Goldoni, Jean-Paul Sartre, A.de Saint-Exupéry, Đới Tư Kiệt… Nhưng sự nghiệp chính của ông là sư phạm.

Phạm Toàn đính chính, ông không phải là “Giáo sư” như trên báo thường viết, cách gọi chính xác nhất là “nhà giáo”. Cách đây hơn 30 năm, ông bắt tay vào soạn sách giáo khoa cho trường Tiểu học Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, chủ yếu ở hai môn Văn và Tiếng Việt.

Trong số những phản biện mà ông nhận được, có ý kiến cho rằng: “Cách giáo dục cũ giúp chúng tôi học xong thì biết viết, biết làm tính, vậy thì đâu đến nỗi thất bại?”. Phản hồi của nhà giáo Phạm Toàn: “Nếu chỉ nhìn bản thân mình và tự mãn với những cái nhỏ bé đã có, thì xin cứ tiếp tục! Nhưng chúng ta phải tìm ra cái tốt hơn cho con em chứ! Khi soạn sách, nhóm mong sao cho học sinh có được tư duy khoa học và tâm hồn phong phú”.

Nhóm Cánh Buồm đã chuyển 200 bản SGK cho tạp chí Tia sáng, các nhà giáo, học giả, các nhà xuất bản và nhiều nhà báo, nhà hoạt động xã hội. GS Ngô Bảo Châu từ Mỹ cũng gửi thư điện tử về xin một bản và đã được nhóm đáp ứng, nhưng hiện nhóm vẫn chưa thấy phản hồi của giáo sư (thông tin tính đến ngày 16/10).

“GS Ngô Bảo Châu là người thẳng thắn, nếu thấy sách dở thì sẽ không khen cho được lòng đâu” – nhà giáo Phạm Toàn nói. Nhiều người nói ông là thầy cũ của GS Châu, nhưng thực ra, ngày ở trường Thực nghiệm, ông chủ yếu làm công việc soạn SGK chứ không trực tiếp dạy.

GS Vũ Thế Khôi từng nói (trong hội thảo “Em biết cách học” ở Hà Nội ngày 6/10), cả hai nhà sư phạm Phạm Toàn và Hồ Ngọc Đại đều bắt đầu nghĩ về con đường giáo dục mới cho Việt Nam từ “nửa thế kỷ trước”, thời mà ít ai trong số chúng ta nhận thấy đổi mới giáo dục luôn là điều cấp thiết.

Nửa thế kỷ, là hơn nửa đời người.

Theo TT&VH