Trọng dụng nhân tài để quyết định tương lai đất nước

19/09/2011 10:50
(GDVN) - Dân tộc Việt Nam ta đã trường tồn và phát triển như ngày nay, một yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đó là việc chăm lo đến giáo dục.
Từ lâu Ông cha ta đã cho rằng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Câu nói đó được hiểu là nguyên khí mạnh thì nước mạnh, nguyên khí suy thì nước suy.

Chính vì lẽ đó, việc đào tạo và kén chọn nhân tài trở thành một yêu cầu cho chính sự tồn tại và phát triển của đất nước và mãi mãi là phương châm xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc ta.

Trong thời đại ngày nay, thời đại mà khoa học và kỹ thuật phát triển vô cùng nhanh chóng, thì việc đào tạo nhân tài không chỉ là yêu cầu trước mắt mà chính là yếu tố quyết định đến sự phát triển và rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với phần còn lại của thế giới.

Sở dĩ đặt vấn đề như vậy chính là xuất phát từ chỗ, tri thức cần được coi là tài nguyên lớn nhất, quan trọng nhất, không có bất kì tài nguyên nào có thể so sánh được trong thời đại ngày nay. Khi ta nhận thức được rằng tài nguyên thiên nhiên dù phong phú đến đâu cũng không phải là vô hạn, trong khi đó nguồn lực về nhân tài lại là nguồn lực không giới hạn.

Trong môi truờng cạnh tranh, với các điều kiện so sánh giống nhau, nước nào biết cách chăm lo đến giáo dục bồi dưỡng nhân tài, nước đó sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh ưu thế về kinh tế - kỹ thuật và từ đó phát huy nhanh chóng sức mạnh tổng hợp thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ta có thể lấy Singapore làm ví dụ: với một đất nước gần như không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng biết khơi dậy và chăm lo đến việc đào tạo nguồn nhân lực, đến nay từ một đất nước của những “làng chài” đã trở thành một nước công nghiệp, trong đó có cả các ngành kinh tế mũi nhọn phát triển hết sức rực rỡ.

Từ thực tế đã diễn ra trên thế giới và khu vực, khẳng định một thực tế là muốn tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vấn đề có ý nghĩa cấp bách là phải hình thành và thực thi một chiến lược và sách lược toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực trong đó có việc đào tạo những nhân tài cho đất nước, những người vừa nắm vững và có khả năng tiếp cận với trình độ khoa học và kỹ thuật hiện đại, vừa có khả năng ứng dụng kiến thức đó vào thực tế đời sống.
TS Lê Đình Viên
TS Lê Đình Viên
Như vậy vấn đề là: Làm sao để có nhân tài, nhân tài được tìm ra ở đâu và để có nhân tài cần những điều kiện gì?

Trả lời cho những câu hỏi trên đây, chính là cách xử lý và giải đáp một vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận vừa có ý nghĩa thực tiễn đối với nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Thực tế cho thấy rằng, sự xuất hiện nhân tài của một quốc gia gắn liền với nền giáo dục quốc gia đó. Từ việc coi giáo dục và đào tạo không chỉ là là nơi đào tạo nhân tài mà còn là nơi phát hiện nhân tài cho đất nước. Chính vì vậy, việc phát triển mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo chính là con đường tìm ra nhân tài và cung ứng nhân tài, từ đó góp phần hình thành một xã hội trí thức – động lực phát triển của kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nhân tài không thể và không phải là những gì bất biến mà cần thiết phải được đào tạo và huấn luyện liên tục, tạo điều kiện để họ có thể học tập suốt đời, thích ứng với những phát triển và đổi thay nhanh chóng của khoa học và công nghệ, của tổ chức sản xuất và phương thức sản xuất trong một nền kinh tế hiện đại và biến đổi không ngừng. Và chính quá trình đó cũng chính là quá trình phát triển xã hội và con người.

Để góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược là đưa nước ta, về cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, trong số những vấn đề cần được quan tâm có vấn đề là thực thi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nhân tài. Phải có một chiến lược và sách lược đầy đủ và toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo.

Sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước ta đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều lĩnh vực như: y tế, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước…, nhưng trước mắt cần tập trung chú ý vào các lĩnh vực thuộc khoa học công nghệ, khoa học quản lý kể cả quản lý nhà nước.

Để thực hiện chiến lược vừa nêu trên, trong phạm vi bài viết lần này chúng tôi chỉ đề ra các vấn đề cốt lõi về lĩnh vực đào tạo sau đây:

1.    Về chất lượng đào tạo

Chất lượng đào tạo là yếu tố cực kỳ quan trọng, phản ảnh hưỡng trực tiếp đến khả năng làm việc của người được đào tạo khi ra trường theo một chuẩn tối thiểu cho từng khu vực. Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần hết sức quan tâm đến các yếu tố cơ bản liên quan đến chất lượng đào tạo, đó là chương trình đào tạo, cơ sở vật chất của đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên.

Về chương trình đào tạo

Đối với chúng ta, xuất phát từ một nền kinh tế công ngiệp lạc hậu, có trình độ phát triển kinh tế ở mức thấp thì việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong hiện tại mà còn cho tiềm năng phát triển trong tương lai, thích ứng với những phát triển chung của khoa học và công nghệ. Chính vì vậy cần chú ý nhiều đến khả năng thực hành ứng dụng và tất nhiên không thể coi nhẹ việc việc giảng dạy và nghiên cứu lý thuyết.

Quan tâm đến chất lượng của đội ngũ giảng dạy

Tục ngữ của dân tộc ta có câu “Không thầy đố mày làm nên” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác lập vị trí xứng đáng của người thầy trong sự nghiệp giáo dục và là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên để có một đội ngũ cán bộ giảng dạy đạt nhu cầu, có khả năng nắm bắt những kiến thức khoa học chuyên ngành hiện đại và đón đầu những phát triển trong tương lai là điều phải phấn đấu lâu dài, bằng các bước đi thích hợp và theo một lộ trình được hoạch định ở mỗi Trường đại học.
Chất lượng giáo trình và sách giáo khoa

Cùng với các yếu tố trên, chất lượng giáo trình và sách giáo khoa là một trong những yếu tố quyết định đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. Việc chăm lo để có đủ giáo trình và sách giáo khoa thuộc tất cả các môn, đáp ứng nhu cầu của sinh viên là yêu cầu bắt buộc.

Tuy nhiên, thường thì ở mỗi trường Đại học xuất hiện nhiều trường phái khoa học khác nhau và do vậy cần động viên khuyến khích cán bộ giảng dạy nghiên cứu khoa học, đầu tư công sức để có được những bộ giáo trình và sách giáo khoa ở mỗi trường đại học và sẽ được xã hội thẩm định và đánh giá.

Việc tôn trọng các trường phái khoa học ở mỗi trường Đại học về từng lĩnh vực khoa học chính là làm phong phú thêm chất lượng của giáo trình và sách giáo khoa, một công cụ quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức khoa học trong sinh viên.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy được xem là sản phẩm của ba yếu tố nói trên, vừa là kết quả của quá trình đứng trên bục giảng của một người thầy, là tổng hợp tiềm năng, công sức và trí tuệ của chính họ, quyết định rất lớn đến chất lượng đào tạo – suy nghĩ về câu nói nổi tiếng của Nhà giáo dục học Thomas Carruther: “Một người thầy giỏi là người càng lúc càng không cần đối với học trò”, đã cho chúng ta cảm nhận được phương pháp giảng dạy có ý nghĩa to lớn đến như thế nào.

Cũng giống như những sản phẩm trong nền kinh tế thị trường, “sản phẩm” được đào tạo phải là những sản phẩm mà xã hội đang có nhu cầu, từ đó kéo theo một sự ràng buộc khác thuộc phương pháp giảng dạy là “hãy truyền đạt những gì mà xã hội đang cần, chứ không chỉ những gì người thầy đang có”.

Cách đặt vấn đề như trên chính là xuất phát từ việc coi sinh viên là người thụ hưởng kết quả đào tạo, là chủ thể của quá trình đào tạo. Do vậy nhà trường nên khích lệ giảng viên giảng dạy theo phương pháp tích cực, kích thích tư duy độc lập và sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học, khuyến khích thầy giáo, cô giáo đánh giá kết quả học tập của sinh viên thông qua thảo luận qua việc làm nhóm, tổ và đặc biệt cần trân trọng ý kiến cá nhân.

2. Về cơ sở vật chất của đào tạo

Cơ sở vật chất của đào tạo được hiểu rất rộng bao gồm các giảng đường, các phương tiện giảng dạy hiện đại như: projector, overhead, máy móc và các thiết bị khác: thư viện, nhà ăn, ký túc xá sinh viên, phòng thí nghiệm...v..v.

Chúng ta quan niệm rằng cơ sở vật chất của đào tạo trở thành một điều kiện cho việc dạy tốt và học tốt, vì nếu không có cơ sở vật chất đủ mạnh sẽ khó nói đến nâng cao chất lượng đào tạo và càng không thể kỳ vọng ở nó. Thông thường nhà nước sẽ góp phần vào mảng đầu tư này kể cả ở các cơ sở giáo dục tư thục.

3. Về nghiên cứu khoa học

Học tập và nghiên cứu khoa học gắn bó chặt chẽ với nhau như là hai mặt của một thực thể. Sẽ không có chất lượng đào tạo tốt nếu không quan tâm đến nghiên cứu khoa học.

Đối với sinh viên trong các trường đại học, nghiên cứu khoa học chính là bước thử nghiệm, tập dượt dưới sự hướng dẫn khoa học của thầy cô giáo, nhằm giúp họ có thể độc lập nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Chính vì xác định tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cần thiết phải tổ chức công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngay từ năm học đầu tiên của bậc đại học, tạo thói quen, niềm say mê trong nghiên cứu khoa học, từ đó từng bước tạo ra được những sản phẩm khoa học có ý nghĩa ứng dụng và giá trị lý luận.

Để tạo điều kiện nghiên cứu khoa học trong sinh viên, ở trường đại học cần phải phối hợp với các cơ quan quản lý khoa học, kỹ thuật, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học hoặc tham gia vào các cuộc hội thảo ấy, coi đó là cách tạo môi trường và không khí nghiên cứu khoa học trong các Trường Đại học.

4. Về hợp tác quôc tế

Sống trong bối cảnh của sự hội nhập ngày càng sâu sắc và toàn diện hiện nay thì việc đào tạo không thể đơn độc mà phải hợp tác và liên kết ở các mức độ khác với các trường đại học và các viện nghiên cứu trên thế giới. Từ đó trường có thể mở rộng, không chỉ là tầm nhìn mà còn tạo ra các kênh thông tin thông thoáng để thu nhận những kiến thức mới.

Đặt vấn đề như vậy vì chúng ta coi những thành tựu về khoa học và kỹ thuật của các nước là tài sản chung của nhân loại, và những nước chậm phát triển, như nước ta cần phải nhanh chóng tiếp thu, kế thừa trong sự phát triển.

Trên đây là những yếu tố quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, xây dựng đội ngũ nhân tài cho đất nước. Để đạt được những kỳ vọng trên ngoài những cố gắng của bản thân các Trường Đại học, cần có những đổi mới quan trọng, trong đó chính sách quản lý vĩ mô như:

- Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục và đào tạo, bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở rộng quy mô và loại hình đào tạo.

- Nhà nước chủ yếu chỉ đào tạo những nhân tài, tinh hoa của đất nước, còn lại nhà nước nên tiến hành xã hội hóa giáo dục qua việc mở rộng các cơ sở đào tạo, nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo qua việc xây dựng các chuẩn tối thiểu bắt buộc. Trách nhiệm xã hội sẽ được tiến hành thông qua cơ chế thị trường.

Để có thể đạt được điều đó, cần thiết phải sớm xóa bỏ bao cấp trong đào tạo, xóa bỏ sự bất công trong việc cấp kinh phí theo đầu sinh viên ở các trường công lập, tất cả các sinh viên phải bình đẳng trong việc thụ hưởng tín dụng sinh viên, nghĩa là bằng cách vay vốn để trang trãi học phí, và nhà nước chỉ nên bảo trợ cấp học bổng cho sinh viên giỏi, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, những gia đình chính sách.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, cần phải phát huy và tạo điều kiện cho những sáng kiến, ý tưởng mới được sinh sôi nảy nở, qua việc tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị khoa học để bàn bạc tham gia, góp ý, phản biện những vấn đề phục vụ thiết thực của cuộc sống.

Với suy nghĩ nói trên, trong phạm vi hẹp của bài viết này, có lẽ là chưa đầy đủ, tuy nhiên dù sao đây cũng là cách tiếp cận đến một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong việc góp phần nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, những nhân tài của quốc gia trên bước đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An với tiêu chí “ Tri hành đạt nhân” sẽ phấn đấu để góp một phần nhỏ và tích cực vào mục tiêu nêu trên.

TS Lê Đình Viên, Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An