Cần làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm trong vụ giáo viên bị huyện...đánh úp

25/09/2018 06:51
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Việc điều chuyển giáo viên theo kiểu đánh úp ở huyện Hậu Lộc nếu không vì lợi ích nhóm, “cánh hẩu” thì vì cái gì?

Sự việc một số giáo viên huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa bị đánh úp có nguy cơ bị cơ quan có thẩm quyền làm phức tạp hóa vấn đề.

Đến nay đã quá hạn trả lời khiếu nại công dân về việc điều động, thuyên chuyển nhưng huyện này vẫn chưa có phúc đáp đơn của thầy L.V.T. (giáo viên từng công tác tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc).

Những vi phạm trong việc điều chuyển giáo viên đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chỉ ra khá rõ trong các bài viết Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úpHậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả” ; Huyện Hậu Lộc có cán bộ cố chấp, không công tâm khi điều chuyển giáo viên...

Một số lãnh đạo thuộc Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc (ông Nguyễn Văn Ấp, Bí thư Huyện Ủy và bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện) đã thừa nhận sai sót trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên nhưng chưa đưa ra được phương án khắc phục vi phạm.

Sự việc khiến dư luận không thể đồng tình với cách xử lý vụ việc có phần chậm chạp, thiếu thuyết phục của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc tính đến thời điểm hiện tại.

Trường trung học cơ sở Ngư Lộc, nơi thầy L.V.T. từng công tác. Ảnh của Quốc Toản.
Trường trung học cơ sở Ngư Lộc, nơi thầy L.V.T. từng công tác. Ảnh của Quốc Toản.

Một điều hết sức đáng buồn trong vụ giáo viên bị đánh úp chính là việc đại diện cơ quan chuyên môn huyện Hậu Lộc, thậm chí cả Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện này tỏ ra lơ mơ về pháp luật nhưng cố chấp trước những quyết định điều động, thuyên chuyển giáo viên thể hiện rõ những dấu hiệu trái luật.

Điều đáng buồn hơn nữa chính là việc các cơ sở giáo dục có giáo viên bị điều động, thuyên chuyển không có bất cứ chính kiến nào để bảo vệ thầy cô giáo trước những quyết định thể hiện rõ sự phi lý của cơ quan có thẩm quyền trong công tác cán bộ:

“Việc bố trí giáo viên như thế nào là do phòng giáo dục tham mưu cho lãnh đạo”, ông Nguyễn Thái Sơn, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Ngư Lộc nói, trong khi văn bản 9656/UBND-VX đã nêu rất rõ quy trình thực hiện sắp xếp, điều động, thuyên chuyển giáo viên...

Câu chuyện điều động thuyên chuyển giáo viên nói chung, tại huyện Hậu Lộc nói riêng đến thời điểm này nhận được sự quan tâm của khá nhiều từ phía chuyên gia từng công tác lâu năm trong lĩnh vực quản lý giáo dục.

Hôm 24/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trái luật (nói chung) có nguyên nhân chủ yếu do chủ quan.

Ông Tiến phân tích: “Nguyên tắc trong điều động, thuyên chuyển giáo viên là phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về yêu cầu vị trí việc làm, nhu cầu công tác... Tức là nơi thừa giáo viên sẽ thực hiện điều động đến nơi thiếu giáo viên để tạo sự cân bằng về vị trí việc làm giữa các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, trong thực tế xảy ra câu chuyện điều động, thuyên chuyển giáo viên một cách ngẫu hứng, thích thì điều động, không thích thì thôi hoặc điều động do có mâu thuẫn với nhau.

Lại có hiện tượng điều động thuyên chuyển giáo viên theo kiểu tôi không thích anh thì tôi điều anh đi nơi khác. Hoặc điều động luân chuyển để tạo điều kiện cho người đó leo lên một vị trí khác.

Việc điều động đó mang tính định kiến cá nhân, hoặc điều động vì thân cận, cánh hẩu với nhau chứ không căn cứ vào nhu cầu công việc, về vị trí việc làm”, ông Lê Như Tiến cho biết. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, việc điều động, thuyên chuyển trái luật là biểu hiện của tư lợi, lợi ích nhóm.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Trinh Phúc.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Trinh Phúc.

Nói về cách điều động, thuyên chuyển giáo viên có phần lạ kỳ của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc, ông Lê Như Tiến cho rằng, việc làm này không tuân thủ nguyên tắc nào cả:

“Xin nhắc lại việc điều động, thuyên chuyển phải tuân thủ nguyên tắc điều động từ nơi thừa đến nơi thiếu, phù hợp với vị trí, việc làm.

Trường hợp điều động, thuyên chuyển giáo viên từ nơi đang đủ đến nơi thừa khiến cơ sở giáo dục có giáo viên bị điều đi bỗng thiếu hụt nhân sự và nơi giáo viên được điều đến lại thừa nhân sự là trái quy định.

Việc điều động này không theo một nguyên tắc nào cả và không thể chấp nhận được. Không thể có lý do nào để bào chữa cho hành vi này”, ông Lê Như Tiến nhận định. 

Cần làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm trong vụ giáo viên bị huyện...đánh úp ảnh 3Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úp

Ông Lê Như Tiến đề nghị, trong trường hợp huyện điều động, thuyên chuyển giáo viên trái quy định thì cấp trên phải có sự giám sát, chỉ đạo, làm rõ vụ việc. Nếu cấp dưới làm không đúng pháp luật thì phải “thổi còi” ngay.

Nói về trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên không đúng quy định pháp luật, ông Tiến cho rằng:

"Trách nhiệm trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trái luật thuộc về Chủ tịch huyện và cơ quan tham mưu.  Việc xử lý vi phạm phải căn cứ theo quy định của Luật cán bộ công chức”, ông Tiến nói và và đặt nghi vấn đề điều chuyển chuyển giáo viên tại huyện Hậu Lộc có dấu hiệu "cánh hẩu", mối quan hệ.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho rằng, việc ký văn bản điều động, thuyên chuyển giáo viên với nội dung sai thì trách nhiệm trước hết thuộc về người ký. Tiếp theo phải xem xét đến trách nhiệm của cả hệ thống tham mưu. 

“Nếu người ký quyết định là người đứng đầu đơn vị thì trách nhiệm sẽ là “hai trong một” (trách nhiệm quản lý, trách nhiệm do ký quyết định trái luật). Nếu người ký văn bản thuyên chuyển điều động trái luật là cấp phó, thì cấp trưởng cũng phải chịu trách nhiệm quản lý”, Tiến sĩ Sơn cho biết.

Như vậy, với với cách lý giải trên, ông Nguyễn Văn Luệ phải chịu trách nhiệm “kép” trong vụ đánh úp giáo viên (trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, người ký văn bản).

Cũng theo nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp, đối với những quyết định điều động, thuyên chuyển có vi phạm thì phải hủy, và trả người đó (chỉ người được điều động, thuyên chuyển trái quy định) về chỗ cũ.

Trường hợp gây thiệt hại cho người khác vì quyết định điều động thuyên chuyển trái quy định thì phải xem xét trách nhiệm bồi hoàn.

QUỐC TOẢN