Cũng vẫn là 9 nhiệm vụ nhưng so với Chỉ thị 2699/CT-BGD ĐT về 9 nhiệm vụ chủ yếu năm học trước thì Chỉ thị 2919/CT-BGD ĐT ngày 10/8/2018 về nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018-2019 này có một điểm rất mới.
Điểm rất mới đó là mục b trong nhiệm vụ thứ 8 của chỉ thị “Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh…”. Không hiểu, Bộ trưởng sẽ “giải quyết dứt điểm” tình trạng đó bằng cách nào?
Ở các trường học nông thôn, nhà vệ sinh kiểu này còn nhiều (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Nỗi sợ hãi nhà vệ sinh
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui! Đúng là vui thật và sẽ rất vui nếu như không có một sự ám ảnh kinh hoàng. Đó là sự ám ảnh từ công trình vệ sinh trường học ở nhiều nơi, nhất là khu vực nông thôn.
Học sinh phổ thông của chúng ta đến trường và học tập, sinh hoạt với thời gian rất dài, nhất là các trường tổ chức dạy hai buổi/ngày. Nhu cầu về sinh hoạt, vệ sinh là tất yếu.
Có con người nào mà mỗi buổi trong ngày lại không hỏi thăm nhà vệ sinh 1-2 lần. Thế nhưng nhiều học sinh của chúng ta không dám có nhu cầu bắt buộc đó của con người.
Các em cố và không dám nghĩ đến việc đi ra nhà vệ sinh vì nghĩ đến đã thấy hãi hùng với thực trạng nhà tiêu trong hầu hết các trường học ở nông thôn hiện nay.
Còn vì sao các em hãi hùng và thực trạng đó như thế nào thì người viết bài thực sự không dám mô tả và dù không mô tả thì ai trong mỗi chúng ta cũng đã hình dung và thấu hiểu rồi. Con cái chúng ta, ngày ngày vẫn khổ như vậy đó.
Bộ Giáo dục làm cách nào “giải quyết dứt điểm” những nhà vệ sinh này? (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Kiên quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh bằng cách nào?
Đọc Chỉ thị về 9 nhiệm vụ của năm học 2018-2019, đến đoạn này, người đọc thấy mát lòng nhưng sau đó lại thấy nẫu lòng vì lo Bộ chủ quản làm cách nào mà dứt điểm được nỗi sợ hãi nhà vệ sinh trong tâm trí học sinh.
Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 8793:2011) về trường tiểu học - yêu cầu thiết kế do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố:
Với học sinh nam, cứ 20-30 em có 1 hố tiểu, 1 chậu xí và 1 bồn rửa tay; với nữ sinh thì tối đa 20 em cho bộ 3 thiết bị này.
So với quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam 8793:2011, chúng ta chỉ dám “mơ” bằng một phần như vậy, nhưng không có.
Thực tế hiện nay, khu vực nông thôn đang ở tình trạng khoảng từ 50 đến 100 học sinh sử dụng 1 bồn vệ sinh.
Có nơi còn đông hơn thế, có ngôi trường 500 học sinh chỉ có vài bồn vệ sinh tạm bợ. Nếu so ra, hầu hết những công trình này không đạt tiêu chuẩn về diện tích, độ cao, thoát nước…
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tỉnh chỉ là cơ quan chuyên môn có chức năng quản lí chuyên môn và tham mưu, giúp việc. Bộ không có quyền điều động nhân lực và tài chính.
Những tháng hè vừa qua, Bộ Giáo dục cũng đã mở một cuộc điều tra về thực trạng các nhà vệ sinh trong các trường học.
Các cơ sở giáo dục phổ thông đều đã gửi báo cáo lên (kèm theo file ảnh) theo ngành dọc.
Vào năm học mới, Bộ lại đưa vấn đề dứt điểm nhà vệ sinh kém chất lượng vào chỉ thị nhiệm vụ năm học. Đây là một động thái thể hiện trăn trở của lãnh đạo ngành được mệnh danh là “quốc sách”.
Nhưng với chức năng và quyền hạn theo quy định, không biết Bộ có làm được nhiều không cho vấn đề này. Chúng ta hãy chờ một phép màu từ Bộ!