LTS: Việc để xảy ra sai sót trong khâu ra đề thi đã không phải là chuyện hiếm trong ngành giáo dục.
Việc này đang gây ra những dư luận không tốt về chất lượng và trách nhiệm của người làm công tác ra đề thi.
Thầy giáo Nguyễn Cao nêu ra những trường hợp sai sót điển hình trong thời gian gần đây và chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Sau kì thi học sinh giỏi lớp 9 (ngày 28/3) của tỉnh Bình Thuận, nhiều tờ báo đã đưa tin về sự sai sót đáng tiếc ở môn Lịch sử.
Cụ thể là trong phần lịch sử thế giới lại có câu hỏi về phong trào Cần Vương của Việt Nam. Chuyện thật cứ ngỡ như đùa ấy cũng đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác.
Chúng ta đều biết rằng công tác ra đề thi trong bất kì kì thi nào cũng phải hết sức cẩn thận.
Bởi mỗi đề thi không chỉ thể hiện năng lực của cán bộ, giáo viên được phân công ra đề mà khi những cái đề thi đó được phát ra cho học trò, nó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tâm lí của các em học sinh.
Mặc dù công tác ra đề thi đều có những qui định nghiêm ngặt từ khâu ra đề, phản biện. Song, hàng năm chúng ta vẫn thấy có những trường hợp đề sai xảy ra. Phải chăng công tác ra đề của một số địa phương chưa được chú trọng?
Đề thi đưa nhầm câu hỏi lịch sử Việt Nam vào phần lịch sử thế giới. (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Đối với bất kì đề nào của Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhận việc ra đề cũng thể hiện tính chất quan trọng của kì thi. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta vẫn phải chứng kiến những chi tiết sai đáng chê trách.
Còn nhớ, đề thi Ngữ văn trong kì thi học kì lớp 12 của tỉnh Đồng Nai năm ngoái cũng có những tình tiết sai rất ngớ ngẩn khi đề thi nói rằng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là của… đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, câu 1 phần II (Làm Văn) của đề thi có nội dung: “Tính đến nay đã có 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có mười tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận và hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum. (Theo Báo Nhân dân điện tử ngày 25.3.2016)".
Nơi chúng tôi đang công tác cũng từng chứng kiến một việc làm vô cùng phản cảm là trong kì thi học sinh giỏi lớp 9 vừa mới diễn ra, đề thi môn Địa lí có 6 câu thì có tới 5 câu lấy lại y nguyên của kì thi học sinh giỏi năm ngoái.
Đề thi khảo sát môn Hóa lại có sai sót, Sở Giáo dục Hà Nội lưu ý Bộ |
Sau khi học sinh thi và đem đề ra thì phần lớn giáo viên đều có những bàn tán về cách ra đề của Sở.
Tại sao mỗi đề thi, ngân sách của ngành phải chi một số tiền rất lớn cho người ra đề và người phản biện mà lại để tình trạng tắc trách như vậy xảy ra.
Mặc dù về nguyên tắc kiến thức không sai nhưng việc lấy lại đề thi của năm liền kề là điều tối kị trong một kì thi học sinh giỏi!
Từ những dẫn chứng ở trên cho ta thấy rằng chuyện ra đề thi sai, nhầm lẫn hoặc tắc trách vẫn xảy ra thường xuyên ở ngành giáo dục.
Nên nhớ rằng đây mới chỉ là những trường hợp bị dư luận phát hiện. Những trường hợp sai sót không bị phát hiện kịp thời chắc chắn sẽ còn nhiều hơn thế nữa.
Câu hỏi đặt ra là vì sao qui trình ra đề thi của cấp Sở mà để sai những kiến thức sơ đẳng như vậy? Vì sao với tính chất kì thi được Sở ra đề mà lại có những nhầm lẫn đáng tiếc như thế?
Hiện nay, ở các Sở Giáo dục đều biên chế một chuyên viên phụ trách môn học. Vì thế, trong các kì thi học kì, thi học sinh giỏi thì phần lớn là vị chuyên viên này đảm nhận. Hoặc, sẽ thành lập một tổ ra đề/ môn thi.
Tầm để ra đề thi học sinh giỏi hay thi học kì cho Sở thì không thể nào là một giáo viên trẻ của tỉnh.
Chí ít cũng là tổ trưởng chuyên môn của một trường hoặc chuyên viên của Sở thì độ tuổi nghề ít nhất cũng đã có thâm niên trên 10 năm tuổi nghề.
Hơn nữa, qui trình ra đề thi thì thường có 3 người, một người ra và hai người phản biện.
Từ qui định như vậy, chúng ta có thể đưa ra suy luận: nếu đầy đủ các thành viên thì lẽ nào cả ba người đều “nhầm lẫn” hoặc chỉ một mình chuyên viên của Sở ra đề mà không có người phản biện thì lại sai… qui trình.
Phải nói rằng chuyện ra đề thi sai không phải là hiếm ở các địa phương hiện nay.
Tuy nhiên, khi sai thì họ thường tìm cách để che đi những cái sai của mình mà thôi.
Nơi chúng tôi công tác, chuyện Sở ra đề thi sai câu hỏi hoặc đáp án diễn ra khá nhiều.
Nhưng, đa số khi đề thi đã sai thì được hướng dẫn cho điểm “khuyến mãi”. Nghĩa là câu đó, học sinh sẽ được điểm tuyệt đối.
Có những môn học mà đáp án phải điều chỉnh đến lần thứ 3, bởi khi chấm giáo viên phát hiện ra đáp án sai. Sau đó, tổ trưởng điện cho Hội đồng bộ môn và Hội đồng bộ môn điện lên chuyên viên Sở.
Rồi, chuyên viên Sở lại “âm thầm” chuyển đáp án qua mail cho các giáo viên để che đi những khiếm khuyết của mình.
Vì sao đề lại sai? Câu hỏi có phần cắc cớ nhưng theo chúng tôi có những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, các chuyên viên Sở thường là những hiệu trưởng dưới cơ sở, sau đó được cấp trên điều chuyển lên làm chuyên viên.
Nhưng, khổ nỗi là các vị này đã làm quản lý nhiều năm nên khi quay lại với công việc chuyên môn đôi lúc có phần “nhầm lẫn”.
Thứ hai là khi ra đề thường có một đề chính và một đề dự phòng, nhiều nơi còn làm nhiều đề cho một kì thi để hạn chế tiêu cực trong thi cử.
Có những địa phương thực hiện ngân hàng đề thi, họ yêu cầu mỗi đơn vị cơ sở nộp 01 đề thi. Sau đó họ trộn các câu hỏi đó lại để lựa chọn thành một đề thi.
Khi trộn đề thi thì thực hiện lệnh “copy” và “paste” (sao chép và dán) nhưng đôi lúc không để ý nên mới có chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Chuyện ra đề sai thường có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của mỗi đơn vị. Nhất là khi đề thi sai mà “được” lên báo thì không ai muốn.
Vì thế, luôn đòi hỏi người ra đề và người phản biện đề cần làm việc nghiêm túc, khoa học để tránh những sai sót không đáng có.