Mới đây, Tạp chí Times Higher Education công bố Top 300 trường Đại học tốt nhất châu Á năm 2017 tuy nhiên trong danh sách này không có đại diện nào đến từ Việt Nam.
Nhìn vào bảng xếp hạng này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đây là một thực tế đáng buồn.
Mặc dù mỗi tổ chức xếp hạng đại học đều đưa ra các tiêu chí đánh giá khác nhau.
Vì sao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam chưa đi lên? (Ảnh minh họa dẫn từ nguồn Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Tuy nhiên, theo ông Khuyến, bảng xếp hạng Times Higher Education nhấn mạnh đến vai trò của nghiên cứu: chỉ 25% là giảng dạy, 75% còn lại là nghiên cứu và liên quan tới nghiên cứu.
Điều này có nghĩa là việc vắng bóng các trường đại học của Việt Nam chứng tỏ chúng ta chưa có đại học nghiên cứu đẳng cấp cao như các nước trong khu vực.
Ông Khuyến nhìn nhận, hiện nay, ở nước ta, các hoạt động nghiên cứu chủ yếu thuộc về các viện nghiên cứu còn các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu làm nhiệm vụ đào tạo.
Singapore vượt Trung Quốc, giành vị trí đầu bảng Top 10 trường đại học Châu Á |
Do vậy, Việt Nam muốn lọt vào bảng xếp hạng này thì vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu làm sao để hỗ trợ, cùng nhau phát triển.
Theo kinh nghiêm của nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới và trong khu vực, đại học không chỉ là nơi phát triển kiến thức mới mà nghiên cứu cũng phải là một hoạt động không thể thiếu ở môi trường đại học.
Tuy nhiên, ông Khuyến cũng băn khoăn rằng: “Rõ ràng, chúng ta đã có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 ở châu Á theo bảng xếp hạng QS.
Chính vì vậy, tôi không biết có trường đại học nào của ta chủ động đăng ký tham gia cung cấp thông tin cho Tạp chí Times Higher Education để được xếp hạng hay không?”.
Khi có nghiên cứu chỉ ra việc có một số trường đầu tư tiền nhiều để được lọt vào danh sách các trường tốt nhất và để duy trì vị trí này liên tục trong các năm nên nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng Việt Nam chưa đầu tư nhiều vào bảng xếp hạng này?
Với ý kiến này, ông Khuyến cho rằng, Việt Nam vừa mới thoát nghèo nên việc đặt ra mục tiêu đó là không dễ thực hiện.
Bởi lẽ, chúng ta còn rất nhiều việc quan trọng hơn phải làm trong đó có đầu tư cho giáo dục.
Chờ “cú hích” cho giáo dục và phát triển nhân lực |
Cụ thể, ông Khuyến thông tin: Nhà nước dành 20% ngân sách quốc dân đầu tư cho giáo dục cũng là một con số cao mà không phải nước nào cũng được như thế.
“Do chúng ta còn nghèo nên đầu tư ít, không bằng các nước khác là đương nhiên. Nếu nghèo mà sử dụng xa xỉ mới là cái tội.
Tuy nhiên, điều tôi quan tâm hơn là với lượng tiền đầu tư cho giáo dục như thế, phải sử dụng sao cho hiệu quả, để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, thúc đẩy được nền kinh tế đất nước phát triển”, ông Khuyến bày tỏ quan điểm.
Bởi theo vị tiến sĩ này, khi mặt bằng kinh tế của đất nước được nâng lên thì lúc đó sẽ quay lại đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. Bài toán đó không thể giải quyết nóng vội được.
Muốn đổi mới rõ rệt đòi hỏi phải có đầu tư lớn mà ngay trong một thời gian ngắn thì ta chưa thể làm được.
Trong khi hiện nay tính hiệu quả trong sử dụng tiền đầu tư còn thấp, cả ở tầm vĩ mô, tức là hệ thống cũng như tầm vi mô, tức là cơ sở các trường.
Khi nguồn lực có hạn thì chúng ta cần phải quan tâm làm sao để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục chứ khoa nào lo khoa đó, bộ môn nào lo bộ môn đó, trường nào lo trường đó, khối nào lo khối đó thì giáo dục khó phát triển nhanh được.
Ngay cả ở tầm hệ thống cũng chưa đầu tư tìm kiếm các giải pháp nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, dẫn đến kết quả là giáo dục đại học chưa đi lên.
Ông Khuyến đề xuất, trước mắt chúng ta có thể đầu tư có mũi nhọn nhằm hỗ trợ cho một số trường đại học thực sự bứt lên, trong đó có những ngành mũi nhọn để đưa đất nước đi sâu vào nền kinh tế tri thức, tác động ngay lên sự phát triển của đất nước.
“Khác với chuyện đầu tư một vài trường nhưng chỉ phát triển những lĩnh vực chưa tác động hiệu quả ngay lên nền kinh tế thì tôi không tán thành”, ông Khuyến nói.
Bảng xếp hạng 300 trường Đại học châu Á được Times Higher Education đưa ra dựa trên 13 tiêu chí, chia thành 5 lĩnh vực bao gồm giảng dạy (môi trường giảng dạy); nghiên cứu (số lượng, thu nhập, danh tiếng); trích dẫn nghiên cứu (tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu); triển vọng quốc tế (giảng viên, sinh viên, nghiên cứu) và thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức). Nhật Bản là quốc gia có nhiều đại diện lọt vào Top 300 nhất với 69 trường. Tiếp đến là Trung Quốc 54, Ấn Độ 33 và Hàn Quốc 26. Việt Nam không có trường nào lọt vào danh sách. |