Năm học 2014-2015 là năm thứ ba thực hiện Luật Giáo dục đại học và là năm thứ hai toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 44 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29.
Nhanh chóng chuyển đổi mô hình sang tư thục
Trong năm học 2014-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.
Theo đó, các trường có Đề án đổi mới cơ chế hoạt động được Chính phủ giao quyền tự chủ ở mức cao hơn về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; được thu mức học phí cao hơn so với quy định chung. Hiện nay, 11 trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm mô hình tự chủ theo Nghị quyết 77.
Chủ trương chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang tư thục theo Luật giáo dục đại học cũng đã được quy định phù hợp với thực tế.
Ảnh minh họa Xuân Trung |
Sau khi ban hành Thông tư số 45/2014/TT-BGDĐT ngày 17/12/2014, có Trường Đại học Duy Tân đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho chuyển thành trường tư thục theo qui định mới, 04 trường đại học đã hoàn chỉnh hồ sơ đang thực hiện thủ tục ra quyết định chuyển đổi và 15 trường đại học dân lập đang triển khai xây dựng đề án chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục theo quy định.
Trong năm học 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ trường đại học, Điều lệ trường cao đẳng, trong đó có nhiều nội dung đổi mới quản trị đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học.
Hiện nay, 8 cơ sở đào tạo đã thành lập Hội đồng trường, kiện toàn bộ máy tổ chức theo quy định của Điều lệ mới . Nhiều cơ sở đào tạo đang trong giai đoạn chuẩn bị sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và hoàn thiện tổ chức nhân sự; kiện toàn hoặc thành lập mới hội đồng trường; củng cố hệ thống các văn bản quy định phục vụ công tác quản lý; chỉnh sửa, bổ sung hoặc dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động.
Ba nhiệm vụ trọng tâm
Bộ GD&ĐT xác định trong năm học mới, cần tập trung vào những nhiệm vụ như: Cơ cấu lại hệ thống trường đại học, cao đẳng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng đào tạo.
Phát triển chương trình đào tạo phù hợp với Khung trình độ Quốc gia và yêu cầu của thị trường lao động và kiểm định chất lượng, tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với cơ cấu lại hệ thống trường đại học, bộ sẽ Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước; trong đó chú trọng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, các trường Đại học sư phạm trọng điểm.
Tiếp tục chuyển đổi các trường đại học dân lập sang mô hình tư thục theo quy định của Luật giáo dục đại học; hạn chế tối đa việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập.
Trong bối cảnh có một số trường ĐH, CĐ, Trung cấp ở các địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các địa phương có cơ sở đào tạo trực thuộc cơ cấu lại hệ thống các trường (chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín…) để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu các cơ sở không đảm bảo chất lượng, góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng và phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới.
Đối với các trường đại học, cao đẳng, bộ xác định các trường có nhiều khó khăn trong tuyển sinh trong những năm qua và dự báo còn tiếp tục gặp khó khăn trong những năm tới cần xây dựng đề án cấu trúc lại mục tiêu, hoạt động, chuyển đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với cơ quan quản lý trực tiếp các trường này để bàn bạc thống nhất việc xử lý cụ thể.
Về việc phát triển chương trình phù hợp với khung trình độ quốc gia. Bộ GD&ĐT xác định triển khai công tác phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học làm căn cứ để các cơ sở đào tạo định hướng lại sứ mạng, mục tiêu và kế hoạch đầu tư phát triển các trường đại học theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.
Các trường đại học công sẽ phải nhanh chóng thành lập hội đồng trường với các thành phần đúng theo qui định của Điều lệ trường Đại học, Điều lệ trường Cao đẳng; điều chỉnh các qui định nội bộ, tạo nề nếp làm việc theo hệ thống quản trị đại học mới, phát huy vai trò của Hội đồng trường.
Đối với công tác kiểm định Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập, nhanh chóng triển khai kiểm định và công nhận các cơ sở giáo dục đạt chất lượng.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học đăng ký đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục bởi các tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng có uy tín ở trong nước, khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh công tác đào tạo, cấp chứng chỉ kiểm định viên cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên trên toàn quốc.
Tổ chức đánh giá 4 năm thực hiện Luật giáo dục đại học và 3 năm thực hiện Nghị quyết 29 để nhân rộng các điển hình tốt, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện.
Kết quả tuyển sinh năm 2015 vừa qua: Theo báo cáo của 443 trường ĐH, CĐ (gồm 248 trường ĐH và 195 trường CĐ), tính đến ngày 15/9/2015, các trường này đã tuyển được 554.953 thí sinh, đạt 85,74% chỉ tiêu do các trường tự xác định; trong đó, hệ ĐH tuyển được 415.870 đạt 97,6% chỉ tiêu; hệ CĐ tuyển được 139.083 đạt 63,21% chỉ tiêu. Theo đó, đạt cao hơn số tuyển được của cả năm 2014 (năm 2014 tuyển được 505 nghìn sinh viên, đạt 78,9% so với chỉ tiêu; trong đó có 348 nghìn sinh viên ĐH, đạt 94% và 157 nghìn sinh viên CĐ, đạt 58,1%). Điều đó cho thấy, việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh ĐH, CĐ đã tạo thuận lợi hơn cho các thí sinh và các trường trong việc tuyển sinh. |