4 tiêu chí cần có trong hồ sơ xét tuyển
Vấn đề mà hàng nghìn phụ huynh quan tâm hiện nay là lấy tiêu chí gì xét từ lớp 5 lên lớp 6?
Ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: "Trong thông tư 30 ngày 28/8/2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét.
Trong điều 11, điều 13 và điều 14 đã nêu rõ về hồ sơ của một học sinh, gồm có: Học bạ; Phiếu hoặc sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường; Sổ ghi nhận xét đánh giá của giáo viên đánh giá học sinh; Thành tích thi đua khen thưởng".
Cũng theo ông Dũng, đánh giá học sinh tiểu học trong Thông tư 30 cũng đã nói rõ dựa trên 3 cơ sở:
Thứ nhất, học sinh thực hiện đạt chuẩn kiến thức chương trình Bộ Giáo dục quy định từng môn với hoạt động giáo dục thì được đánh giá hoàn thành hay chưa hoàn thành.
Thứ hai, quá trình hình thành và phát triển năng lực của học sinh sẽ được đánh giá đạt hay chưa đạt.
Thứ ba, quá trình hình thành phẩm chất của học sinh sẽ được đánh giá đạt hay chưa đạt.
Ông Dũng nhận định: "Như vậy là bao quát được học sinh cả về mặt trí lực, cả về mặt phẩm chất đạo đức. Ngoài ra còn có đánh giá cuối học kỳ 1, cuối học kỳ 2, không chỉ đánh giá bằng nhận xét mà còn đánh giá bằng điểm số học định kỳ.
Cả một quy trình đánh giá như vậy là rất chặt chẽ và cuối cùng tổng hợp tất cả những đánh giá đó để xét học sinh lên lớp hoặc chuyển cấp thì phải có sự chỉ đạo của phòng giáo dục.
Qua bài kiểm tra định kỳ cuối năm để xét cùng với các tiêu chí khác thì phải có sự phối hợp của giáo viên các trường Trung học cơ sở để tham gia giám sát, chấm bài. Dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng, Tổ trưởng tổ bộ môn của khối 5 sẽ cùng với giáo viên Trung học cơ sở ra đề.
Như vậy là sự phối hợp giữa tiểu học và trung học là rất chặt chẽ để xét cho các cháu chuyển cấp".
Ông Phạm Văn Đại khẳng định: "Trong công văn chúng tôi gửi về các quận huyện, các trường đã đề nghị thực hiện theo đúng các tiêu chí xét tuyển theo tuyến, căn cứ vào hồ sơ, học bạ. Trường nào cũng phải làm như vậy và phải công khai minh bạch thì sẽ đảm bảo được công bằng".
Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (ngoài cùng bên phải) trả lời về tuyển sinh đầu cấp chiều 21/4. ảnh: Ngọc Quang. |
Ông Phạm Văn Đại cho biết, Hà Nội có 623 trường Trung học cơ sở, nhưng chỉ có một số ít các trường có số lượng đăng ký lớn vượt xa chỉ tiêu tuyển sinh.
Năm 2014, có 9 trường số đăng ký đông và đã thực hiện thi tuyển, nhưng năm học này sẽ phải thực hiện nghiêm phương án không thi tuyển vào lớp 6.
Các trường chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào các lớp trình phòng giáo dục và UBND quận, huyện phê duyệt sau đó báo cáo về Sở vào ngày 13/5.
Chậm nhất ngày 30/5, toàn bộ kế hoạch về công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở.
Kiểm tra IQ, EQ là việc làm quá mới?
Trước những băn khoăn về việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rút lại quyết định cho 3 trường THCS Nguyễn Tất Thành, THCS Lương Thế Vinh và THCS Marie Curie thực hiện phương thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực học sinh, ông Phạm Văn Đại giải thích: "Sở Giáo dục Hà Nội thấy có 3 trường nêu trên đề xuất phương án tuyển sinh hợp lý và có thể cho phép thực hiện thí điểm.
Tuy nhiên, sau đó Sở Giáo dục Hà Nội một lần nữa lấy ý kiến của các chuyên gia và nhân dân về phương án của 3 trường này và nhận được các luồng ý kiến khác nhau.
Một số đồng tình vì việc đánh gía IQ, EQ cũng đang được nhiều nước tiên tiến sử dụng để đánh giá học sinh và tuyển dụng.
Một số khác cho rằng, việc đánh giá IQ và EQ cần được thực hiện bởi trung tâm ngoài nhà trường với sự tham gia của các chuyên gia để có thể đưa ra các câu hỏi chính xác, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trong khi đó, các trường THCS còn thiếu chuyên gia, câu hỏi chưa phù hợp.
Xét thấy, đây là phương pháp mới, chưa được phổ biến trong xã hội, có thể tạo áp lực cho học sinh thay vì học Toán, Văn, Ngoại ngữ lại chuyển sang học các bài kiểm tra IQ, EQ nên Sở GD&ĐT Hà Nội đã điều chỉnh lại quyết định và tất cả các trường THCS sẽ chỉ thực hiện xét tuyển".
Kỳ tuyển sinh năm nay cũng có sự khác biệt rất rõ với những năm trước kia là không còn phân biệt trường điểm với trường thường, từ đó đặt ra vấn đề: Các trường vốn đã làm rất tốt nhiều năm nay sẽ mất động lực phấn đấu, bởi sau khi đào tạo được giáo viên giỏi thì hoàn toàn có thể bị chuyển sang trường bình thường?
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời: "Việc này sẽ co ngắn khoảng cách của các trường, đấy là cách làm để nâng cao chất lượng và giảm áp lực cho những trường có số giáo viên giỏi. Chúng ta nên khuyến khích việc này vì không ảnh hưởng gì đến chất lượng chung của trường đó".