LTS: Quý vị đang theo dõi một bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, gửi về Tòa soạn từ Quảng Ngãi. Hôm nay, thầy Ngọc bàn đến chuyện cấm thi tuyển vào lớp 6.
Các góc nhìn, lập luận của thầy xuất phát từ thực tế giáo dục nước nhà, rất đáng suy ngẫm.
Tòa soạn trân trọng gửi tới quý vị bạn đọc.
Gần đây, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các Sở trực thuộc, yêu cầu chỉ đạo các trường tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.
Quy định mới này nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội, đặc biệt là các trường THCS, các phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 6.
Theo đó, các cơ sở giáo dục và đào tạo có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, cần căn cứ vào quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp và không tổ chức thi tuyển.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Có người thì tỏ ra băn khoăn, hoài nghi về tính khả thi của việc cấm thi tuyển vào lớp 6, nhất là những trường ngoài công lập, trường đặc thù.
Có phụ huynh thì quan ngại về việc chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể, rõ ràng từ cơ quan chủ quản, dễ nảy sinh tiêu cực trong quá trình đánh giá, xét tuyển, gây khó cho địa phương, các cơ sở giáo dục.
Có người cho rằng quy định như vậy phá mất tính cạnh tranh lành mạnh, cần thiết trong môi trường giáo dục, những em học tốt, học giỏi có quyền được chọn, được học ở những trường, lớp chất lượng để phát huy năng lực của mình.
Một văn bản, quy định mới được ban hành mà “đụng” đến quyền lợi, lợi ích của một số đối tượng, tất nhiên có nhiều ý kiến, đóng góp, trao đổi, thậm chí trái chiều, quyết liệt, đó cũng là một lẽ thường tình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tích cực lắng nghe các kênh thông tin phản hồi để có những trao đổi, điều chỉnh hoặc chỉ dẫn hướng cụ thể, chi tiết, giúp cho các cơ sở giáo dục địa phương dễ nắm bắt và thuận tiện trong việc triển khai thực hiện.
Là người trong ngành, tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ Quy định này, vì những lý do sau đây:
Một là, nó bám sát tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành TƯ Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Đồng thời phù hợp với cách đánh giá mới của Thông tư 30, bậc tiểu học, bằng chuyển từ điểm số qua nhận xét, đang có những tín hiệu tích cực trong quá trình thực hiện ở năm học này, giảm được áp lực về học tập, về thành tích cho con trẻ, phụ huynh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Hai là, kể từ đây, con trẻ của chúng ta không còn bị “hành hạ”, khổ sở, vất vả với việc ôn tập, luyện thi, thi tuyển vào lớp 6 do mục tiêu trường chuyên, lớp chọn, do ép buộc và kỳ vọng của phụ huynh như những năm trước đây nữa.
Ba là, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6, chống và dẹp được nạn luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan; đẩy lùi nạn chạy chọt, tiêu cực…của phụ huynh, cơ sở giáo dục trong công tác thi tuyển, đem lại nhiều lợi ích thiết thực (giảm được chi phí) từ phía phụ huynh học sinh.
Bốn là, nó góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của chúng ta, trong đó có đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh về hoạt động giáo dục, hạn chế bớt việc ứng thí, thi cử, tranh đua vào trường chuyên, lớp chọn không cần thiết, hướng tới một nền giáo dục thực dạy, thực học, bình đẳng, công bằng.
Năm là, từ năm 1996, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương xóa trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS. Thế nhưng, thực tế ở nhiều nơi vẫn tồn tại “mô hình” này, vào đầu năm học, các bậc phụ huynh và học sinh có cuộc đua tranh "ma -ra-tông” rất quyết liệt vào những trường, lớp được xem là “chất lượng cao” ấy.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Đã đến lúc phải “khai tử” đối với những trường, lớp kiểu phân loại, phân biệt đẳng cấp cao, thấp; giỏi, vì lứa tuổi học sinh bậc THCS từ 11 tuổi đến 15 tuổi cần được giáo dục toàn diện để đảm bảo kỹ năng, kiến thức cơ bản.
Các trường, các địa phương đừng “vẽ “ ra trường chuyên, lớp chọn để lấy danh, lấy tiếng, luyện “gà nòi” đi thi thố, chỉ lợi bất cập hại, chỉ khổ sở và tạo tâm lý ảo tưởng cho con em và phụ huynh.
“Cô ơi! cho con tôi ở lại lớp vì nó học yếu quá”
(GDVN) - Phụ huynh nài nỉ cho con mình đúp, ở lại lớp như thế, mà giáo viên cũng có được quyền làm thế đâu, dù học trò thực sự không đáng được lên lớp...
Nhiều người lo lắng, nếu không thi tuyển vào lớp 6 thì dựa vào những căn cứ, tiêu chí nào để xét tuyển, điểm này chưa thấy Bộ GD&ĐT hướng dẫn, nói rõ.
Theo chúng tôi, căn cứ, tiêu chí chính ở đây là học bạ và sổ đánh giá ghi nhận kết quả các mặt về năng lực, phẩm chất của từng học sinh tiểu học đạt được từ lớp 1 đến lớp 5.
Những em tham gia và đạt giải trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…từng Sở GD&ĐT cũng có thể quy ra điểm để cộng điểm khuyến khích cho diện này.
Một số người lại hoài nghi, nếu dựa vào học bạ, sổ đánh giá thì lo lắng về chuyện phụ huynh có thể “chạy” nhà trường, giáo viên làm “đẹp” những hồ sơ đó để có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Mọi cái đều có thể xảy ra.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là căn cứ vào các quy chuẩn đánh giá của Bộ GD&ĐT đã ban hành, các cơ sở giáo dục và thầy cô giáo phải có trách nhiệm đánh giá một cách đồng bộ, công bằng, khách quan, chính xác năng lực, phẩm chất của từng học sinh, nói không với bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục, những “quan hệ” bất minh…
Chủ trương đúng, văn bản, quy định đầy đủ, không thiếu mà làm không được, không đúng thì đó là lỗi về cách thực hiện của con người. Cần có niềm tin vào lương tâm và ý thức trách nhiệm, nghề nghiệp của người thầy cô giáo hôm nay.
Về phía Sở Giáo dục, Phòng giáo dục khi phát hiện thấy một số trường hợp có dấu hiệu tiêu cực bất thường cần có ngay động thái kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Muốn giáo dục nước nhà tốt lên, con em bớt áp lực thi cử, học hành… cơ quan chủ quản đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi, bước đi mới như kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, Thông tư 30, Quy định cấm thi tuyển sinh vào lớp 6…
Để hiện thực hóa nó, không thể một mình Bộ GD&ĐT hoặc một bộ phận, một nhóm người làm được, cần có sự đồng thuận, trách nhiệm và quyết tâm của cả xã hội, đặc biệt đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo; các em và phụ huynh học sinh.